Các hoạt động tìm kiếm của Hải quân Xô Viết ngay lập tức được triển khai. Máy bay trinh sát đã hơn 280 lần xuất kích; vùng biển nơi được cho là tàu ngầm bị nạn đã được rà soát với một nhóm 30 tàu, bao gồm cứu hộ, nghiên cứu hải dương học và một tàu phá băng.
Họ lấy mẫu nước, với hy vọng tìm ra dấu vết của phóng xạ, tìm kiếm những vết dầu loang trên bề mặt đại dương. Cuộc tìm kiếm được triển khai trong 73 ngày, nhưng khu vực có thể xảy ra thảm họa quá rộng lớn và Liên Xô không có bất kỳ phương tiện nào có năng lực tốt hơn để có thể làm sáng tỏ số phận của tàu ngầm mất tích.
Toàn bộ vụ việc được bảo mật nghiêm ngặt, không có thông cáo nào được đưa ra trên các phương tiện truyền thông. Mùa thu năm 1968, thân nhân của các thủy thủ được thông báo rằng người thân của họ đã hy sinh “khi đang làm nhiệm vụ”.
Liên Xô đã che giấu sự thật về sự biến mất của tàu ngầm với toàn thế giới, lặng lẽ xóa chiếc K-129 khỏi Hải quân. Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực của phía Liên Xô để giữ kín thảm kịch ở Thái Bình Dương, người Mỹ đã biết về vụ việc.
Sau khi phân tích các dữ liệu có được, các chuyên gia Mỹ ghi nhận một “âm thanh của một vụ nổ đơn” ở một vị trí có điều kiện với diện tích 30 dặm vuông rất gần với kinh tuyến thứ 180, 1.230 km từ Kamchatka và 1.100 km về phía Bắc của đảo san hô Midway. Theo những dữ liệu này, K-129 đã bị nạn ngày 7/3, một ngày trước phiên liên lạc tiếp theo.
Chiến dịch Azorian
Tháng 7/1968, Hải quân Mỹ bắt đầu chiến dịch bí mật đầu tiên mang mật danh “Sand Dollar”. Từ căn cứ nổi tiếng Trân Châu Cảng, chiếc tàu ngầm độc đáo USS Halibut được thiết kế cho các hoạt động đặc biệt với các thiết bị sóng siêu âm, máy ảnh lặn và một phương tiện dưới nước với video và máy ảnh tĩnh, đã khởi hành đến khu vực do SOSUS xác định.
Tháng 8/1968, những gì còn lại của K-129 đã được phát hiện ở độ sâu hơn 5 km. Tọa độ chính xác của vị trí của K-129 vẫn là một bí mật nhà nước của Mỹ. Thân tàu bị biến dạng nghiêm trọng, phần đuôi nằm cách mũi tàu 100 m. USS Halibut đã chụp hơn 20.000 bức ảnh về con tàu xấu số, gửi đến trụ sở CIA ở Langley để phân tích.
Xác chiếc K-129 đưới đáy Thái Bình Dương; Nguồn: fishki.net
Việc Chính phủ Liên Xô không công bố K-129 bị đắm dẫn đến thực tế là nó trở thành “tài sản vô chủ”, do đó, bất kỳ quốc gia nào phát hiện ra chiếc tàu ngầm mất tích sẽ được coi là chủ sở hữu của nó.
Đầu năm 1969, CIA đã bắt đầu thảo luận về khả năng bí mật trục vớt các thiết bị có giá trị từ tàu ngầm của Liên Xô từ đáy Thái Bình Dương. Trong Chiến tranh Lạnh, cả hai bên đã không tiếc công sức và nguồn lực của mình để tìm ra những bí mật quân sự của “kẻ thù tiềm tàng”.
Người Mỹ quan tâm thiết kế và vũ khí trên tàu (ICBM R-21 và đầu đạn ngư lôi), hệ thống liên lạc vô tuyến, mật mã, tài liệu, hệ thống chỉ định mục tiêu và định vị. Ban đầu, người Mỹ dự định mở thân tàu K-129 với sự hỗ trợ của các phương tiện dưới nước được điều khiển từ xa và lấy các thứ cần thiết từ tàu ngầm mà không cần trục vớt.
