Chỉ học đến lớp 9, mắt bị hỏng một bên, gái nghèo quyết lấy chồng ngoại để đổi đời
Chị Đào Thị Thái (35 tuổi, người Hải Phòng) hiện đang sống cùng chồng và hai con trai tại tỉnh Gyeongsang Bắc - một vùng đất nổi tiếng về nông nghiệp và du lịch tại Hàn Quốc. Thái đã kết hôn 15 năm với người chồng lớn hơn mình 19 tuổi, là nông dân.
Nhớ lại quyết định năm ấy, cô kể, gia cảnh lúc bấy giờ rất khó khăn. Cô mồ côi cha năm mới lên 2 tuổi. Cùng năm ấy, cô mắc bạo bệnh khiến đôi mắt bị phủ màng trắng, gần như không còn nhìn được. Chạy chữa mãi thì một mắt mới lấy lại được thị lực, còn một bên mắt cứ đờ dại đi.
Nhà nghèo, mẹ không lo cho đi học tiếp được, Thái đành nghỉ học khi mới hết lớp 9, vào Nam ra Bắc đi làm thuê, rửa bát, dọn dẹp, làm phụ bếp, giúp việc… để kiếm sống, phụ giúp gia đình.
Nghĩ cảnh mẹ mỗi lúc một già, anh trai vất vả gà trống nuôi con sau khi chị dâu qua đời vì tai nạn giao thông, bản thân cũng đã trải qua những ngày cơ cực, Thái nghĩ đến việc lấy chồng ngoại quốc, may ra thì được đổi đời.
Thời điểm đó, ở quê Thái có “mốt” lấy chồng ngoại quốc thông qua mai mối. Các cô dâu Việt phần lớn là những người tuổi đôi mươi, có gia cảnh khó khăn, ôm mộng lấy chồng nước ngoài để đổi đời.
Còn các chú rể được mai mối hầu hết đều đã luống tuổi, thuộc dạng “ế có thâm niên”, hoặc có khiếm khuyết nào đó nên khó có thể tìm đối tượng kết hôn.
Biết vậy, nhưng vẫn trông đợi vào vận may, năm 2008, Thái đăng ký một chương trình mai mối.
Thái được giới thiệu cho một anh nông dân lớn hơn mình 19 tuổi. Tất cả thông tin cô biết về chồng tương lai, đó là “ông chú” ngót nghét 40 tuổi trước mặt mình có gương mặt hiền lành, nhà có vườn táo, đến từ tỉnh Gyeongsang Bắc.
“Tôi và chồng cách nhau 19 tuổi. Chúng tôi không có thời gian hẹn hò, tìm hiểu nhau, mà chỉ thông qua giới thiệu của những người mai mối. Khi nghe anh giới thiệu là nông dân, tôi nghĩ anh ấy có thể sẽ là người thật thà. Nhà anh có ruộng vườn, nếu chăm chỉ làm việc có thể sẽ có cuộc sống tương lai đảm bảo.
Khi nói chuyện, tôi cũng cảm thấy anh hiền lành, chân chất. Anh đã lớn tuổi nên sẽ có nhiều kinh nghiệm sống, tôi cảm thấy yên tâm khi ở bên cạnh anh, nên gật đầu đồng ý”, Thái kể lại.
Chồng thông báo trước việc cưới nhau về, họ sẽ sống chung với bố mẹ chồng đã cao tuổi. Thái cũng dự đoán, cuộc sống của mình tại Hàn Quốc sẽ không dễ dàng như trong phim, mà phải hết sức chăm chỉ, quán xuyến việc đồng áng. Tin vào cảm nhận ban đầu của mình về anh nông dân trồng táo và hoàn cảnh cũng không cho phép kén chọn nhiều, Thái quyết tâm trở thành vợ anh.
