Đi từ nhỏ đến lớn
Tháng 9 tới đây, Nhà máy đóng tàu Ba Son (Tổng Công ty Ba Son) sẽ bàn giao 2 tàu tên lửa tấn công nhanh cuối cùng (trong loạt 6 tàu thuộc giai đoạn 1) cho Quân chủng Hải quân, góp phần bổ sung lực lượng tàu mặt nước gam tàu hiện đại, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trải qua nhiều khó khăn, vướng mắc, cả chủ quan lẫn khách quan, đến nay có thể khẳng định năng lực đóng quân sự của Ba Son đang ngày một mạnh lên, đạt tới một tầm cao mới và không thua kém các nhà máy đóng tàu hàng đầu ở Nga.
Để có được điều đó, Ba Son đã và đang hội tụ được rất nhiều thế mạnh, cụ thể gồm:
Thứ nhất, Ba Son đã xây đựng được đội ngũ kỹ sư, thợ kỹ thuật và công nhân lành nghề, giàu sức sáng tạo, đủ sức làm chủ công nghệ đóng tàu quân sự hiện đại. Điển hình nhất chính là Ba Son đóng thành công loạt 6 tàu tên lửa tấn công nhanh thuộc Đề án 1241.8 Molniya (Dự án tàu M).
Hai tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya số hiệu 377 và 378 vừa được Ba Son bàn giao cho Quân chủng Hải quân.
Mọi yêu cầu về tiến độ, chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật đều đáp ứng một cách hoàn hảo.
Hơn thế nữa, Ba Son còn ứng dụng nhiều công nghệ mới và giải pháp đầy tính sáng tạo cũng như dùng nhiều vật liệu sản xuất trong nước, góp phần giảm giá thành sản phẩm, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.
Thứ hai, cơ sở vật chất và công nghệ được đầu tư hiện đại. Được biết, Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Đóng tàu Ba Son mới với tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng đang được đẩy nhanh tiến độ nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực đóng tàu chiến hiện đại cho Hải quân Việt Nam.
Chỉ trong ít năm nữa thôi, khu đất rộng 95 ha ở Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ lột xác thành một nhà máy đóng tàu hiện đại.
Việc làm chủ hoàn toàn công nghệ đóng tàu chiến hiện đại cỡ nhỏ như tàu Molniya đã tạo tiền đề cho Ba Son vươn lên đóng những con tàu chiến lớn và hiện đại hơn.
Những bước đi vững trãi, chắc chắn từ nhỏ đến lớn, cho phép Ba Son tích lũy được những kinh nghiệm quý để chuẩn bị bước sang một kỷ nguyên mới.
Tàu hộ vệ tên lửa săn ngầm lớp Gepard-3.9 của Việt Nam được đóng tại Nga.
Chuẩn bị tự đóng tàu tên lửa 2.000 tấn
Mặc dù giai đoạn đầu của Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Đóng tàu Ba Son mới bị chậm tiến độ, nhưng hiện nay, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên, các vướng mắc đã dần được tháo gỡ, tốc độ triển khai xây dựng đang ngày một nhanh hơn.
Dự kiến đến cuối năm 2017, Dự án sẽ hoàn thành xong các nhà xưởng, đầu năm 2018 đưa vào sản xuất và đến giữa năm 2019 hoàn thành toàn bộ.
Theo kế hoạch, Dự án nhằm bảo đảm đủ năng lực đóng mới tàu chiến hiện đại có lượng giãn nước từ 500 đến 2.000 tấn; sửa chữa tàu quân sự đến 5.000 tấn; đóng mới tàu vận tải đến 70.000 DWT, sửa chữa tàu vận tải, phương tiện nổi đến 150.000 DWT...
Về mặt công nghệ, Nhà máy có trình độ kỹ thuật công nghệ tiên tiến tương đương với các nước trong khu vực và thế giới.
Như vậy, không còn lâu nữa, Nhà máy mới sẽ cho ra đời những gam tàu chiến hiện đại có lượng choán nước tới 2.000 tấn.
Ngoài 4 tàu Molniya hiện đại tiếp theo sẽ được đóng, hiện chưa rõ những loại tàu mới nào được lựa chọn cho lớp tàu hộ vệ tên lửa hiện đại tiếp theo của Việt Nam.
Liệu trong tương lai, các tàu Gepard-3.9 (trái) và Molniya (phải) sẽ cùng do Ba Son thi công?
Sau khi Dự án đóng tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Sigma theo thiết kế của Tập đoàn Damen (Hà Lan) bị tạm dừng vì một số nguyên nhân, nhiều khả năng Ba Son sẽ trở thành đơn vị chủ công trong việc đóng các tàu tên lửa có lượng choán nước tới 2.000 tấn.
Nhiều khả năng, Ba Son sẽ đóng các tàu có thiết kế gốc của Nga hoặc một số nước Đông Âu có nền công nghiệp đóng tàu quân sự hiện đại. Bởi lẽ, cơ sở vật chất, dây chuyền công nghệ và nguồn lực con người của Ba Son đang đi theo "chuẩn" Nga.
Gần đây có tin Việt Nam và Nga đang đàm phán để đóng tiếp cặp tàu hộ vệ tên lửa tàng hình thứ 3 thuộc lớp Gepard-3.9.
Rất có thể, các tàu này sẽ được đóng ở Việt Nam bởi chính Nhà máy đóng tàu Ba Son bởi tại đây đã hội tụ đầy đủ các điều kiện cần và đủ về công nghệ, về con người và nhất làn niềm tự hào mang tên "tàu chiến hiện đại Made in Vietnam".