Năm 1970, tại một cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Melvin Laird, Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger, và các chuyên gia Hải quân và CIA, người ta quyết định trục vớt K-129. CIA và Hải quân đã nhờ Quốc hội hỗ trợ tài chính, Quốc hội giao cho Tổng thống Nixon, và dự án AZORIAN đã trở thành hiện thực.
Tuy vậy, người Mỹ không thể trục vớt con tàu ngay lập tức, vì họ không có phương tiện kỹ thuật cần thiết. Một chiến dịch đặc biệt, tuyệt mật với mật danh “Dự án Azorian” đã được thông qua, tính đến độ sâu mà K-129 bị chìm, khả năng thành công của chiến dịch ước tính khoảng 10%.
Nhiều nguồn gọi chiến dịch này là “Jennifer”, trong khi từ mã này được sử dụng để chỉ căn phòng, nơi dự án được phát triển. Chiến dịch đã chuẩn bị trong 6 năm, thực hiện trực tiếp bắt đầu vào năm 1974, công việc dưới nước sâu được ngụy trang bởi thăm dò địa chất ngoài khơi cách bờ biển Hawaii 1.560 hải lý (2.890 km) bằng tàu chuyên dụng “Hughes Glomar Explorer”.
Tàu chuyên dụng Hughes Glomar Explorer; Nguồn: wikipedia.org
Để tạo ra một lý do hợp lý cho việc lưu lại lâu tại một điểm trên Thái Bình Dương và đánh lạc hướng Liên Xô, CIA đã tìm đến tỷ phú lập dị và là nhà thám hiểm Howard Hughes - người nổi tiếng không chỉ vì hành vi kỳ quặc trong cuộc sống, mà còn trong các chủ trương kỹ thuật đôi khi mang tính cách mạng.
Tại các cơ sở của Hughes, những tia laser đầu tiên, sau đó là những vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Mỹ, hệ thống dẫn đường tên lửa, radar 3D …, đã được tạo ra.
Từ năm 1965-1975, riêng Hughes Aircraft đã có hợp đồng với Bộ Quốc phòng Mỹ trị giá 6 tỷ USD. Hughes đồng ý trở thành bình phong cho dự án Azorian. Quyền lực và danh tiếng của Hughes lớn đến mức sau khi giới thiệu dự án, nhiều công ty cạnh tranh đã quan tâm nghiêm túc đến việc thăm dò tương tự.
Do K-129 nằm ở độ sâu rất lớn, nên tàu “Hughes Glomar Explorer” được thiết kế và chế tạo đặc biệt cho hoạt động này, được trang bị các thiết bị độc đáo cho các hoạt động ở vùng biển cực sâu, có tổng lượng choán nước 50.000 tấn.
Cuộc hành trình của Hughes Glomar Explorer tới khu vực xác tàu K-129 mất gần một năm. Người Mỹ phải lắp ráp gần 300 phân đoạn ống sắt, tổng cộng dài 5 km, cần thiết để treo tàu ngầm bị chìm. Liên Xô tất nhiên không thể không chú ý đến những sự kiện kỳ lạ diễn ra ở khu vực hoang dã của Thái Bình Dương.
Theo báo cáo của phía Mỹ, trong quá trình trục vớt, thân thuyền bị sập, chỉ phần khoang mũi được vớt lên; phần còn lại một lần nữa bị vực thẳm nuốt chửng. Mặc dù thông tin chính thức vẫn được giữ kín, các nhà nghiên cứu tin rằng tên lửa đạn đạo, sách mã và các thiết bị khác vẫn ở dưới cùng, vì vậy người ta tin rằng các mục tiêu của hoạt động đã không hoàn toàn đạt được.
Tuy nhiên, hài cốt của 6 thành viên thủy thủ đoàn, hai quả ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân và một số đối tượng khác mà tình báo Mỹ quan tâm đã được tìm thấy trong phần được vớt lên.
