Sống ở nước ngoài vốn là chuyện không dễ dàng, khi luôn có những khác biệt trong văn hóa, phong tục, ẩm thực. Nhưng nếu biết cách thích nghi linh hoạt, người ta hoàn toàn có thể sống ổn, tận hưởng sự thoải mái trong khác biệt.
Thắng Miền Nam, anh chàng quê Tây Ninh đã làm việc ở Nhật 6 năm cùng những người bạn thân khẳng định chắc nịch: “Mình sống ở Nhật không bao giờ sợ đói”. Một trong những bí quyết của họ là… đi lang thang tìm đồ ăn hoang dã ngoài thiên nhiên.
Rủ hội ra suối bắt cá hoàng tộc, vớt tôm đồng
Thắng cho biết, người Nhật Bản không mấy khi ăn các loại thủy sản nước ngọt (tôm đồng, cá đồng) mà ưa chuộng hải sản hơn. Mặc dù vậy, thiên nhiên vẫn ưu ái trao tặng cho đất nước này hệ sinh thái đa dạng, nhiều sông suối và các loại thủy sản nước ngọt.
“Từ chỗ làm của mình về sẽ có cầu bắc qua con suối, nhìn xuống thấy cá ayu (một loại cá nhỏ hơi giống cá lòng tong - PV) bu đông đặc luôn. Mùa hè nào mình và nhóm bạn cũng đi bắt cá ayu và cá lóc, cá chép, một số loại cá khác nữa.
Thời điểm nước cạn, mấy con cá còn sót lại ở vũng mà không ai bắt sẽ có quạ với cò sà xuống ăn. Quạ nó mà biết nói chắc nó chửi tụi mình quá, vì ăn tranh của nó mà. (Cười)
Cá ayu là đặc sản của Nhật, nhưng lại dễ dàng đánh bắt ngoài thiên nhiên
Mình biết nhiều chỗ bắt thủy sản lắm, bọn tôm cua cá tới công chuyện với mình. Tụi mình bắt cá bằng vợt, hoặc lấy tay bốc thôi thôi chứ không câu như người Nhật. Vợt nhàn hơn nhiều, vì nước cạn, cá lại sẵn, tụi này nó bơi rờ rờ bắt cũng dễ lắm. Tụi mình cũng chỉ bắt đủ ăn, còn lại để chừa cho quạ nữa”, Thắng hào hứng lý giải.
Cá ayu vốn là loài cá có biệt danh tao nhã là “nữ hoàng của những dòng suối sạch”, khi nước bị ô nhiễm, cá sẽ chuyển đi chỗ khác hoặc chết, nên ăn cá ayu an toàn và có chất lượng dinh dưỡng cao.
Loài cá này được sinh ra vào mùa thu; sau đó, cá con sẽ trôi ra biển vào mùa đông, bơi lên thượng nguồn vào mùa xuân rồi xuất hiện ở các con sông Nhật Bản vào mùa hè. Vòng đời của cá ayu rất ngắn, nếu con người không câu hay bắt, chúng cũng tự chết.
Mùa hè, chỉ từ lúc tan làm đến khoảng 7h tối, nhóm bạn của Thắng có thể bắt được 3kg cá ayu ở con suối gần nhà. Họ chia nhau đem về kho tiêu, kho tộ, ăn với cơm trắng và thêm nồi canh chua nữa là đủ bữa thịnh soạn kiểu Nam Bộ.
Ngoài ra, nhóm người Việt sống tại Nhật Bản cũng có thể bắt những con cá to cỡ 2 - 3kg ở mương, suối cạn.
Cá lóc, cá trắm nước ngọt cũng được nhóm thanh niên Việt bắt dễ dàng
“Bắt cá lóc cũng dễ lắm. Tụi mình đùa nhau, cá Nhật không biết bơi. Chắc vì không nhiều người bắt nên cá không có lanh, thấy người là né. Cũng có thể là anh em mình là con nhà nông, đi nhỏ đã lội ruộng bắt cá về ăn nên “sát cá” chăng.
Tụi mình chỉ bắt vừa đủ để ăn và chỉ bắt những con lớn. Ở Nhật có quy định của từng địa phương cho việc đánh bắt, thường là khi hết mùa sinh sản.
Các bạn người Việt mà muốn đi bắt cá tôm như tụi mình, nhớ kiểm tra quy định của địa phương, làm sai là cảnh sát phạt đó nha”, Thắng dặn dò.
Mỗi người chỉ bắt 1 con cá mang về, dù mương đầy cá "khủng"
Ra cửa biển bắt cua lông, vào rừng hái măng
Không chỉ bắt cá nước ngọt làm thức ăn, Thắng và các bạn thỉnh thoảng cũng đi lang thang… mót rau. Ở các bờ ruộng Nhật hay có một số loại rau quen mặt với người Việt nhưng bị người bản địa nhầm với cỏ dại như rau cần, ngải cứu, diếp cá…
Đào măng cũng là một hoạt động “khai thác” được Thắng Miền Nam yêu thích. Măng bán ở siêu thị Nhật cũng mắc, nhưng có một số vườn tre của người dân cho phép vào đào, hái măng, chỉ cần xin phép trước.
Ngoài rau dại, măng cũng có thể là món ăn "miễn phí" với người Việt ở Nhật
Không chỉ người Việt, một số người Nhật cũng đào măng về ăn. Nhưng tất cả đều tuân thủ một nguyên tắc: Chỉ bẻ những mụt măng to, còn mụt măng nhỏ cỡ hai bàn tay úp sẽ không bẻ, phải chừa lại để người đến sau có thể lấy.
Mỗi một chuyến lấy măng, nhóm 4 - 5 người của Thắng sẽ lấy chừng một bao tải, về làm các món như măng tươi, măng muối, hoặc phơi khô để dành cho mùa đông.
Đến mùa được phép, họ sẽ ra biển Fukui (cách nhà Thắng khoảng 1,5 giờ đi ô tô - PV), đến cửa sông, ngay khúc đổ ra biển để vớt một số loại hải sản nước lợ như cua lông, ghẹ xanh, ốc…
Thắng cho biết, muốn bắt ghẹ thì phải mặc đồ chống nước, trang bị đèn chiếu chuyên dụng, mồi và lưới. Còn nhóm của anh chỉ bắt cua lông và ốc nên chỉ dùng vợt, và cũng tuân thủ tuyệt đối quy định đánh bắt của địa phương.
Các loại cua lông, ghẹ xanh cũng dễ đánh bắt bằng cách thủ công
***
6 năm sống tha hương, những khoảnh khắc hào phóng của thiên nhiên Nhật Bản đã giúp Thắng Miền Nam và những người bạn thêm gắn bó, yêu mến xứ sở hoa anh đào. Anh chàng tâm sự, nó khiến cả nhóm vơi bớt nỗi nhớ quê hương, có động lực để làm việc và “sinh tồn” qua những ngày khó khăn. Hóa ra Mẹ Thiên Nhiên không chia biên giới, không để con người bị đói, nếu biết cách sống hòa hợp, tôn trọng thiên nhiên.
Vì ở Nhật, người ta ăn Tết dương, không còn Tết âm lịch, nên nhóm người Việt Nam vẫn đi làm bình thường. Nhưng đến những ngày cận Tết, Thắng bảo vẫn thấy trong lòng nôn nao.
Mấy ngày cận Tết, vợ chồng Thắng dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, làm các món ăn Việt Nam truyền thống và mời anh em bạn bè đến chơi, cùng ăn Tết vào cuối tuần. Thế là đủ ấm áp, dù ở Nhật đang mùa tuyết rơi dày đặc.