Động thái lạ của hàng chục xe tải quân sự Mỹ ‘lũ lượt’ từ Syria đến Iraq

Đức Trí |

Sau một loạt các cáo buộc về việc Mỹ buôn lậu dầu khí từ Syria đến Iraq, hiện, hàng chục xe tải của Mỹ lại tiếp tục nối gót nhau đến Iraq, trên xe có gì?

Xe tải quân sự Mỹ chở vật tư ở Syria. Nguồn: Sina.

Xe tải quân sự Mỹ chở vật tư ở Syria. Nguồn: Sina.

Sau một loạt các cáo buộc về việc Mỹ buôn lậu dầu khí từ Syria đến Iraq, hiện, hàng chục xe tải của Mỹ lại tiếp tục nối gót nhau đến Iraq, trên xe có gì?

Hãng thông tấn SANA của Syria ngày 9/6 cho biết, 20 xe tải của Quân đội Mỹ đang “lũ lượt” hành quân từ Syria đến miền Bắc Iraq, trên xe được cho là chở đầy lúa mì “đánh cắp” từ Syria.

Theo báo cáo, 20 xe tải của Mỹ chở đầy lúa mì đã hành quân ra khỏi vùng nông thôn của Hasaka, và đi qua một đường mòn không bị kiểm soát để tới miền Bắc Iraq. Truyền thông Syria cho rằng, đây dường như là hành động “buôn lậu” lúa mì của Quân đội Mỹ, sau khi các vụ việc buôn lậu dầu bị phanh phui.

Một nguồn tin từ khu vực nông thôn al-Yarubiya/Syria tiết lộ với các phóng viên SANA rằng, đội 20 xe tải đã rời Syria vào tối 8/6 và đi qua điểm cấm al-Walid để tới miền Bắc Iraq.

Theo báo cáo, trong vài tháng qua, lực lượng Mỹ tại Syria phối hợp với lực lượng Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) buôn lậu dầu mỏ và thực phẩm của Syria mỗi ngày.

Hàng nghìn xe tải và xe chở dầu của Mỹ đã rời khỏi khu vực Al-Jazeera của Syria để đến miền Bắc Iraq và sau đó bán chúng nhằm “tăng thêm các khoản hỗ trợ tài chính cho lực lượng SDF để mua sắm vũ khí Mỹ” duy trì hoạt động đấu tranh với Chính phủ Syria.

Hồi cuối tháng 5/2021, hãng thông tấn nhà nước Syria SANA dẫn các nguồn tin địa phương đã cáo buộc 35 xe tải quân đội Mỹ chở đầy lúa mì "đánh cắp từ kho chứa Tal Alou" tại khu vực al-Yaarubyia, tỉnh Hasakah chuyển qua cửa khẩu al-Waleed để tới khu vực tự trị của người Kurd tại Iraq.

Trước đó một ngày, đoàn xe tải 86 chiếc chở theo khí tài, vật tư hậu cần được hàng chục thiết giáp Mỹ hộ tống đi từ miền bắc Iraq, qua cửa khẩu al-Waleed và tiến vào căn cứ quân sự Kharab al-Jir ở quận Yarubiyah thuộc tỉnh Hasakah của Syria.

Từ năm 2014, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã tới Syria tham gia vào cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Năm 2018, Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syirra, nhưng một số lượng nhỏ binh sĩ Mỹ vẫn ở lại Syria, đặc biệt tại những khu vực nhiều dầu mỏ ở Syria, với lý do nhằm ngăn chặn sự tái sinh của mạng lưới khủng bố cũng như “canh giữ mỏ dầu”.

Theo đó, Lầu Năm Góc điều binh sĩ và trang thiết bị tới đông bắc Syria để ngăn các mỏ dầu trong khu vực rơi vào tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, giới chức Syria cáo buộc Mỹ triển khai quân tại khu vực nhằm "cướp đoạt tài nguyên" của nước này.

Bassam Tomeh, Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Syria, ngày 18/3 nói "Mỹ cùng các nhóm khủng bố Hồi giáo đồng minh đang cướp dầu mỏ" từ quốc gia Trung Đông này, cho biết Washington đang kiểm soát 90% trữ lượng dầu thô ở vùng đông bắc giàu dầu mỏ.

Giới chức Mỹ lần đầu xác nhận buôn dầu của Syria trong phiên điều trần tại Thượng viện hồi cuối tháng 7/2020, với sự tham gia của thượng nghị sĩ Lindsey Graham và cựu ngoại trưởng Mike Pompeo.

Trong phiên họp với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Pompeo lần đầu xác nhận một công ty dầu mỏ Mỹ sẽ hoạt động ở đông bắc Syria, nơi SDF kiểm soát.

Nga cho rằng nguồn thu từ buôn lậu dầu thô ra ngoài Syria thông qua các công ty môi giới được "chuyển thẳng tới các toàn khoản của lính Mỹ và các nhân viên quân sự tư nhân của Mỹ".

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Tướng Igor Konashenkov, giải thích thêm rằng công ty Sadcab do Mỹ kiểm soát đang thực hiện các hợp đồng xuất khẩu dầu. Công ty này được thành lập theo cơ chế tự điều hành tại Đông Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại