Dừng dự án Sigma, Việt Nam đóng gấp nhiều Gepard-3.9 thế hệ mới?

Bình nguyên |

Gần đây có tin Việt Nam đang đàm phán để đóng tiếp cặp tàu hộ vệ tên lửa tàng hình thứ 3 thuộc lớp Gepard-3.9. Việc Dự án Sigma bị tạm dừng càng khiến hợp đồng sẽ sớm được ký kết.

Dừng đóng tàu tàng hình Sigma, Việt Nam đóng gấp Gepard-3.9

Thật tiếc nuối khi dự án đóng tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Sigma theo chuyển giao công nghệ của Tập đoàn Damen (Hà Lan) vì nhiều lý do khác nhau, cả chủ quan và khách quan đã phải tạm dừng.

Được biết, Việt Nam đã lên kế hoạch đóng tới 4 tàu lớp Sigma trị giá hàng tỷ USD, công tác chuẩn bị về cơ bản đã hoàn tất.

Trong đó, cơ sở vật chất chính là các nhà máy đóng tàu hiện đại như Sông Thu đã được đầu tư lớn, đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật được đào tạo bài bản, đã qua thử sức với các tàu cảnh sát biển đa năng DN-2000 (cũng của Damen), đủ trình độ và kinh nghiệm để đóng những tàu chiến tiên tiến như Sigma.


Tàu 8002 thuộc thiết kế DN-2000 của Cảnh sát biển Việt Nam do Tổng công ty Sông Thu thi công.

Tàu 8002 thuộc thiết kế DN-2000 của Cảnh sát biển Việt Nam do Tổng công ty Sông Thu thi công.

Nhẽ ra, nếu mọi việc suôn sẻ thì tại thời điểm này (2016) đã có ít nhất 1 tàu chiến mặt nước thuộc loại hiện đại nhất thế giới được hạ thủy, chính ông Dương Quốc Việt - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Sông Thu chia sẻ thông tin này.

Giả dụ, mỗi năm hạ thủy 1 chiếc thì từ nay tới 2020, Hải quân Việt Nam đã được bổ sung đủ 4 tàu mặt nước cỡ lớn, nâng cao đáng kể sức mạnh chiến đấu trên biển.

Tổng giám đốc Sông Thu
Đại tá Hà Sơn Hải
“Nếu mình đóng và có được những con tàu chiến hiện đại như vậy, chắc chắn vị thế và cục diện trên biển của đất nước sẽ khác hơn nhiều”.

Gộp cùng các tàu hộ vệ tên lửa săn ngầm Gepard-3.9 do Nga đóng, Hải quân Việt Nam chắc chắn đã có đội hình tàu chiến mặt nước cỡ vừa, "chất" hơn rất nhiều, nếu không nói là trở thành một thế lực khá mạnh trên Biển Đông.


Mô hình tàu Sigma-8914 được Tập đoàn Damen trưng bày tại Triển lãm Vietship 2016 ở Hà Nội.

Mô hình tàu Sigma-8914 được Tập đoàn Damen trưng bày tại Triển lãm Vietship 2016 ở Hà Nội.

Tuy nhiên, việc tạm dừng đóng tàu Sigma và quá trình đóng 2 tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Gepard-3.9 đang đóng tại Nga bị kéo dài do "khủng hoảng" động cơ, khiến tiến độ hiện đại hóa của Hải quân Việt Nam cũng phải thay đổi.

Không có tàu Sigma, chắc chắn Hải quân Việt Nam sẽ phải tìm ứng viên thay thế. Khả thi nhất tại thời điểm bây giờ chính là các tàu Gepard-3.9 và các biến thể hiện đại hóa của lớp tàu này bởi nó có nhiều ưu điểm của một ứng viên toàn năng và sáng giá.

Những chỉ dấu khẳng định

Tại Triển lãm quốc phòng DSA-2016 lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, tổ chức 2 năm 1 lần ở Thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) diễn ra từ ngày 18-21/04/2016, Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboroexport đã gặp đoàn VN để thảo luận chương trình mua sắm vũ khí mới.

