Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, đã rất bức xúc trước thông tin ông bị mạo danh trong danh sách được cho là những người thực hiện bản “dự án nhận chìm ở biển vật liệu nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1”.
Dự án này được lập bởi Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 và đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam.
Gọi điện xin lỗi, giải thích “thư ký nhầm lẫn”
Ngày 20-7, trao đổi với chúng tôi về việc này, TS Nguyễn Tác An cho biết ngay trong ngày có người gọi điện thoại đến xin lỗi ông về sự vụ này.
“Người đó tự xưng là giám đốc công ty làm tư vấn cho dự án này. Ông ấy xin lỗi tôi, giải thích là do thư ký nhầm lẫn đã đưa tên tôi vào. Tôi không đồng ý với cách giải thích đó.
Ông ấy nói sẽ bay đến Nha Trang xin gặp tôi để trực tiếp xin lỗi, giải thích nhưng tôi từ chối, không chấp nhận kiểu làm việc đó” - TS An thông tin.
TS An cho rằng điều quan trọng lúc này là các đơn vị liên quan phải trả lời báo chí, giải thích trước dư luận về việc làm của mình vì hệ lụy của việc này rất nghiêm trọng.
TS An cũng cho rằng “việc họ tự tiện đưa tên tôi vào danh sách đó chắc chắn là có mục đích, còn mục đích hay ẩn ý gì thì chưa rõ”.
“Tôi đang theo dõi để tìm hiểu gốc gác vấn đề. Sau đó tôi sẽ đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ vì sao họ mạo danh tôi như vậy.
Mình phải kiên quyết đấu tranh vì trong khoa học cái sai này có thể dẫn đến nhiều cái sai nghiêm trọng khác.
Nếu sự thật đúng là họ mạo danh tôi, tôi sẽ kiến nghị Bộ TN&MT hủy kết quả thẩm định dự án này và dừng ngay việc cho phép nhận chìm bùn, cát thải” - TS An cho hay.
Trong cả hai danh sách các nhà khoa học tham gia thực hiện dự án (một được lập vào tháng 2-2017 và một được lập vào tháng 4-2017) đều có tên ThS Nguyễn Ngọc Bảo Trâm nhưng ThS Trâm cho hay không tham gia việc thực hiện dự án này. Ảnh: PV
Vì sao có danh sách không có tên TS An?
Sau khi chúng tôi phản ánh về việc mạo danh TS Nguyễn Tác An trong danh sách trên, ngày 20-7, một lãnh đạo Bộ TN&MT cho hay sẽ kiểm tra việc này.
Tuy nhiên, vị này cũng cho hay: “Theo chỗ tôi biết thì đúng là GS Nguyễn Tác An không nằm trong hội đồng tư vấn. Nếu có việc mạo danh thì đó là trách nhiệm của cơ quan tư vấn”.
Cũng trong ngày 20-7, trên mạng xã hội xuất hiện một danh sách không có tên TS Nguyễn Tác An. Vậy thực hư của chuyện này thế nào?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, danh sách có tên TS Nguyễn Tác An nằm trong bộ hồ sơ dự án được chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập vào tháng 2-2017 để trình 22 thành viên hội đồng thẩm định.
Hội đồng này do Bộ TN&MT thành lập để xem xét hồ sơ dự án xin giấy phép nhận chìm bùn, cát sau nạo vét xuống biển Tuy Phong.
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ tham gia trong hội đồng thẩm định này cho biết tại cuộc họp hội đồng thẩm định ngày 20-2, trong số các hồ sơ, tài liệu được phát ra cho các thành viên hội đồng có danh sách 14 nhà khoa học tham gia thực hiện dự án này.
Trong đó có tên TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, ở vị trí đầu danh sách (như chúng tôi đã phản ánh).
“Lúc đầu chúng tôi cũng lo lắng khi thấy vắng vị trí phản biện khoa học của PGS-TS Nguyễn Chu Hồi nhưng sau khi xem danh sách tham gia thực hiện dự án có mặt của TS Nguyễn Tác An nên cũng yên tâm.
Tuy nhiên, thật bất ngờ khi biết thầy An không hề tham gia dự án này nhưng lại có tên trong danh sách” - vị cán bộ này cho biết.
Còn danh sách không có tên TS Nguyễn Tác An, theo thông tin chúng tôi nắm được là xuất hiện sau đó. Cụ thể là trong hồ sơ dự án kèm theo các thủ tục liên quan được lập vào tháng 4-2017 để trình Bộ TN&MT ký giấy xin phép nhận chìm (giấy phép này sau đó do Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc ký vào ngày 23-6).