Cưới về mới biết chồng là “đại gia chân đất”, trở thành “bà trùm nông sản” xứ Hàn
Sang tới đất Hàn vào tháng 3/2009, Thái mới biết anh chồng nông dân của mình không hề “bèo bọt”. Cô lập tức bị choáng ngợp, vì là nông dân, nhưng nhà chồng Thái ở Gyeongsang Bắc có rất nhiều ruộng đất, táo và ớt trồng bạt ngàn. Không chỉ vậy, quy mô nông nghiệp của nhà chồng cũng rất hoành tráng, đủ loại máy móc, tiện nghi.
Khác với hình dung của Thái, việc làm nông của nhà chồng cô không quá vất vả, dùng nhiều loại máy móc để thay thế sức người ở nhiều công đoạn. Cày bừa, cắt cỏ, bón phân, xịt thuốc, hái táo trên cao... đều bằng máy hết.
Đúng là nhà anh có vườn táo, nhưng là vườn rộng bạt ngàn, phải đi xe mới hết được vườn
“Mỗi gia đình làm nghề nông ở đây đều đầu tư, sắm sửa từ 5 đến 10 máy móc nông nghiệp hiện đại. Con người chỉ làm việc vận hành và một số công đoạn cần bàn tay con người như thu hoạch trái, vặt tỉa lá… nên cũng không vất vả như mình tưởng tượng ban đầu”.
Thái không gặp quá nhiều trở ngại về ngôn ngữ vì đã học tiếng Hàn từ khi ở Việt Nam và cũng được trung tâm hỗ trợ người nước ngoài của tỉnh Gyeongsang Bắc cho giáo viên đến tận nhà dạy ngôn ngữ.
Trở ngại lớn nhất là về thay đổi môi trường sống, xa cách quê hương để đến ở với một gia đình xa lạ, thì Thái lại được gia đình chồng hỗ trợ rất nhiều. Ngày đón con dâu sang Hàn, bố mẹ chồng đều hân hoan, mẹ chồng chủ động mua quần áo mới, nấu nướng các món ngon bồi bổ sức khỏe, ân cần quan tâm con dâu.
Vườn táo của nhà chồng Thái tại Hàn Quốc
Hai vợ chồng lúc đầu chưa có nhiều tình cảm, nhưng chồng vẫn chủ động lập một tài khoản riêng để gửi tiền về cho gia đình Thái, đưa thẻ cho vợ chủ động chi tiêu. Đến khi Thái sinh con trai đầu lòng năm 2010, tình cảm vợ chồng càng lúc càng gắn kết. Sau đó 2 năm, họ có thêm cậu con trai thứ hai.
Sau 15 năm ở bên “ông chú” nông dân, Thái cũng chủ động vun vén cho công việc đồng áng. Được bố mẹ chồng chia một phần đất đai, một phần khác cố gắng mua thêm để mở rộng diện tích canh tác, Thái được hội chị em người Việt ở Hàn Quốc gọi đùa là “bà trùm nông sản”.
Việc trồng trọt của gia đình đã được mở rộng quy mô và các loại nông sản
Bởi lẽ, gia đình Thái không chỉ trồng hàng nghìn gốc táo đỏ, cả hecta ớt như những năm trước, mà càng lúc càng nảy nở kinh doanh, trồng thêm đủ loại cây ăn trái như 400 gốc táo vàng, nho sữa, mận, đào… và các loại hoa màu như lúa, đậu nành, vừng, tam giác mạch, củ cải, củ dền, mận, ngô, khoai, bí...
Không chỉ thế, nhà cô còn nuôi ong làm mật, có xưởng sản xuất nước ép táo, nước ép rau củ làm từ nông sản vườn nhà. Thái có hơn 125.000 người theo dõi trên mạng xã hội, nên “tiện thể” cô bán hàng online các mặt hàng nông sản, nhân sâm Hàn Quốc.
