Ảnh minh họa
Theo số liệu từ Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra trong tháng 10 đạt 189 triệu USD, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, tới hết tháng 10, xuất khẩu cá tra đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường Trung Quốc đứng đầu, thứ 2 là thị trường Mỹ, thứ 3 là các nước thuộc (CPTPP Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương như Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia..), thứ 4 là EU.
Về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc và Hong Kong tháng 9/2023 nhập khẩu 56 triệu USD cá tra Việt Nam, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 9/2023, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc và Hong Kong đạt 434 triệu USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc và Hong Kong liên tục dẫn đầu top các thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam từ năm 2019 đến nay và là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam.
So sánh xuất khẩu cá tra trong 9T đầu năm. Nguồn: VASEP
Đứng thứ 2 về nhập khẩu cá tra Việt Nam là Mỹ, tính đến hết tháng 9, cá tra sang cường quốc này đạt 207 triệu USD, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2022.
Đến hết tháng 9/2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Đức đạt hơn 28 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp hơn 1/5 vào tổng nhập khẩu cá tra của EU từ Việt Nam. Đáng chú ý, tháng 9/2023, xuất khẩu cá tra sang thị trường này ghi nhận mức giá trị cao nhất trong 2 năm trở lại đây, với kim ngạch tăng 149% so với tháng 9/2022.
Cá tra Việt Nam hiện đã được xuất khẩu đến hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và được đón nhận vì ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao; thậm chí tại Trung Quốc còn có hiện tượng người dân xếp hàng chờ được ăn.
Đối với Trung Quốc, thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam, họ ưa chuộng nhập khẩu các sản phẩm cá tra phile đông lạnh, bao tử cá tra đông lạnh, bong bóng cá chiên/khô/sấy, cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh, bụng cá tra đông lạnh, cá tra phile cắt khúc/cắt miếng còn da, cá tra cắt portion đông lạnh, cá tra phile tẩm gia vị đông lạnh, cá tra nguyên con bỏ nội tạng đông lạnh...
Ông Lin Xiaowen, Tổng Giám đốc của Hải Nam Xiangtai Fish cho biết công ty của ông gần đây đã vượt qua những thách thức trong nuôi cá tra và khám phá các kỹ thuật mới sau 4 năm nuôi thử nghiệm.
Xiangtai, nhà chế biến cá rô phi lớn nhất Trung Quốc, là một công ty quan trọng trong ngành cá tra còn non trẻ của Hải Nam. Công ty có liên doanh sản xuất giống cá tra ở Hải Nam và đã phát triển các loại thức ăn chuyên dụng cũng như phương pháp nuôi phù hợp với tỉnh. Ông Lin hy vọng sản lượng cá tra của Xiangtai sẽ đạt 10.000 tấn trong năm nay.
Nhưng ông Lin thừa nhận rằng ngay cả ở điều kiện khí hậu tương tự như Hải Nam, kích cỡ cá tra nuôi nhìn chung nhỏ hơn của Việt Nam. Ông cho biết hiện tại, cá tra nội địa của Trung Quốc không thể cạnh tranh trực tiếp với hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đến ngày 31/10/2023, diện tích nuôi mới cá tra là 5.319ha (tăng 85,36% so với cùng kỳ năm 2022), diện tích thu hoạch là 3.663ha (tăng 34,4% so với cùng kỳ năm 2022), sản lượng đạt 1.336.346 tấn (tăng 61,29% so với cùng kỳ năm 2022) với năng suất trung bình đạt 365 tấn/ha (cùng kỳ năm 2022 là 291 tấn/ha). Loài cá này có giá trị dinh dưỡng cao, không thua gì cá nước biển sâu, đặc biệt là mỡ cá. Trong thành phần mỡ cá tra, basa, các axit béo không no như: Omega 3, 6, 9, EPA, DHA và các Vitamin. Đây là nguồn cung cấp dưỡng chất quý cho cơ thể con người.