Nhiều bậc cha mẹ tự hỏi, trẻ con liệu có cần học về tiền bạc từ sớm. Liệu trẻ có hiểu được tầm quan trọng của những bài học đó?
Thật ra, bạn nên dạy trẻ hiểu được giá trị đồng tiền và cách chi tiêu, dù trẻ 3 tuổi hay 13 tuổi. Là cha mẹ, bạn chính là người dạy con về vấn đề này.
Theo khảo sát Invest in You Saving Survey, 1/3 số người được hỏi cho biết cha mẹ chính là hình mẫu tài chính của họ.
Chỉ khi có kiến thức căn bản về tiền bạc, trẻ sau này lớn lên mới biết chi tiêu hợp lý và tránh được các rắc rối về tài chính. Dưới đây là những điều bạn nên dạy cho con.
Phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn
Một trong những thứ quan trọng nhất bạn có thể dạy con là sự khác biệt giữa nhu cầu và mong muốn.
Bất kỳ đứa trẻ 7 tuổi nào cũng thấy được sự khác nhau giữa việc mua một lon nước ngọt giá 3 USD và uống nước lọc miễn phí. "Uống nước lọc là nhu cầu," Thomas Henske - nhà hoạch định tài chính của Lenox Advisors - cho biết: "Uống nước ngọt hay nước chanh là mong muốn".
Patti Valeri - chuyên gia chiến lược về tài sản tại PNC Wealth Management - gợi ý, nên cho trẻ tham gia bàn luận về chi phí gia đình, ví dụ như xe hoặc kỳ nghỉ sắp tới.
"Dạy con những điều này từ sớm là rất quan trọng, dù có thể chúng hơi quá sức với trẻ," bà nói. Hãy để trẻ nghe cha mẹ nói chuyện về chi tiêu trong gia đình.
Hiểu được kiến thức căn bản về tiền bạc
Nicholas Hartford (32 tuổi) không muốn con trai trở thành một tấm gương xấu về tiền bạc như cha anh - người tuy gặp khó khăn về tiền bạc nhưng vẫn tiêu xài phung phí.
Là một kỹ sư thực địa tại bang Tennessee, Hartford muốn con trai mình - Skyler (10 tuổi) - hiểu được những kiến thức căn bản về tiền bạc, từ những từ chuyên ngành ngân hàng đơn giản, cho đến chi phí và giá trị.
Theo anh, việc tiêu tiền là con dao 2 lưỡi, có thể có lợi hoặc có hại.
Vợ chồng Hartford sẽ đề cập đến chi phí và giá trị bằng những từ ngữ mà Skyler có thể hiểu được. Nếu một món đồ chơi có giá 20-30 USD nhưng lại dễ bị hỏng trong vài ngày, liệu có có đáng để mua không?
Bên cạnh đó, khoảng 1 năm nay, tháng nào gia đình anh cũng tổ chức họp ngân sách gia đình. Kể từ đó, Hartford đã chứng kiến được sự thay đổi trong thói quen chi tiêu của con.
"Thằng bé đã biết đòi những thứ có nhiều giá trị hữu ích hơn," anh nói.
Với những trò chơi điện tử có giá lên tới 60 USD, Skyler sẽ tìm cách tiết kiệm tiền để mua. Cậu bé giờ đây đã quan tâm hơn đến giá cả và giá trị.
Skyler kiếm tiền bằng cách làm việc nhà. Cậu bé cũng được giao nhiệm vụ quản lý ngân sách dọn cỏ hàng tháng trị giá 100 USD.
Khi Skylar muốn một thứ gì đó, cha mẹ sẽ yêu cầu cậu xem trong nhà có gì để làm không - đổ rác hoặc rửa bát - để kiếm tiền.
"Thường thì thằng bé sẽ đàm phán. Thằng bé hiểu rằng mình cần làm việc có ích để đạt được thứ gì đó."
Hartford khuyên các ông bố bà mẹ nên kiên nhẫn.
"Ban đầu con sẽ không biết gì về tiền bạc cả," anh cho biết. "Chúng ta cần sử dụng những thuật ngữ cơ bản để giải thích và đơn giản hóa mọi thứ."
Cho con tiền tiêu vặt
Để con học được cách sử dụng đồng tiền, việc cho con tiền tiêu vặt hàng tuần là rất quan trọng. Henske cho biết, chúng ta không cần phải bắt con làm việc nhà và được điểm cao để có tiền tiêu vặt.
Tiền tiêu vặt hàng tháng là cách dạy trẻ về giá trị của đồng tiền, làm sao để chi tiêu, làm sao để tiết kiệm. Henske nói: "Nếu bạn cứ cho con tiền mỗi khi chúng muốn, làm sao chúng học được về tiền bạc?"
Henske khuyên cha mẹ nên cho con tiền tiêu vặt từ năm 10 tuổi. Trẻ sẽ nhận được 10 USD/tháng. Nếu các bậc phụ huynh thấy số tiền này là quá nhiều, Henske yêu cầu họ xem lại số tiền họ thường chi cho con mình mỗi tuần."
"Có ông bố bà mẹ nào không chi tiêu 10 USD/tuần cho con cái?" ông hỏi.
Henske cho phép trẻ được tùy chọn phân bổ nguồn tiền vào 3 mục: chi tiêu, tiết kiệm và quỹ từ thiện.
Cha mẹ có thể thể quy định một số tiền hoặc số phần trăm cho mỗi mục, tùy xem cái nào quan trọng hơn. Nếu muốn khuyến khích trẻ tiết kiệm, bạn có thể quy định một số tiền cụ thể.
"Cái này là tùy mỗi gia đình," ông nói. "Có những gia đình coi trọng hoạt động tình nguyện hơn là quyên góp tiền từ thiện."