Một lần, tôi bị hai ông anh - hai người thầy khả kính lôi vào phòng, chửi cho một trận.
Sao em ngu dốt thế, nghề y của chúng ta có hai nhiệm vụ chính. Một là, cứu chữa người bệnh. Hai là gì?
Tôi láu táu:
- Phòng bệnh ạ !
Hai thầy đồng thanh:
Vẫn ngu thế ! Hai là, cứu chữa chính nhân viên y tế. Chưa hiểu à? Có nghĩa là chúng ta không phải Chúa, không phải Thần Phật, nên chúng ta không bao giờ cho phép mình được tự coi là đấng thiêng liêng và không bao giờ cho mình cái quyền luôn luôn đúng, nhớ chưa? Tất nhiên là Dạ to rồi.
Sai sót trong ngành y là một thực tế. Nghe đâu ở nước Mỹ hiện đại, tỷ lệ sai sót của nhân viên y tế cao lắm, là nguyên nhân đứng thứ ba gây tử vong, sau bệnh lý tim mạch và ung thư.
Nói vậy để nhân viên y tế thuộc nằm lòng, cẩn thận lắm, cẩn thận mấy cũng không thừa. Và phải học, học nữa, mãi mãi để tránh sai sót trong chữa bệnh, phòng bệnh. Và để tự nhân viên y tế có thể tha thứ cho chính mình khi có sơ suất trong điều trị. Những sơ suất sẽ xảy ra nơi chúng ta ít ngờ nhất, lúc chúng ta tin tưởng là an toàn nhất.
Mỗi một lần có sai sót y khoa, cả xã hội lên án, người nhà bệnh nhân sỉ vả chửi rủa, bạn bè xa lánh, người thân hoảng loạn, tự mình dằn vặt không tha thứ, cấp trên chỉ có kỷ luật và kỷ luật. Niềm tin ở đâu, hy vọng và niềm vui ở đâu, nhân viên y tế chui đi đâu để lẩn tránh chính lương tâm của mình?
Chỉ có sự san sẻ của đồng nghiệp, đồng cảm của người thân, sự thương yêu rạch ròi của cấp trên, sự rộng lượng tha thứ của dư luận xã hội cùng cố gắng học hỏi của bản thân mới giúp cho nhân viên lỡ lầm được an toàn và có thể khắc phục, hồi phục sau tai nạn nghề nghiệp.
Trở lại chuyện cấp cứu mà tôi bị mắng nói trên. Bệnh nhân này được tiêm Streptomycine để chữa bệnh. Ngày thứ nhất không xảy ra chuyện gì, ngày thứ hai cũng vậy, ngày thứ ba thì có chuyện. Bệnh nhân phản ứng quá mẫn với Streptomycin, phản ứng chậm. Dù y tá tiêm thuốc vẫn thử như mọi ngày, thấy vết thử đỏ ửng nhẹ, tin rằng an toàn.
Tiêm hai hôm rồi, ngày thứ ba có thể không thử phản ứng trước khi tiêm thuốc cũng chấp nhận được, không sai về nguyên tắc.
Nhưng đâu biết, cơ thể phản ứng với các tác nhân chữa bệnh theo cách của nó, tai biến điều trị là điều không ai muốn và chắc chắn không bao giờ hết.
Vấn đề là xử lý thế nào.
Bệnh nhân là một sĩ quan cao cấp và chúng tôi đã dùng mọi biện pháp để cứu chữa. Nhưng rất buồn là hậu quả xấu, cho dù ba thầy trò tôi cùng đứng mở khí quản, đặt ống cho bệnh nhân thở máy. Với một bệnh cảnh cấp cứu, toàn thân phù nề, vùng cổ nề to, đường thở co thắt, mở qua da thấy các tổ chức lẫn lộn một khối, nên cuộc mổ khó.
Sau cả tiếng, chúng tôi mới hoàn thành được cuộc mở khí quản, việc mà bình thường, chúng tôi làm dưới năm phút.
Tôi bị mắng là ngu dốt, vì chỉ nghĩ đến mở khí quản mà không nghĩ đến các thuốc khác, các biện pháp khác.
Và cái tội còn dương dương tự đắc: Việc con con này, em làm hàng ngày, cần gì đến hai thầy đầu ngành làm gì.
Cái ngu dốt của tôi là không hiểu biết đến nơi đến chốn. Để cứu sống bệnh nhân, để bảo vệ danh dự cho bệnh viện và cứu sinh mạng nghề nghiệp của cô nhân viên tiêm thuốc thì các thầy phải là người đứng mũi chịu sào.
Việc làm đầy trách nhiệm của những người thầy đã cho tôi bài học lớn về tái độ xử trí với người bệnh, với đồng nghiệp, củng cố lòng tin của nhân viên cấp dưới, của học viên và người bệnh rất nhiều.
