Động thái bất ngờ của Gilbraltar 36 giờ trước khi bắt tàu Iran và kịch bản cuộc chiến tàu dầu vùng Vịnh

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Chính quyền Gibraltar thuộc Anh trước khi tàu Grace-1 qua eo biển Gibraltar 36 giờ đã bổ sung vào bộ Luật của mình một điều khoản.

Trong một diễn biến đầy kịch tính, trong mấy ngày gần đây, các lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã bắt giữ ba tàu của Anh gồm MT Riah, Mesdar và Stena Impero ở vùng Vịnh gần eo biển Hormuz với lý do các tàu này tham gia vào buôn lậu dầu và vi phạm luật hàng hải.

Chính quyền tỉnh Hormozgan của Iran đã thả hai tàu sau khi khám xét, hiện nay chỉ còn giữ lại tàu Stena Impero theo lệnh của toà án.

Động thái bất ngờ của Gilbraltar 36 giờ trước khi bắt tàu Iran và kịch bản cuộc chiến tàu dầu vùng Vịnh - Ảnh 1.

So sánh giữa việc Anh bắt giữ tàu Grace-1 của Iran và Iran bắt giữ tàu Stena Impero của Anh, các chuyên gia luật pháp cho rằng lý do của Iran đưa ra mang tính thuyết phục hơn.

Anh cho rằng, tàu Grace-1 chở dầu đến Syria là vi phạm lệnh cấm vận của châu Âu đối với Damascus. Xét về mặt pháp lý, đây là lệnh cấm vận của châu Âu, các nước ngoài châu Âu không có nghĩa vụ thực hiện, nhất là lệnh cấm vận này lại không có điều khoản quy định trừng phạt thứ cấp, tức là ngăn cấm bên thứ ba quan hệ kinh tế, thương mại với Syria.

Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, thậm chí nhiều công ty các nước vùng Vịnh có quan hệ không tốt với chính quyền của Tổng thống Al-Assad vẫn quan hệ buôn bán với Syria.

Iran tố cáo chính quyền Anh bắt giữ tàu Iran là bất hợp pháp. Trong khi đó, báo Times của Anh số ra ngày 22/7/2019 tiết lộ, chính quyền Gibraltar thuộc Anh trước khi tàu Grace-1 qua eo biển Gibraltar 36 giờ đã bổ sung vào bộ Luật của mình một điều "cho phép bắt giữ tàu nếu nếu có nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Syria."

Ở đây chưa nói đến việc chính quyền Gibraltar cho biết trước đó đã nhận được đề nghị của Mỹ bắt giữ chiếc tàu này.

Động thái bất ngờ của Gilbraltar 36 giờ trước khi bắt tàu Iran và kịch bản cuộc chiến tàu dầu vùng Vịnh - Ảnh 2.

Trong khi đó, Iran cho biết tàu Stena Impero vi phạm luật giao thông hàng hải quốc tế, gây ô nhiễm môi trường và va chạm với tàu đánh cá của Iran thì việc tạm giữ tàu để xử lý là cần thiết. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói việc Iran bắt giữ tàu Anh không phải để trả thù mà do Stena Impero vi phạm luật quốc tế.

Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng, nếu Anh không bắt giữ tàu Grace-1 thì không có chuyện Iran bắt giữ tàu Stena Impero.

Trước đây có nhiều tàu của các nước vi phạm, nhưng Iran đã chọn thời điểm này để bắt giữ tàu của Anh là có chủ ý sau khi Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace-1 ngày 4/7/2019 tại eo biển Gibraltar, đến nay không những vẫn chưa được thả mà còn bị kéo dài thời hạn giam giữ thêm ba mươi ngày nữa.

Việc bắt giữ các tàu của Anh dù dưới bất kỳ lý do nào cũng được coi là một hành động trả đũa đối với Anh.

London cho rằng Iran bắt giữ tàu Stena Impero của Anh là vi phạm luật pháp quốc tế vì con tàu này đang ở vùng lãnh hải của Oman.