Dẫn đầu đoàn cán bộ quân sự Việt Nam tới tham dự Triển lãm là Phó đô đốc Phạm Ngọc Minh - Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Theo Tập đoàn Xuất khẩu vũ khí Nga (Rosoboroexport), hai bên đã thảo luận về triển vọng hợp tác chuyển giao vũ khí khí tài Nga trong tương lai, đặc biệt là trong lĩnh vực hải quân.

Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà tham dự Triển lãm lần này là Phó đô đốc Phạm Ngọc Minh, từng đảm nhiệm chức vụ Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân trước khi được bổ nhiệm làm Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đích thân ông Renat Iskanderovich Mistakhov - GĐ điều hành Nhà máy Đóng tàu Zelenodolsk và các quan chức cấp cao thuộc Rosoboroexport đã trọng thị đón tiếp, hướng dẫn đoàn Việt Nam tham quan khu trưng bày và sau đó là trao đổi về triển vọng hợp tác trong tương lai.


Ông Renat Iskanderovich Mistakhov - GĐĐH Nhà máy Đóng tàu Zelenodolsk giới thiệu với Phó đô đốc Phạm Ngọc Minh các sản phẩm trưng bày tại Triển lãm DSA-2016.

Ông Renat Iskanderovich Mistakhov - GĐĐH Nhà máy Đóng tàu Zelenodolsk giới thiệu với Phó đô đốc Phạm Ngọc Minh các sản phẩm trưng bày tại Triển lãm DSA-2016.

Sau đó ít ngày, một lần nữa Phó đô đốc Phạm Ngọc Minh lại dẫn đầu đoàn cán bộ quân sự Việt Nam đã gặp lại các lãnh đạo của Nhà máy Đóng tàu Zelenodolsk và các quan chức cấp cao thuộc Tập đoàn Rosoboroexport.

Điều đặc biệt là lần gặp lại này không phải diễn ra ở Malaysia mà ở cách đó hàng nghìn km, tại Nhà máy đóng tàu Nhà máy Đóng tàu Zelenodolsk (thuộc nước CH Tatarstan, Liên bang Nga).

Sự kiện đặc biệt diễn ra trong chuyến công tác này chính là Lễ hạ thủy tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Gepard-3.9 thứ 3 (số hiệu Nhà máy 956) của Việt Nam do Nhà máy Đóng tàu Zelenodolsk đóng cho Việt Nam.


Phó Đô đốc Phạm Ngọc Minh - Phó TTMT QĐND Việt Nam dự Lễ hạ thủy tàu Gepard-3.9 thứ 3 của Việt Nam.

Phó Đô đốc Phạm Ngọc Minh - Phó TTMT QĐND Việt Nam dự Lễ hạ thủy tàu Gepard-3.9 thứ 3 của Việt Nam.

Gần đây có tin Việt Nam - Nga đang đàm phán để đóng tiếp cặp tàu hộ vệ tên lửa tàng hình thứ 3 thuộc lớp Gepard-3.9, kết hợp với những thông tin trên càng khiến triển vọng của lớp tàu này tại Việt Nam trở nên tươi sáng hơn bao giờ hết.

Chưa kể, Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy đóng tàu Ba Son mới đang được triển khai với cường độ cao để đến năm 2018 có thể bắt đầu đi vào sản xuất và đóng những tàu chiến, tàu tên lửa hiện đại có lượng choán nước lên tới 2.000 tấn.

Xét về năng lực đóng mới tàu quân sự, Ba Son hoàn toàn có thể nhận chuyển giao công nghệ để đóng hàng loạt tàu hộ vệ tên lửa Gepard-3.9 hoặc những gam tàu chiến hiện đại khác mà Nga đã và đang đóng cho Hải quân của mình.

Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, những tàu chiến hiện đại choán nước tới 2.000 tấn sẽ sớm ra lò, nhanh chóng gia nhập biên chế Hải quân Việt Nam, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại