Đức công bố chi tiết những vũ khí viện trợ cho Ukraine

Minh Hạnh |

Đức lần đầu tiên công khai số lượng và chủng loại vũ khí, đạn dược cùng các khoản viện trợ quân sự khác mà nước này đã hoặc đang chuẩn bị chuyển cho Ukraine.

Danh sách viện trợ được công bố hôm 21/6 trên trang web chính thức của Chính phủ Đức, bao gồm cả những vũ khí “từ các kho dự trữ của quân đội Đức”, cũng như vũ khí mua trực tiếp từ các nhà sản xuất Đức và được Berlin chi trả.

Văn bản cũng ghi rõ rằng trong năm 2022, tổng cộng 2 tỷ euro sẽ được trích từ ngân sách Đức để chi trả cho những chuyến hàng viện trợ này và tài trợ cho Tổ chức Hòa bình châu Âu (EPF).

EPF là “công cụ ngoài ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) nhằm nâng cao khả năng của liên minh trong việc ngăn ngừa xung đột, xây dựng hòa bình và củng cố an ninh quốc tế”. EPF có thể được sử dụng để hoàn trả cho các nước thành viên EU khoản hỗ trợ mà họ cung cấp cho Ukraine.

Trong số các vũ khí sát thương mà Berlin cung cấp cho Kiev cho đến nay, có 3.000 bệ phóng tên lửa chống tăng cơ động Panzerfaust 3, 500 tên lửa Stinger do Mỹ thiết kế, 2.700 tên lửa phòng không Strela (do Liên Xô thiết kế).

Ngoài ra, còn có 100 súng máy MG3, 14.900 quả mìn chống tăng, 50 tên lửa phá boongke, 16 triệu băng đạn cho vũ khí hạng nhẹ, 100.000 lựu đạn…

Về viện trợ quân sự phi sát thương, Đức đã cung cấp cho Ukraine 23.000 mũ bảo hiểm chiến đấu, 178 xe và 30 xe bọc thép, bộ dụng cụ sơ cứu và các vật tư y tế khác, cũng như phụ tùng cho máy bay chiến đấu MiG-29 do Liên Xô thiết kế.

Trong số những vũ khí mà Đức chuẩn bị cung cấp cho Ukraine có một số vũ khí hạng nặng như: 7 xe pháo bọc thép tự hành, 54 xe bọc thép chở quân M113 (do Mỹ thiết kế, có nguồn gốc từ Đan Mạch), 30 khẩu pháo phòng không tự hành Gepard có kèm đạn dược, 1 hệ thống phòng không IRIS-T SLM (do Đức sản xuất), 3 pháo phản lực phóng loạt M270 MLRS (do Mỹ sản xuất), cùng tên lửa, 10.000 quả đạn pháo, cũng như radar và súng bắn hạ máy bay không người lái.

Tuy nhiên Berlin không tiết lộ chi tiết về thời gian bàn giao những vũ khí này vì lý do an ninh.

Đức cùng với một số quốc gia thành viên EU khác và Mỹ, Anh, Canada, Úc đã cung cấp vũ khí cho Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát vào cuối tháng 2.

Không giống như Mỹ và Anh, Đức đến nay vẫn miễn cưỡng trong việc giao vũ khí hạng nặng cho Kiev. Mặc dù Berlin đã bật đèn xanh cho việc này vào cuối tháng 4, nhưng các vũ khí vẫn chưa đến được Ukraine.

Chính phủ Ukraine ngày càng thể hiện sự mất kiên nhẫn và thất vọng với Đức . Tổng thống Volodymyr Zelensky và Đại sứ Ukraine tại Đức Andrey Melnik đã nhiều lần quở trách Thủ tướng Đức Olaf Scholz và chính phủ của ông vì không bàn giao số vũ khí đã hứa.

Nga đã nhiều lần lên án việc các đồng minh phương Tây vận chuyển vũ khí cho Ukraine, đồng thời khẳng định việc này sẽ không giúp thay đổi tiến trình của cuộc xung đột mà chỉ khiến xung đột kéo dài. Các quan chức ở Moscow cũng cảnh báo rằng số vũ khí này cuối cùng có thể rơi vào tay những kẻ khủng bố và các băng nhóm tội phạm ở những nơi khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại