Tên lửa Nga chỉ mất 6 giây đến Mỹ?
Tàu Đô đốc Gorshkov đã có hành trình tới vùng biển Havana hôm 25/6 trong chuyến thăm hai ngày đến Cuba. Hành trình của tàu chiến Nga diễn ra giữa lúc căng thẳng Nga và Mỹ tiếp tục gia tăng.
Trong một động thái mà nhiều người đang so sánh với cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 – giới quan sát cho rằng, Tổng thống Vladimir Putin dường như đang muốn phô diễn sức mạnh quân sự của Nga ngay sát bờ biển nước Mỹ.
Sau sự hiện diện ở sát lãnh hải Anh hồi tháng 3, tàu chiến hiện đại Đô đốc Gorshkov của Nga tiếp tục là một trong những vũ khí khiến phương Tây lo ngại.
Sau nhiều năm trì hoãn, tàu Đô đốc Gorshkov - được đặt theo tên của cựu chỉ huy Liên Xô nổi tiếng - đã được Hải quân Nga hoàn thành vào tháng 7 năm ngoái.
Các chuyên gia cho rằng con tàu này là một bản nâng cấp đáng kể so với các tàu tiền nhiệm từ thời Liên Xô, vốn đã được coi là mối đe dọa đối với Mỹ.
Nặng 4.500 tấn, Đô đốc Gorshkov là tàu chiến mặt nước lớn nhất được chế tạo kể từ sau kỷ nguyên Liên Xô. Nó được tối ưu cho các nhiệm vụ tác chiến chống mục tiêu trên không, trên mặt nước và chống ngầm - với vũ khí chính là tên lửa hành trình siêu thanh.
Với tầm bắn ước tính lên đến 659km, Đô đốc Gorshkov có thể dễ dàng nhắm vào bờ biển phía Nam của Florida trong khi đang hiện diện ở Cuba. Theo tuyên bố từ nhà sản xuất, tên lửa của tàu có thể phóng ra với vận tốc lên đến 3 Mach – hay 3.700km/h.
Với khoảng cách xấp xỉ 376km từ Havana, các ước tính cho thấy sẽ mất khoảng 6,1 giây để tên lửa siêu thanh của Nga đến được bờ biển Mỹ từ bến cảng.
Tên lửa chuyên dụng của Nga có thể bắn trúng các mục tiêu đang di chuyển ở vận tốc 960m/s. Trong khi đó, tên lửa Tomahawk của Mỹ sản xuất chỉ có tốc độ bằng 1/3.
Hồi tháng 2, Hải quân Nga cũng đã trang bị cho tàu Đô đốc Gorshkov một loại vũ khí đặc biệt có thể gây ra ảo giác và choáng váng. 5P-42 Filin có khả năng bắn ra một chùm tia có thể làm suy giảm thị giác kẻ thù - hoạt động như một cơ chế phòng thủ.
Nó cũng có thể triệt tiêu tia laser hồng ngoại, tên lửa chống tăng tầm ngắn và các thiết bị nhìn đêm. Với tốc độ tối đa 54km/h, Đô đốc Gorshkov có thể tiếp cận Mỹ chỉ trong vòng dưới bảy giờ đồng hồ.
Ngoài ra, tàu chiến được còn trang bị một pháo hạm 130mm trên đuôi tàu, áp đảo hoàn toàn pháo 57mm của hải quân Mỹ.
Máy bay Mỹ cũng nằm trong nguy cơ rủi ro khi tên lửa đất đối không của Đô đốc Gorshkov có thể bắn trúng máy bay chiến đấu từ khoảng cách 289km, với đầu đạn có trọng lượng 300kg.
Mất 14 năm chế tạo, Đô đốc Gorshkov có thể là mối đe dọa đáng kể đối với Florida - tương tự như mối đe dọa mà Tổng thống John F Kennedy lo ngại trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
Vì sao tàu chiến Nga đến Cuba?
Với căng thẳng gia tăng giữa Moscow và Washington, Tổng thống Vladimir Pu tin có thể muốn làm mới lại mối quan hệ của Nga với Cuba – một trong những quốc gia mà Mỹ coi là đối thủ lâu đời.
Mặc dù các tàu Nga vẫn thường xuyên có các chuyến thăm đến Havana trong thập kỷ qua, nhưng Đô đốc Gorshkov là con tàu mạnh mẽ nhất từng hiện diện ở vùng biển Cuba ngày nay.
Điều này đã khiến nhiều người cho rằng, Moscow đang muốn thể hiện sức mạnh thực sự đối với chính quyền Trump trong bối cảnh sự thù địch đang gia tăng giữa hai quốc gia.
Với những lời khẩu chiến giữa Washington và Moscow, động thái gửi tàu chiến mang đến một thông điệp mạnh mẽ rằng Nga đang chuẩn bị đẩy mạnh sự hiện diện toàn cầu.
Năm 2008, lần đầu tiên một nhóm tàu Nga tiến vào vùng biển Cuba kể từ khi Liên Xô tan rã. Vào năm 2015, có thêm 5 chuyến thăm khác - nhưng đến năm 2018, chỉ có một tàu tình báo của Nga trở lại.
Cũng có những lo ngại từ Mỹ về sự trở lại của các cơ sở quân sự thời Liên Xô hiện đang được đặt tại Cuba, vốn đã ngừng hoạt động từ lâu.
Mặc dù các nguồn chính thức cho biết, không có cuộc thảo luận nào về việc tái kích hoạt căn cứ này, nhưng nhiều người lo ngại rằng mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Cuba và Nga cuối cùng sẽ dẫn đến mở rộng hợp tác quân sự.
Nga vẫn là một trong những quốc gia có quan hệ gắn bó với Cuba và chuyến thăm của tàu chiến đang cho thấy mối quan hệ này ngày càng sâu sắc.
Đáng chú ý hơn, thông tin tàu chiến Nga đến Cuba được đưa ra cùng lúc với thông tin máy bay quân sự của Nga hạ cánh ở Venezuela trong một động thái tương tự như hồi tháng 3.
Hiện tại, giới quan sát vẫn đang đặt câu hỏi về việc, liệu tàu Đô đốc Gorshkov có đến thăm Venezuela hay không.