Nghề y khó lắm. Học sáu năm ra trường, làm hai ba năm phụ việc, học sau đại học ba năm nữa mới được làm bác sĩ chính, còn học đến cấp năm, cấp sáu nữa mới thành chuyên viên. Ấy thế mà chỉ sơ sót một chút là tàn một đời y tế.
Như đã từng xử lý một trường hợp tiêm thuốc tê Lidocain để nhổ răng, phản ứng thuốc gây giãn mạch, khó thở, ngứa, lơ mơ. Bệnh viện tuyến dưới tiêm Adrenalin cấp cứu là chính xác. Nhưng sau 10 phút, bệnh nhân lại có dấu hiệu bệnh lý, được tiêm, truyền liên tục đến vài chục ống adrenalin để cấp cứu. Sau đó, bệnh nhân được vận chuyển đến tuyến trên.
Lúc ấy tôi nghĩ: Các phản ứng khó thở, môi và đầu chi tím, mạch nhanh 160 lần, tụt huyết áp, chỉ số Glasgow trên Mười điểm, ý thức tỉnh… là suy tim cấp, co mạch cấp do tác dụng của Adrenalin chứ không còn là của Lidocain nữa rồi.
Nếu dùng quá nhiều Adrenalin sẽ gây hậu quả suy tim cấp, thiếu máu ồ ạt các phủ tạng, gây suy đa phủ tạng; gây thiếu máu cơ vân, nhiễm độc do cơ vân hoại tử sinh chất độc gây suy thận, suy gan nặng nề thêm…
Lúc này, việc cần thiết là cấp cứu, sửa chữa bệnh lý ngộ độc Adrenaline chứ không phải là khắc phục phản ứng phụ của Lidocain. Adrenalin là thuốc có tác dụng đối kháng với tác dụng của thuốc Lidocain chứ không phải là thuốc giải độc của Lidocain.
Việc cần làm là chống giãn mạch do tác dụng phụ của Lidocain, khắc phục triệu chứng bệnh, truyền dịch nâng đỡ cơ thể, tăng thải thuốc qua đường niệu… và sẵn sàng đường truyền các thuốc vận mạch khác như Dopamin… Đảm bảo đường thở, để nếu cần thiết cho bệnh nhân thở máy, cho lợi tiểu tốt và chuyển về tuyến sau.
Bệnh nhân được cứu sống.
Tôi luôn tự dặn mình phải rút kinh nghiệm chuyên môn thật nghiêm khắc mới có thể an toàn hơn cho người bệnh và an toàn về sức khỏe và lương tâm của nhân viên y tế.
Các bác sĩ trẻ cũng hay hỏi anh ơi vụ thận nhân tạo ở Hòa Bình, ngộ độc Florit chữa thế nào? Thú thật, ngày xưa tôi chưa gặp ngộ độc Florit cấp ồ ạt như thế bao giờ. Còn nhiễm Fluor trong nước dùng hang ngày, trong thuốc đánh răng thì chưa gây chết người bao giờ. Vụ này, tôi nghĩ ngoài Florit, chưa loại trừ có hóa chất công nghiệp khác nữa.
Bệnh cảnh xảy ra phải kết luận là nhiễm độc hóa chất công nghiệp diện rộng, số lượng và khối lượng lớn. Một thảm họa y tế mà Y văn từ trước đến nay chưa bao giờ ghi nhận. Nặng nề và buồn bã quá.
Nhưng trước khi có kết luận của cơ quan điều tra, xin đừng vội vã kết tội nhân viên y tế.
Như hôm trước, đã vội vã yêu cầu xử lý cô y tá tiêm thuốc cấp cứu dưới nền nhà khi bệnh nhân co giật và đe dọa tử vong. Cô ta làm đúng đấy; Bao năm dạy học trò cấp cứu đe dọa ngừng tim phổi, việc đầu tiên mà tôi dặn các em phải làm, đó là tìm ngay một nơi có nền cứng, đặt bệnh nhân lên để tiến hành hồi sinh tổng hợp.
Nếu không có ván cứng, giường cứng, bàn mổ cứng, các em nhớ đặt bệnh nhân nằm trên một nền nhà sạch sẽ nhất có thể có.Và lúc đó, tính mạng người bệnh trên hết, các em phải tiến hành cấp cứu ngay lập tức.
Còn khi đó lại đi rửa tay vô khuẩn, đeo găng, tháo nhẫn, chùi son môi, cúi chào bệnh nhân… thì bệnh nhân khéo chết mất rồi.
Ngành y là khoa học về con người. Mà con người thì chưa bao giờ có ngành khoa học nào dám nói đã hiểu tường tận đầy đủ hết cả. Nên nhà y, trước tiên đừng nghĩ mình là thần phật, và xã hội cũng xin đừng coi bác sĩ là người luôn luôn có thể chống lại tử thần.
Và đôi khi, chúng tôi có quyền được đúng sai ở thời điểm quyết định. Vì như đã nói, chúng tôi không phải thánh thần. Dù nếu sai, người buồn đầu tiên, và buồn nhất bao giờ cũng là chúng tôi, nhân viên y tế.