Dự án đường sắt tốc độ cao 70 tỷ USD ở Việt Nam nhận chỉ đạo 'nóng' gì từ Bộ Chính trị?

Thái Hà |

Bộ Chính trị mới đây đã ra kết luận về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, trong đó có nội dung về Dự án đường sắt tốc độ cao 70 tỷ USD.

Nghiên cứu cẩn trọng tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua khu trung tâm Hà Nội

Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 nêu rõ:

"Riêng việc đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đi xuyên tâm qua khu trung tâm thành phố Hà Nội, qua ga Hà Nội theo đề xuất của Ban cán sự đảng Chính phủ, đề nghị tiếp tục nghiên cứu cẩn trọng, đánh giá tính khả thi, hiệu quả cũng như sự phù hợp, đồng bộ với Quy hoạch mạng lưới đường sắt".

Yếu tố đồng bộ với Quy hoạch mạng lưới đường sắt mà Bộ Chính trị nhắc tới chính là mạng lưới 14 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội trong tương lai. Nếu tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đi xuyên tâm qua khu trung tâm thành phố Hà Nội thì phải đảm bảo được sự giao kết, đan cài, kết nối hợp lý với các tuyến đường sắt nội đô.

Dự án đường sắt tốc độ cao 70 tỷ USD ở Việt Nam nhận chỉ đạo 'nóng' gì từ Bộ Chính trị?- Ảnh 1.

Dự án đường sắt 70 tỷ USD là dự án đường sắt đắt giá nhất Việt Nam từ trước đến nay. Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT

Trước đó, tại phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia hồi tháng 4, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà - trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đối với các ga tại TP Hà Nội và TP.HCM cần bố trí ở trung tâm, kết hợp đi ngầm, trên cao… bảo đảm thuận tiện cho hành khách.

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ dừng ở ga Ngọc Hồi?

Trước khi Bộ Chính trị có chỉ đạo nghiên cứu cẩn trọng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đi xuyên tâm qua khu trung tâm thành phố Hà Nội, qua ga Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất với UBND TP Hà Nội về hướng tuyến và ga đầu mối trong báo cáo mà Sở Giao thông vận tải trình UBND TP hồi cuối tháng 3.

Dự án đường sắt tốc độ cao 70 tỷ USD ở Việt Nam nhận chỉ đạo 'nóng' gì từ Bộ Chính trị?- Ảnh 2.

Ga Ngọc Hồi trong tương lai. Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua địa phận Hà Nội có điểm đầu tại tổ hợp ga Ngọc Hồi; qua vành đai và đường sắt vành đai phía Tây; qua các huyện Thường Tín, Phú Xuyên về phía tây tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Sau khi vượt qua tuyến nối cao tốc Tây Bắc với quốc lộ 5B, đường sắt tốc độ cao rẽ trái, vượt cao tốc Pháp Vân, đi về phía Đông, cùng hành lang tuyến cao tốc và sang địa phận tỉnh Hà Nam.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ mở rộng tổ hợp nhà ga Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) để vừa tích hợp nhà ga, vừa là khu depot, trạm bảo dưỡng... của cả các tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị. Tuyến đường sắt tốc độ cao chỉ dừng ở ga Ngọc Hồi, không đi vào ga Hà Nội.

Dự án đường sắt tốc độ cao 70 tỷ USD ở Việt Nam nhận chỉ đạo 'nóng' gì từ Bộ Chính trị?- Ảnh 3.

Sự hiện đại của nhà ga đường sắt tốc độ cao. Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT

Hệ thống đường sắt đô thị nội đô sẽ kết nối các đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, bố trí thêm các tuyến dọc các hành lang có mật độ dân cư đông, tập trung việc làm cũng như các dịch vụ thương mại, với các đầu mối giao thông như cảng hàng không, ga đường sắt lớn.

Việc đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua ga Ngọc Hồi (Thanh Trì) thay vì tiến vào ga Hà Nội được nhiều chuyên gia đánh giá là hợp lý bởi không gian đô thị khu vực trung tâm TP Hà Nội nay đã quá ngột ngạt nhưng lại có nhà ga và hệ thống đường sắt nên luôn trong tình trạng “căng thẳng” giao thông. Hơn nữa, nếu đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua ga Hà Nội thì chi phí xây dựng và giải phóng mặt bằng sẽ đội lên cao.

Ga Ngọc Hồi tương lai thành tổ hợp đường sắt lớn nhất cả nước

Tổ hợp ga Ngọc Hồi có diện tích 1,7 km2 với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 19.000 tỷ, tương lai sẽ là nơi dừng chân của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Hơn thế nữa, khu tổ hợp ga Ngọc Hồi còn là nơi dừng chân của các tuyến đường sắt quốc gia thông thường (đường sắt Bắc - Nam hiện có và đường sắt Vành đai phía Đông, phía Tây trong tương lai) và các tuyến đường sắt đô thị (Yên Viên - Ngọc Hồi; Nội Bài - Ngọc Hồi…).

Kế hoạch xây dựng ga Ngọc Hồi đã được đề ra nhằm thay thế chức năng của ga Hà Nội cùng ga Giáp Bát hiện tại cũng như đáp ứng nhu cầu cho các tuyến đường sắt tương lai. Tổ hợp ga Ngọc Hồi dự kiến sẽ chiếm diện tích khoảng 1,5 km2 trong tổng số 1,7 km2 được quy hoạch, phần diện tích còn lại dành cho việc xây dựng các tuyến đường bộ và đường sắt kết nối.

Dự án đường sắt tốc độ cao 70 tỷ USD ở Việt Nam nhận chỉ đạo 'nóng' gì từ Bộ Chính trị?- Ảnh 4.

Ga Ngọc Hồi là tổ hợp của nhiều hệ thống đường sắt.Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT

Trong số diện tích được quy hoạch để phát triển khu tổ hợp, khoảng 0,95 km2 sẽ được dùng để xây dựng các khu chức năng như: khu quản lý tàu đô thị, quản lý đầu máy, quản lý toa xe hàng, một phần của ga hàng, và khu vực bảo dưỡng cơ sở hạ tầng đường sắt đô thị.

Ga Ngọc Hồi nằm trong phạm vi hành chính của các xã Vĩnh Quỳnh, Ngọc Hồi, Liên Ninh thuộc huyện Thanh Trì và xã Duyên Thái thuộc huyện Thường Tín. Bên cạnh đó, khu vực phía Đông giáp với cụm công nghiệp Ngọc Hồi; phía Tây tiếp giáp khu vực phát triển đô thị; phía Bắc giáp đường vành đai 3,5 theo quy hoạch; và phía Nam giáp đường Tả Thanh Oai - Đại Áng - Liên Ninh.

Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng khu tổ hợp ga Ngọc Hồi đã đạt khoảng 1,3 km2/1,7 km2, với tổng kinh phí giải ngân lên tới gần 1.100 tỷ đồng.

Bộ Giao thông Vận tải thông báo đã xin ý kiến về ba kịch bản đường sắt Bắc Nam có chiều dài 1.545km, đi qua 20 tỉnh, thành phố, trong đó có hai kịch bản tàu tốc độ 350 km/h chở khách riêng và dự phòng chở hàng.

Kịch bản 1 là đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.

Kịch bản 2 xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200-250 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120 km/h. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD.

Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350 km/h, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỷ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.

Tuy nhiên, qua cuộc họp ngày 26/3, đến nay Bộ GTVT đang tập trung đề xuất Kịch bản 3.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại