Được ca ngợi hết lời, nhưng "tính năng đỉnh cao" trên xe điện Xiaomi SU7 lại là lý do của 70 vụ tai nạn trong vài ngày

Nguyễn Hải |

Dù công ty đã nhanh chóng thừa nhận lỗi lầm này và đền bù cho khách hàng, nhưng đây cũng là dấu hiệu cho thấy, công nghệ xe tự lái vẫn còn xa mới đạt tới kỳ vọng của người dùng.

Xiaomi, một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu tại Trung Quốc, đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi gia nhập thị trường ô tô. Hơn 70 chiếc xe điện Xiaomi SU7 tại Trung Quốc đã bị hư hỏng do lỗi chức năng đỗ xe tự động chỉ trong vòng một ngày, từ trưa ngày 14/11 đến rạng sáng ngày 15/11.

Theo thông tin từ Wall Street News, các vụ tai nạn xảy ra chủ yếu do hệ thống không nhận diện được các cột hoặc tường trong quá trình đỗ xe tự động, dẫn đến va chạm. Hậu quả là nhiều xe bị trầy xước, móp méo, thậm chí cản sau bị văng ra ngoài. Một số chủ xe cho biết cảm biến lùi không phát hiện chướng ngại vật, cũng không có cảnh báo va chạm, và quá trình đỗ xe vẫn tiếp tục sau khi đã xảy ra va chạm, khiến thiệt hại càng trầm trọng hơn.

Được ca ngợi hết lời, nhưng "tính năng đỉnh cao" trên xe điện Xiaomi SU7 lại là lý do của 70 vụ tai nạn trong vài ngày- Ảnh 1.

Được xem như tính năng đáng tự hào nhất trên xe điện Xiaomi SU7, nhưng tính năng tự đỗ xe này lại là thủ phạm gây ra hàng loạt vụ tai nạn mới đây

Tuy vậy, công ty đã nhanh chóng phản hồi về vụ việc khi thừa nhận lỗi thuộc về phần mềm hệ thống và sẵn sàng chi trả toàn bộ chi phí sửa chữa. Trong thời gian sửa chữa, công ty cũng cung cấp trợ cấp hàng ngày tương đương 150 nhân dân tệ (khoảng 29.000 đồng) dưới dạng điểm thưởng Xiaomi. Tuy nhiên, một số chủ xe vẫn tỏ ra không hài lòng, cho rằng các vụ tai nạn đã ảnh hưởng đến giá trị bán lại của xe và mong muốn được đền bù cao hơn.

Ngoài ra, sự cố lần này khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính năng "đỗ xe tự động đỉnh cao" mà Xiaomi từng tự hào, đồng thời cũng dội một gáo nước lạnh lên tuyên bố đầy tham vọng của ông Lei Jun - nhà sáng lập Xiaomi - rằng công ty sẽ vươn lên top đầu về công nghệ lái tự động thông minh vào cuối năm nay. Trên thực tế, Xiaomi và nhiều hãng xe khác như Avita, IM Motors từng gặp phải các vụ tai nạn liên quan đến tính năng đỗ xe tự động, cho thấy vấn đề không chỉ riêng Xiaomi mà là thách thức chung của cả ngành.

Theo một chuyên gia từ công ty công nghệ lái tự động, mặc dù cuộc đua trong thị trường hiện tại xoay quanh khả năng lái tự động trong thành phố (urban NOA) và công nghệ lái tự động hoàn toàn (end-to-end), nhưng các tính năng mà người dùng sử dụng thường xuyên và trải nghiệm trực quan nhất vẫn là các kịch bản như đỗ xe. Về độ chính xác, đỗ xe đòi hỏi nhận diện cự ly gần và phản ứng nhanh nhạy, khiến nó khó hơn cả việc lái xe.

Được ca ngợi hết lời, nhưng "tính năng đỉnh cao" trên xe điện Xiaomi SU7 lại là lý do của 70 vụ tai nạn trong vài ngày- Ảnh 2.

Sự cố của Xiaomi SU7 cũng là lời cảnh tỉnh cho chính Xiaomi và cả ngành công nghiệp ô tô rằng nguyên tắc của ngành này luôn đặt sự an toàn lên hàng đầu. Tác động của lỗi phần mềm trên ô tô và điện thoại thông minh là không thể đánh đồng. Xiaomi đã đầu tư 5,5 tỷ Nhân dân Tệ cho nghiên cứu và phát triển công nghệ lái tự động trong 3 năm qua, với kỳ vọng nâng số lượng video huấn luyện cho mô hình lái tự động lên 10 triệu clip vào cuối năm nay. Khoản đầu tư khổng lồ này vừa là sự mạo hiểm để phát triển các tính năng và năng lực mới, đồng thời cũng phải là sự đảm bảo cho an toàn.

Trong bối cảnh công nghệ lái tự động đang phát triển nhanh chóng và ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của con người, an toàn luôn là chủ đề được thảo luận liên tục. Không chỉ Xiaomi mà toàn ngành cần hiểu rõ rằng, trong kỷ nguyên xe thông minh, ranh giới công nghệ cũng chính là ranh giới an toàn cần phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn bao giờ hết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại