Truyền thông phương Tây ngày 14/3 đưa tin một máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper của Mỹ đã rơi ở biển Đen sau khi bị hai máy bay chiến đấu Nga áp sát. Theo Bộ Tư lệnh châu Âu (EUCOM) của Mỹ, một trong 2 chiếc Su-27 của không quân Nga đã "đâm vào cánh quạt của MQ-9" khiến nó bị rơi xuống biển.
Bộ Quốc phòng Nga sau đó đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Mỹ. Theo Moscow, UAV MQ-9 Reaper bị rơi là do phi công Mỹ đã mất điều khiển. Nga cũng khẳng định các máy bay của nước này không sử dụng vũ khí, không tiếp xúc với chiếc UAV của Mỹ.
UAV MQ-9 Reaper. Ảnh: Không quân Mỹ
Nguồn gốc của Reaper
UAV MQ-9 Reaper, còn được gọi là Predator-B, là một cải tiến lớn của UAV MQ-1 Predator trước đó, nhưng thực hiện tốt hơn hầu như tất cả các vai trò của phiên bản tiền nhiệm. Cả 2 đều do General Atomics chế tạo.
Predator được triển khai vào năm 1995 với vai trò hỗ trợ giám sát, sau đó được chỉnh sửa vào năm 2001 để mang một số ít tên lửa hoặc bom, mặc dù kích thước nhỏ gọn của nó khiến khả năng này bị hạn chế khá nhiều. Vào thời điểm bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố, cuộc chiến mà Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào UAV để thực hiện các cuộc tấn công bí mật ở các vùng xa xôi hẻo lánh trên toàn cầu, nhu cầu đối với dòng máy bay Predator phiên bản nâng cấp trở nên cấp thiết.
Chiếc UAV Reaper đầu tiên cất cánh vào tháng 2/2001. Cũng trong tháng này, chiếc Predator lần đầu tiên được trang bị tên lửa chống tăng Hellfire. UAV mới ban đầu được kỳ vọng trở thành một thợ săn-sát thủ. Thiết kế của nó đã phản ánh điều đó: động cơ mạnh hơn, sải cánh lớn hơn, tốc độ nhanh hơn, trần bay cao hơn và khả năng tải trọng cũng lớn hơn nhiều.
So với Predator, động cơ của UAV Reaper được tăng từ 115 lên 900 mã lực, tốc độ tăng từ 217km/h lên 444km/h; sải cánh tăng từ 16,7 lên 20,1 mét; chiều dài tăng từ 8,2 lên 10,9 mét; và khả năng tải trọng tăng từ 450 pound (204kg) với 2 móc treo lên 3.850 pound (1.746kg) với 7 móc treo. Trần bay cũng tăng gấp đôi, từ 7.620 mét lên 15.240 mét.
Tuy nhiên, thời gian hoạt động của Reaper nếu mang đầy đủ vũ khí giảm xuống chỉ còn 14 giờ so với 24 giờ của Predator. Nếu không mang vũ khí, Reaper có thể hoạt động trong trong 42 giờ.
Các biến thể của Reaper
Một phiên bản "tăng tầm" cho phép Reaper có thể hoạt động trong khoảng 34-40 giờ khi đầy tải.
Các biến thể khác của Reaper bao gồm SeaGuardian, có sức chứa nhiên liệu và hệ thống radar được cải thiện đáng kể, khung máy bay được gia cố để hạ cánh trên tàu sân bay và một bộ chuyển đổi đặc biệt để mang và thả phao âm. SeaGuardian được sử dụng để phát hiện tàu ngầm và các vật thể khác dưới nước.
Trong khi đó, biến thể SkyGuardian được tạo ra để phù hợp với các tiêu chuẩn sử dụng tại các quốc gia châu Âu. Biến thể này có sải cánh lên tới 24 mét.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) có một biến thể được gọi là Altair. Biến thể này được sửa đổi để có tầm hoạt động lớn hơn và thời gian hoạt động lâu hơn nhằm thực hiện các nhiệm vụ khoa học, giúp theo dõi các tài sản không gian của NASA khi chúng rơi trở lại Trái Đất, đặc biệt là tàu không gian Orion.
