Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khách Tây nườm nượp đi bộ, vui chơi tại các khu phố cổ Hà Nội, đặc biệt là ở các khu di tích lịch sử, khu ẩm thực, quán bar, cà phê và dịch vụ dành cho khách nước ngoài.
Thế nhưng, từ khi COVID-19 ập đến, các đơn vị kinh doanh khách sạn, lữ hành, nhà hàng, đơn vị kinh doanh dịch vụ vận chuyển, đồ lưu niệm… gần như tê liệt. Nhiều doanh nghiệp kiệt quệ, phá sản, bởi lẽ, du lịch Hà Nội lâu nay chủ yếu đón khách nước ngoài đến tìm hiểu văn hóa, lịch sử.
Anh Minh Anh, chủ của 3 khách sạn tại khu phố cổ cho biết, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp này đã thiệt hại hàng tỷ đồng. Thời điểm trước đại dịch COVID-19, công suất đặt phòng của chuỗi khách sạn luôn đạt mức 70 - 80%.Vào giai đoạn cao điểm du lịch, công suất có thể đạt hơn 90%.
Thế nhưng, khi dịch bệnh bùng phát, công suất đặt phòng của chuỗi khách sạn này giảm từng ngày. Anh đã phải đóng cửa 2 cơ sở, vài chục nhân viên đã phải nghỉ việc. Một khách sạn còn lại tiếp tục chịu lỗ chờ ngày đón được khách Tây.
"Hơn 10 năm trong nghề, tôi chưa từng nghĩ đến ngày phố cổ lại vắng bóng khách Tây như vậy. Hiện tại, một khách sạn của tôi giảm giá tất cả các dịch vụ đến 50%, nhưng mỗi ngày không có nổi 10 khách đến.
Khách nước ngoài chiếm đến 90% lượng khách đặt phòng, nếu thị trường này không sớm phục hồi, tôi phải tính chuyển nghề, vì dù không có nguồn thu, doanh nghiệp vẫn phải trả khoản chi phí rất lớn (tiền thuê nhà, lương nhân viên, tiền bảo trì, bảo dưỡng khách sạn, tiền điện, nước, tiền bảo hiểm...", anh Minh Anh nói.
COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch ở phố cổ phá sản. Hàng loạt khách sạn, lữ hành phải gỡ biển, xóa luôn tên thương hiệu, chuyển đổi sang kinh doanh dịch vụ khác. Hàng ngàn lao động ngành du lịch, dịch vụ tại phố cổ Hà Nội đang tạm chuyển sang nghề khác, chờ ngày bão COVID-19 tan.
Du lịch miền Trung hứng đại nạn kép
Đại diện Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết: Năm 2020, dịch bệnh và thiên tai hoành hành đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch, lượng khách tham quan các điểm du lịch ở Quảng Bình giảm mạnh, dẫn đến nguồn tài chính của đơn vị không còn đủ để trang trải chi trả tiền lương và các hoạt động khác của đơn vị.
Trước khó khăn đó, gần như tất cả các loại hình dịch vụ về du lịch tại tỉnh Quảng Bình đều phải cắt giảm nhân lực. Các đơn vị không có doanh thu để chi trả tiền nhân công lao động. Nhiều lao động buộc phải tìm công việc khác kiếm thêm thu nhập cho bản thân và nuôi sống gia đình.
Hiện tại, Trung tâm Du lịch tỉnh Quảng Bình đã dừng các hoạt động đầu tư hạ tầng không cần thiết và xin "khất nợ" khoản tiền dịch vụ môi trường rừng, xin gia hạn thời gian nộp các khoản thuế năm 2020 để dùng tiền đó chi trả lương cho viên chức và lao động đến hết quý I/2021…
Ngoài ra, thiên tai lũ lụt tại các tỉnh như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, TT-Huế… vừa qua ảnh hưởng đến du lịch của tỉnh nhà. Nhiều cơ sở lưu trú bị tàn phá, xuống cấp do ngập lụt. Có nơi vẫn chưa thể khôi phục để đón du khách.