Từ lâu, Nhật Bản được biết đến là quốc gia sử dụng tàu điện ngầm làm phương tiện di chuyển chính. Vậy nên, chẳng lấy làm lạ khi việc đi tàu điện ngầm được xem là nét văn hoá riêng của người dân ở xứ sở Phù Tang.
Ở nhiều nơi, việc nhường chỗ cho người lớn tuổi trên các phương tiện giao thông công cộng được xem là phép lịch sự tối thiểu để thể hiện sự tôn trọng và lễ phép với người già.
Trong khi đó, việc người trẻ "chiếm chỗ" của người già trên các chuyến tàu điện ngầm ở Nhật Bản được xem là điều bình thường và chẳng có gì đáng chê trách hay lên án cả. Nghe có vẻ kì quặc nhỉ? Nhưng người Nhật thì luôn có lí lẽ riêng của họ.
Bạn biết đấy, người Nhật luôn nổi tiếng với sự tự trọng và tự giác cao.
Thế nên, việc nhường ghế cho người già sẽ bị coi là hành động thiếu tôn trọng hoặc cũng có thể gây ra cảm giác tổn thương cho họ khi nghĩ về vấn đề tuổi tác.
Hơn nữa, người Nhật đặc biệt không thích làm phiền đến cộng đồng và những người xung quanh nên nếu có ai đó chủ động nhường ghế cho họ trên tàu điện ngầm, họ sẽ càng cảm thấy bất tiện hơn.
Trong một số trường hợp, nếu những người lớn tuổi cảm thấy không thoải mái với việc đứng trên tàu điện ngầm, họ sẽ chủ động tìm chỗ ngồi (nếu còn chỗ trống).
Nhưng tuyệt nhiên không có ai mở lời để người khác phải nhường ghế cho mình cả. Thậm chí, họ còn có một qui tắc "ngầm" rằng không phải khi nào bạn có lòng tốt muốn nhường ghế thì người khác phải đón nhận điều đó.
Thế nên, bạn đừng ngạc nhiên nếu thấy nhiều người trẻ không chủ động nhường ghế trên tàu điện ngầm. Mặt khác, họ sẽ chủ động đứng ngay từ khi mới lên tàu và để dành nhiều ghế trống cho phụ nữ, trẻ em và người già.
Đây được xem là phép lịch sự "vô hình" để không làm ảnh hưởng đến sự tự trọng của những người lớn tuổi.
Trong trường hợp bạn muốn nhường chỗ cho một vị khách cao tuổi nào đó, hãy chủ động đi về phía cửa ra vào như đang chuẩn bị xuống ga. Lúc này, nếu ai cần ngồi ghế, họ sẽ tự chủ động ngồi vào chỗ còn trống đó.