Một biến thể sau này của MQ-1 Predator là MQ-1C Grey Eagle, cũng được sử dụng với vai trò thợ săn-sát thủ, mặc dù nó là bản nâng cấp dựa trên khung máy bay Predator chứ không phải phương tiện hoàn toàn mới như Reaper.
Reaper có thể mang những thiết bị gì?
Về cơ bản, Mỹ có ý định vận hành Reaper như một máy bay tấn công được điều khiển từ xa, do đó, dòng UAV này có khả năng tấn công đáng kể.
Với 7 giá treo vũ khí, Reaper có thể mang tên lửa AGM-114 Hellfire, bom dẫn đường bằng laser GBU-12 Paveway II, bom thông minh GBU-38, tên lửa tấn công mặt đất Brimstone - một phiên bản sửa đổi của tên lửa phòng không vác vai Stinger có thể bắn từ trên không, và tên lửa phòng không AIM-9X Sidewinder.
Ngoài ra, Reaper còn được trang bị radar AN/APY-8 Lynx, radar độ phân giải cao Ku-Band, radar khẩu độ tổng hợp có thể sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết và hệ thống chỉ báo mục tiêu chuyển động trên mặt đất (GMTI).
Ban đầu UAV Reaper được sản xuất cho Không quân Mỹ, nhưng sau đó được bán với số lượng nhỏ cho Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Italy, Hà Lan, Ấn Độ, Nhật Bản và Pháp.
Ngoài các khách hàng kể trên, luật pháp Mỹ không cho phép bán loại UAV này ra thị trường quốc tế để tránh bị lộ công nghệ tên lửa đạn đạo.
Một số nhiệm vụ nổi bật của Reaper
Bắt đầu từ năm 2007, MQ-9 được biết đến với các nhiệm vụ trên không ở Iraq, Afghanistan, Yemen, Syria và Pakistan, tiến hành các cuộc không kích chống lại Taliban, Al-Qaeda và các nhóm dân quân khác chống lại Mỹ và các lực lượng của Washington.
Nhiệm vụ đáng chú ý nhất Reaper là cuộc tấn công ngày 3/1/2020, hạ sát Tướng Iran Qasem Soleimani và thủ lĩnh lực lượng bán quân sự Iraq Abu Mahdi al-Muhandis bên ngoài Sân bay Quốc tế Baghdad ở Iraq.
Reaper đã được Bộ Tư lệnh Châu Phi của Mỹ (AFRICOM) sử dụng rộng rãi cho các nhiệm vụ từ tuần tra chống cướp biển ở Seychelles đến các cuộc không kích chống lại nhóm hồi giáo cực đoan Al-Shabaab ở Somalia và các hoạt động phối hợp với lực lượng Pháp chống lực lượng dân quân có liên kết với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Mali, Niger và Libya.
Dòng UAV này cũng được sử dụng trong các cuộc tuần tra trên không dọc biên giới Nga, xuất kích từ các căn cứ ở Romania và Ba Lan. Nhiều UAV Reaper đã bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng không triển khai trên mặt đất, từ các hệ thống SA-6 KUB thời Liên Xô cho đến hệ thống Pantsir hiện đại do Nga sản xuất.
Mỹ có bao nhiêu UAV Reaper?
Mỹ có ít nhất 300 UAV Reaper với tất cả các biến thể, trong khi các quốc gia khác chỉ có số lượng hạn chế.
Giá của dòng UAV này đã tăng đều đặn kể từ khi nó được đưa vào sử dụng. Những chiếc Reaper đầu tiên vào năm 2008 có giá 14 triệu USD, nhưng đến năm 2020, giá của chúng đã tăng vọt lên 32 triệu USD mỗi chiếc, đắt hơn cả một chiếc trực thăng tấn công AH-64E Apache và thậm chí đắt hơn một số loại máy bay chiến đấu F-16 Falcon biến thể cũ./.