Người Mỹ đã chôn cất các thủy thủ tàu ngầm Nga theo thông lệ - phủ cờ của Hải quân Liên Xô lên quan tài và cử Quốc ca Liên Xô. Ngoài ra, Quốc ca Mỹ vang lên, cũng như những lời cầu nguyện - Tin lành và Chính thống giáo, một lễ tang dân sự được phục vụ bằng hai ngôn ngữ - tiếng Anh và tiếng Nga; các thủy thủ Liên Xô được chôn cất với tất cả theo nghi thức nhà binh.
Hình ảnh mô tả hoạt động trục vớt K-129; Nguồn: fishki.net
Theo luật pháp quốc tế, ngay sau khi Liên Xô công khai K-129 bị nạn, nơi tàu ngầm an nghỉ dưới đáy biển sẽ được quy định là nơi chôn cất quân nhân. Trong trường hợp này, sẽ không thể chạm vào đống đổ nát.
Liên Xô vào thời điểm đó không chính thức công nhận việc mất tàu, do đó, người Mỹ có mọi quyền định đoạt phần còn lại của con tàu theo cách họ thấy phù hợp. Từ chối công khai những hỏng hóc và thất bại, Liên Xô đã tạo điều kiện cho Mỹ thực hiện một dự án kỹ thuật hàng hải Azorian có một không hai.
Chiến dịch Azorian được công khai một năm sau đó, vào tháng 2/1975, khi tờ Los Angeles Times đăng một bài về Dự án Jennifer, tên thật của chiến dịch được biết đến vào năm 2010.
Tháng 10/1992, tại một cuộc họp ở Moscow, Giám đốc CIA Robert Gates đã trao cho Tổng thống Nga Boris Yeltsin một đoạn băng ghi lại nghi lễ an táng thi thể các tàu ngầm Liên Xô thuộc biên chế K-129.
Azorian đã ngốn của Mỹ 6 năm làm việc và gần 4 tỷ USD vào giai đoạn không phải là êm ả của Chiến tranh Lạnh. Mỹ đã có được một con át chủ bài quan trọng trong Chiến tranh Lạnh, và dự án Azorian đã trở thành một thành tựu nổi bật của kỹ thuật hải quân thế kỷ XX.
Nguyên nhân thảm kịch
Người Mỹ cho nguyên nhân của thảm họa là do động cơ trên tàu tên lửa R-21 hoạt động không bình thường. Giả thiết chính thức của Liên Xô cho rằng, con tàu bị đắm trong khi sạc ắc-quy do trục trặc kỹ thuật của van cung cấp không khí cần thiết cho động cơ diesel.
Vụ nổ nhiên liệu tên lửa đã xảy ra ở độ sâu do nhiều trục trặc phát sinh trên con tàu bị trục trặc kỹ thuật. Một giả thiết khác cho rằng K-129 bị nạn do va chạm với một tàu khác, có thể là tàu ngầm Mỹ đang truy đuổi nó, được những người theo thuyết âm mưu, ủng hộ.
Một tuần sau khi tàu K-129 Liên Xô mất tích, tàu ngầm Mỹ USS Swordfish đã đến căn cứ hải quân Nhật Bản Yokosuka. Ngay sau đó, một bức ảnh xuất hiện trên một trong những tờ báo địa phương cho thấy một số hư hỏng trong vùng bánh lái của con tàu.
Các thủy thủ Liên Xô chắc chắn rằng đó là do va chạm (rất có thể là vô ý) với K-129. Những sự cố kiểu này thực sự không phải là hiếm trong Chiến tranh Lạnh. Các tàu ngầm của Mỹ và Liên Xô, khi truy đuổi nhau, đôi khi tiếp cận ở khoảng cách gần.
Tuy nhiên, liệu tàu Swordfish của Mỹ có thể gây ra thiệt hại thảm khốc như vậy cho tàu Liên Xô khi đã cập bờ chỉ với một chiếc kính tiềm vọng bị uốn cong, vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi.
Theo giải thích chính thức, USS Swordfish đã va chạm với một tảng băng trôi, cách nơi xác tàu K-129 nằm vài nghìn hải lý. Hơn nửa thế kỷ sau tai nạn của K-129, nguyên nhân của thảm kịch vẫn là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận./.