Doanh nghiệp xăng dầu Nhật Bản Idemitsu Q8 vừa đưa vận hành trạm xăng bán lẻ đầu tiên của họ tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên 1 doanh nghiêp 100% vốn nước ngoài được tham gia vào thị trường xăng nước ta.
Đây là liên doanh giữa Kuwait International Petroleum của Kuwait và Idemitsu Kosan của Nhật Bản. Khi cho ra mắt trạm bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam, họ cho biết, cây xăng được được trang bị hệ thống phần mềm cho phép quản lý chính xác được khối lượng nhiên liệu đến 0,01 lít.
Cửa hàng bán lẻ xăng dầu đầu tiên của Idemitsu tại Hà Nội - Ảnh: B.NGỌC
Nhiều người cho rằng, đây sẽ là làn gió mới góp phần thay đổi cả thị trường xăng Việt Nam, khiến nhiều đại gia trong ngành phải dè chừng, còn người tiêu dùng thì yên tâm vì giảm được nỗi lo lắng bị gian lận xăng dai dẳng bấy lâu.
Lâu nay tại Việt Nam, không ít cây xăng bán lẻ bị phát hiện gian dối, gắn chip để móc túi khách hàng, do đó, sự xuất hiện của khái niệm "chính xác đến 0,01%" đương nhiên rất ấn tượng.
Vậy tuyên bố có cụm từ "chính xác đến 0,01 lít" thực tế ý nghĩa là gì? Có phải nghĩa là "không gian lận xăng", hay mang ý nghĩa khác?
1. Thứ nhất, chúng ta cùng đọc lại tuyên bố gốc mà doanh nghiệp này đưa ra.
Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ và Zing, câu nói đầy đủ về trường hợp này là: "Idemitsu Q8 sẽ quản lý được khối lượng nhiên liệu với độ chính xác lên đến 0,01 lít". (Link chi tiết)
Như vậy, có một vế đầu rất quan trọng mà cư dân mạng có thể đã bỏ qua: "quản lý khối lượng nhiên liệu", chứ không phải là "quản lý việc bơm xăng".
2. Thứ hai, khái niệm "quản lý khối lượng nhiên liệu" hiểu là gì? Có phải là khái niệm nói về việc "bơm xăng" hay không?
- Câu trả lời tóm gọn là: việc "bơm xăng" là một trong nhiều khâu trong quá trình "quản lý khối lượng nhiên liệu", không phải là một.
Cụ thể, khái niệm doanh nghiệp Nhật đưa ra có nghĩa là: các cây xăng của họ được trang bị hệ thống phần mềm giúp cây xăng quản lý tốt xăng 1 cách tối ưu nhất, tránh những hao tổn không đáng có.
Sự hao hụt nhiên liệu có thể xảy ra trong quá trình vận chuyển, cất giữ và cả lúc bơm vào bình của các phương tiện.
Ảnh minh họa.
Ví dụ, do xăng có một tính chất là dễ bay hơn, chịu nhiều ảnh hưởng từ nhiệt độ, áp suất nên trong lúc bảo quản vẫn có thể bị bay hơi.
Cũng tùy thuộc vào từng loại xăng khác nhau, điều kiện bảo quản cũng như yêu cầu về mặt quy trình lại khác nhau, nếu không cẩn thận, đây sẽ là giai đoạn dễ gây hao hụt nhất.
Lượng xăng bám lại vòi phun trong quá trình bơm vào bình phương tiện cũng tính là lượng hao hụt (và ở đây thiệt hại thuộc về khách hàng - dù rất nhỏ). v.v.
Do vậy, tuyên bố quản lý chính xác tới 0,01 lít - nếu thực sự là như vậy - vẫn là một thành tích rất tốt, đáng để người tiêu dùng chú ý và trông đợi, đối với một doanh nghiệp bán lẻ xăng.
Ảnh: Infonet
3. Thứ ba, chúng ta cần hiểu gian lận xăng là gì?
Đó là hành vi CỐ TÌNH thay đổi độ chính xác của máy móc, phần mềm, để mưu lợi không hợp pháp. Như vậy, việc có gian lận xăng hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu là đạo đức người bán và các thủ thuật móc túi người tiêu dùng trái phép.
Gắn chip để làm sai lệch thông tin hiển thị cho khách hàng, hay việc đổ xăng nối tiếp khi chưa đưa con số về 0... đều là các ví dụ dễ hiểu nhát cho các thủ thuật gian lận nêu trên.
Tạm kết
Sự gia nhập của một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài với những chính sách, hệ thống phần mềm quản lý chặt chẽ có thể là luồng gió mới cần thiết cho thị trường xăng Việt Nam, nhưng chúng ta cũng cần phân biệt rõ các khái niệm trong thông điệp của họ.
Việc có hay không sự gian lận của một cây xăng đối với khách hàng, chúng ta không thể kết luận trừ khi có kết luận của cơ quan chức năng. Bài viết này cũng không bàn về vấn đề đó.
Còn thực tế hoạt động của các cây xăng Nhật tại Việt Nam sau này sẽ là câu trả lời chính xác nhất cho việc là họ có tạo dựng, gìn giữ được uy tín trong lòng người tiêu dùng Việt hay không.
Xem video:
Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu Idemitsu Q8 đội mưa đứng cúi chào khách hàng
Tham khảo nhiều nguồn