Du khách vào bệnh viện Mỹ chỉ uống sữa, nghỉ ngơi 3 tiếng nhưng viện phí hơn 18.000 USD

Quang Anh |

Một du khách nhí người Hàn Quốc đã nhập viện tại Mỹ trong 3 tiếng chỉ để nằm nghỉ và uống sữa nhưng 2 năm sau, gia đình cậu bé choáng váng khi nhận hóa đơn viện phí lên tới 18.000 USD.

Năm 2016, trong buổi sáng đầu tiên của chuyến du lịch San Francisco (Mỹ) với cha mẹ, cậu bé 8 tháng tuổi người Hàn Quốc Park Jeong-whan ngã xuống giường trong phòng nghỉ khách sạn và đập đầu vào sàn.

Du khách vào bệnh viện Mỹ chỉ uống sữa, nghỉ ngơi 3 tiếng nhưng viện phí hơn 18.000 USD - Ảnh 1.

Cậu bé Park Jeong-whan và mẹ. Ảnh: SCMP

Tuy không chảy máu nhưng cậu bé Park Jeong-whan vẫn quấy khóc. Do vậy cha mẹ cậu bé đã gọi điện thoại tới đường dây nóng cấp cứu khẩn cấp tại Mỹ 911.

Xe cứu thương nhanh chóng đến khách sạn đưa gia đình cậu bé Park Jeong-whan đến Bệnh viện Đa khoa Zuckerberg San Francisco.

Các bác sĩ đã khám và cho biết cậu bé Park Jeong-whan ở trong tình trạng sức khỏe ổn định, chỉ thâm tím nhẹ ở mũi và trán.

Cậu bé Park Jeong-whan ngủ thiếp đi trong vòng tay mẹ, uống chai sữa bột và được xuất viện vài tiếng sau đó. Gia đình cậu bé Park Jeong-whan lại tiếp tục chương trình du lịch của họ và sự việc nhanh chóng bị lãng quên.

Nhưng 2 năm sau đó, một hóa đơn viện phí được gửi tới nhà cậu bé Park Jeong-whan. Theo tờ hóa đơn này, gia đình cậu bé Park Jeong-whan nợ bệnh viện Đa khoa Zuckerberg San Francisco 18.839 USD cho 3 tiếng 22 phút lưu lại tại cơ sở y tế này.

Trong hóa đơn “khủng” này có 15.666 USD phí dành cho “xử lý chấn thương”.

Mẹ của cậu bé Park Jeong-whan, cô Jang Yeo-im đã rất sốc trước hóa đơn viện phí này và cho biết bảo hiểm du lịch của gia đình cô chỉ trang trải cho khoản 5.000 USD.

Viện phí của các cơ sở y tế ở Mỹ thường có nội dung thanh toán cho các dịch vụ không tồn tại ở những quốc gia khác như: phí lấy máu, phí kiểm tra nồng độ oxy trong máu, phí nẹp chân tay hoặc phí tính theo phút khi nằm trong các phòng hồi sức.

Trong đó, phí chấn thương thường được tính khi một đội ngũ chuyên gia y tế chữa trị cho bệnh nhân có khả năng bị thương nặng trong phòng cấp cứu.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết phí chấn thương tại các bệnh viện ở Mỹ khá đa dạng và khác biệt, ở một bệnh viện ở Missouri mức phí này là 1.112 USD trong khi tại cơ sở y tế ở California nó có thể lên tới 50.659 USD.

Mức phí chấn thương chỉ được tính khi bệnh nhân được đội ngũ y tế điều trị cấp cứu trong hơn 30 phút. Tuy nhiên quy định này không áp dụng với bệnh nhân nằm ngoài diện được bảo hiểm sức khỏe liên bang Mỹ.

Các trung tâm y tế Mỹ cho rằng mức phí này là cần thiết để trang trải cho đào tạo và duy trì đội ngũ bác sĩ phản ứng nhanh, từ người đảm nhận phẫu thuật cho tới gây mê.

Đây cũng là lý do bệnh viện Đa khoa Zuckerberg San Francisco đưa ra để biện hộ cho hóa đơn đối với gia đình cậu bé Park Jeong-whan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại