Binh sĩ Đức được triển khai tới Karmelava, CH Litva để tham gia sứ mệnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht ngày 7/2 cho biết Berlin đã quyết định điều động thêm 350 binh sỹ đến Cộng hòa Litva ở khu vực Baltic. Số binh sĩ bổ sung này “có thể được triển khai trong vòng vài ngày tới”.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Lambrecht cho biết Đức đang tăng cường lực lượng ở sườn phía Đông của NATO và gửi tín hiệu rõ ràng về quyết tâm của Berlin trong việc sát cánh cùng các đồng minh. Theo bà, thông điệp mà Đức muốn gửi đến các đồng minh của mình là: “Các bạn có thể tin tưởng vào chúng tôi”.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho hay trong số 350 binh sĩ mới bổ sung, 250 binh sĩ sẽ đến từ các đơn vị chiến đấu của quân đội và 100 người còn lại được điều động từ các đơn vị khác.
Nói về quyết định điều động trên, Bộ trưởng Quốc vụ Đức Tobias Lindner cho rằng không thể coi động thái này của Berlin là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Nga. Trên thực tế, quân đội Đức trước đây từng bố trí 800 tới 1.000 binh sĩ đồn trú tại các nước Baltic.
Ông cho rằng nguyên tắc luân chuyển quân của NATO cần được tuân thủ; không một đơn vị nào được đóng quân lâu dài ở Litva hay bất kỳ quốc gia Baltic nào khác.
Hiện tại, quân đội Đức đang dẫn đầu một đơn vị đa quốc gia của NATO đóng tại Litva từ năm 2004, giáp biên giới Belarus và vùng Kaliningrad của Nga, trong đó quân đội Đức chiếm khoảng một nửa trong số 1.200 binh sĩ tại đây. Ngoài ra, Đức cũng thường xuyên tham gia giám sát không phận NATO ở các nước Baltic và Romania.
Cùng ngày, Bộ trưởng quốc phòng Anh Ben Wallace thông báo London sẽ triển khai thêm 350 binh sĩ tới Ba Lan.
Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ba Lan, Bộ trưởng Quốc phòng Anh xác nhận: “Chúng tôi sẽ bổ sung cho lực lượng hiện tại… bằng cách triển khai thêm 350 binh sĩ Anh tới Ba Lan để thể hiện rằng chúng tôi có thể làm việc cùng nhau và đưa ra tín hiệu mạnh mẽ rằng Anh và Ba Lan luôn đoàn kết”.
Năm ngoái, Anh đã triển khai 100 binh sĩ tới Ba Lan để giúp quốc gia Đông Âu đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư trên tuyến biên giới chung với Belarus.