Cô gái nghèo đã thành "bà trùm nông sản" sau 15 năm tiếp quản và phát triển cơ ngơi nhà chồng
Ăn Tết kiểu Hàn - Việt, mẹ chồng còng lưng vẫn thích trông bánh chưng
Hành trình từ cô gái nghèo đến bà chủ lớn của Đào Thị Thái suốt 15 năm qua khiến nhiều người ngưỡng mộ. Thái tâm sự, nhiều người mới biết đến cô thấy có ruộng vườn bạt ngàn, được gia đình chồng yêu thương, trân trọng thì cho rằng cô may mắn mà không biết đến những nỗ lực, vất vả đã trải qua.
“Bận việc đồng áng nên vợ chồng mình gần như không có thời gian hẹn hò nhau ở những nơi sang trọng, đi du lịch hay đi ăn nhà hàng cùng nhau. Thời gian gặp gỡ phần lớn là ở ngoài vườn táo, ruộng lúa hoặc lâu lâu có dịp, hai vợ chồng về Việt Nam thăm bà ngoại, du lịch ở Việt Nam
Để có được thành quả như hiện tại, mình cũng phải rất chăm chỉ, làm việc nhiều giờ trong ngày, vun vén cho công việc chung cũng như quảng bá cho các sản phẩm của gia đình, chứ không có chuyện ngồi không hưởng thụ.
Nếu có gì “may mắn”, thì đó là chồng mình rất hiền lành, tôn trọng người khác và không uống rượu, bia, không tụ tập, chơi bời, chỉ tập trung làm việc thôi. Hai vợ chồng mình đều rất thích việc đồng áng, chăm sóc cây cối và luôn tìm cách mở rộng công việc trồng trọt, kinh doanh nên càng sống chung càng hòa hợp, càng hiểu nhau”, cô trải lòng.
Hai cậu con trai được nuôi dạy trong không khi đầm ấm của gia đình Việt - Hàn
Chọn một thái độ sống vui vẻ, tích cực, chăm chỉ, nên Thái được cả bố mẹ lẫn các anh em nhà chồng yêu thương. Bố chồng đã qua đời nhưng vợ chồng cô vẫn chọn sống chung với mẹ chồng để chăm sóc bà những năm tháng tuổi già.
Dịp Tết Giáp Thìn năm nay, vợ chồng Thái về Việt Nam du lịch, thăm bà ngoại vài tuần rồi quay về Hàn Quốc đón Tết nguyên đán cùng gia đình chồng. Đại gia đình cùng tập trung làm lễ và ăn uống vui vẻ.
Tết ở Hàn Quốc nhưng không thể thiếu bánh chưng Việt Nam
Thái hạnh phúc kể: “Mùng 1 Tết, con cháu sẽ lạy mừng thọ cha mẹ. Nhà mình thì bố chồng đã mất nên tất cả sẽ lạy mẹ chồng, sau đó mẹ sẽ phát tiền mừng tuổi cho từng người. Rồi đến lượt các bác, các chú, vợ chồng mình ngồi cho các con cháu quỳ lạy, và cũng lì xì cho tụi nhỏ.
Sau nghi thức làm lễ mừng thọ thì sẽ làm mâm cúng thắp hương tổ tiên. Nhà mình còn có tục đo chiều cao ngày mùng 1 Tết, đo cả con cháu và người lớn xem đã thay đổi thế nào trong năm qua. Giờ thì mình là người thấp bé nhất nhà rồi (cười lớn).
Cả nhà cũng cùng nhau ăn bữa cơm sáng mùng 1 Tết, không thể thiếu món canh há cảo, bánh gạo do mẹ chồng tự tay nấu. Gia đình mình là gia đình Việt - Hàn nên cũng có sự góp mặt của chiếc bánh chưng, bánh tét nữa.
Cả nhà ai cũng mê bánh chưng, bánh tét hết, từ người già đến trẻ em, nên năm nay mình gói 45 bánh chưng và bánh tét. Mẹ chồng dù lưng hơi còng rồi vẫn thích trông nồi bánh chưng cùng các con. Tết vui vẻ, đầm ấm lắm!”.
Cả 3 thế hệ đều ghiền bánh chưng, bánh tét