Trong danh sách này, tên của TS Nguyễn Tác An đã được bỏ ra và thay vào đó là tên của ông Hà Quốc Quân. Còn tên của những thành viên khác gần như không thay đổi gì.
Ông Hà Quốc Quân chính là tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam, đơn vị tư vấn dự án này.
Trong danh sách này, đơn vị công tác của ông Quân được ghi là Viện Chiến lược, chính sách công nghiệp - Bộ Công Thương.
Tiếp tục có người phản ứng vì bị mạo danh
Thế nhưng đáng chú ý hơn là trong danh sách các nhà khoa học tham gia thực hiện dự án được trình ở bộ hồ sơ dự án được lập vào tháng 4-2017 lại có thêm nhà khoa học cho hay họ không hay biết gì về việc tên mình nằm trong danh sách.
Cụ thể, trao đổi với chúng tôi ngày 20-7, ThS Nguyễn Ngọc Bảo Trâm (Trung tâm Quy hoạch và quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam) khẳng định bà không hề tham gia thực hiện dự án nhận chìm của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.
“Tôi mới biết việc này qua báo chí. Từ trước đến nay không hề có đơn vị, cá nhân nào liên lạc với tôi hay đặt vấn đề tham gia thực hiện dự án này.
Thế nhưng không hiểu vì sao tôi lại có tên trong danh sách những người tham gia thực hiện dự án đó như vậy. Tôi đang tìm hiểu sự việc để có hướng giải quyết!” - ThS Trâm nói.
Tên của vị thạc sĩ môi trường này đứng thứ tám trong danh sách những người thực hiện dự án.
Để làm rõ thông tin nghi vấn về việc có hay không việc các nhà khoa học trên bị mạo danh, chiều 20-7, chúng tôi đã tiếp tục liên lạc qua điện thoại với ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1. Tuy nhiên, ông Thành đã bấm máy báo bận và không trả lời.
Bộ TN&MT cho kiểm tra lại kết quả tư vấn
Ngày 20-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Bộ TN&MT cho hay phía Bộ đang cho kiểm tra lại kết quả tư vấn. "Chẳng hạn với việc (cho là - PV) đã khảo sát, đánh giá khu vực nhận chìm thì Bộ phải kiểm tra xem đã có việc này chưa. Chất lượng của những báo cáo, khảo sát này là điều Bộ đặc biệt quan tâm" - vị này nói.
Vị này cũng cho hay hiện nay Bộ TN&MT đang kiểm chứng lại toàn bộ kết quả các bên báo cáo chứ không phải Bộ tin tưởng tuyệt đối vào những báo cáo này. "Chẳng hạn khi các bên báo cáo về môi trường nền thì Bộ sẽ khảo sát lại đáy biển xem có đúng như các bên báo cáo hay không. Xem có đúng là đáy biển chỉ toàn cát hay không" - vị lãnh đạo Bộ TN&MT nói và khẳng định: "Bộ sẽ làm thật thận trọng, chính xác chứ không mù quáng".
Vị này cũng thông tin tuần sau, khi có kết quả khảo sát từ Viện Hải dương học (Nha Trang) thì Bộ sẽ tổ chức trao đổi, đối thoại về vấn đề này. "Kết quả phải đạt độ tin cậy, được kiểm chứng là điều Bộ quan tâm nhất" - vị lãnh đạo Bộ TN&MT nói.
Viện Hải dương học đang khảo sát đáy biển
Chiều cùng ngày, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho hay: "Việc khảo sát thực địa khu vực nhận chìm gần Khu bảo tồn Hòn Cau được chúng tôi tiến hành từ ngày 19-7".
PGS-TS Tuấn cho biết việc khảo sát này được thực hiện theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. "Nếu thời tiết tốt thì ngày 21-7 sẽ hoàn thành việc khảo sát thực địa. Tuy vậy, hôm nay (tức 20-7 - PV) biển đã động rồi. Không nói trước được gì cả!" - PGS Tuấn cho hay.
Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, theo ông Tuấn thì ngày 24-7 sẽ có kết quả sơ bộ thông qua các video quay dưới đáy biển. Còn lại các mẫu trầm tích và sinh vật tầng đáy sẽ có kết quả vào cuối tuần tới. Như vậy, khoảng 10 ngày nữa sẽ có kết quả khảo sát cuối cùng của Viện Hải dương học về vấn đề này.
Được biết kinh phí để thực hiện khảo sát này cho đến nay hoàn toàn do Viện Hải dương học tự xoay xở.