Tuy nhiên, Iran cho rằng trước đó Stena Impero đã đi sai luồng và va chạm vào tàu đánh cá của Iran. Đặc biệt khi cảnh sát biển Iran cảnh báo và yêu cầu con tàu này đổi hướng vào cảng Iran để xử lý thì các thuỷ thủ đã tắt hệ thống định vị tự động, không tuân thủ hướng dẫn của hoa tiêu Iran.

Động thái bất ngờ của Gilbraltar 36 giờ trước khi bắt tàu Iran và kịch bản cuộc chiến tàu dầu vùng Vịnh - Ảnh 3.

Tàu Stena Impero của Anh. Ảnh: Reuters

Động thái bất ngờ của Gilbraltar 36 giờ trước khi bắt tàu Iran và kịch bản cuộc chiến tàu dầu vùng Vịnh - Ảnh 4.

Hàng chục năm nay, tình hình an ninh hàng hải ở vùng Vịnh nói chung cũng như eo biển Hormuz nói riêng rất ổn định. Tàu bè các nước qua lại nơi đây không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Căng thẳng chỉ mới xuất hiện kể từ khi Mỹ rút khỏi Thoả thuận hạt nhân JCPOA tháng 5/2018, tái áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với Iran, trong đó có việc đưa xuất khẩu dầu của Iran về 0, đồng thời đưa một lực lượng quân sự lớn đến khu vực, ngăn cản các tàu của Iran đi qua các eo biển quốc tế...

Thủ tướng Theresa May đề nghị Iran thả ngay tàu Stena Impero. London đang xem xét "một loạt phương án" để đáp trả việc Iran bắt giữ tàu Anh, trong đó có việc đóng băng các tài khoản của Iran tại Anh và thành lập một liên minh quốc tế kiểm soát eo biển Hormuz dưới sự lãnh đạo của châu Âu.

Mặc dù coi việc Iran bắt giữ các tàu của Anh là "hành động thù địch" và đang xem xét các biện pháp trả đũa đối với Iran, nhưng nhìn chung thái độ của Anh tỏ ra không quá gay gắt.

Động thái bất ngờ của Gilbraltar 36 giờ trước khi bắt tàu Iran và kịch bản cuộc chiến tàu dầu vùng Vịnh - Ảnh 5.

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt tuyên bố: "London muốn làm giảm căng thẳng với Iran". Trong bức thư gửi Hội đồng Bảo an và Tổng thư ký Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Hunt chỉ "bày tỏ lo ngại về việc Iran bắt giữ tàu, Anh đang làm việc với các nước nhằm giải quyết vụ việc bằng các biện pháp ngoại giao và không tham gia vào cuộc chiến nếu xảy ra."

Một số nhân vật trong chính quyền Anh đã tố cáo Ngoại trưởng Anh Hunt làm theo mệnh lệnh của Mỹ trong việc bắt giữ tàu Grace-1 của Iran. Công đảng tuyên bố công khai không muốn Anh bị Mỹ lôi kéo vào cuộc xung đột Mỹ-Iran như trong cuộc chiến Iraq năm 2003.

Quan điểm của chính quyền Anh không thống nhất. Uỷ ban các vấn đề khẩn cấp đã triệu tập ngay cuộc họp bất thường nhằm bàn các biện pháp xử lý việc tàu Anh bị Iran bắt giữ. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh đề nghị chờ đợi thêm thông tin.

Đáng lưu ý, khi các vệ binh IRGC từ máy bay lên thẳng đổ bộ xuống tàu Stena Impero, ra lệnh cho các thuỷ thủ đưa tàu về cảng Bandar Abbas của Iran, các chiến hạm của Anh có mặt ở khu vực gần đó đã không có bất cứ hành động nào ngăn chặn.

Trong tình hình hiện nay, chính trường Anh đang bận bịu với nhiều vấn đề nóng bỏng, trong đó có việc rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) Brexit, bà Theresa May chuẩn bị rời số 10 phố Downing, cuộc tranh cử chức Thủ tướng đang diễn ra... London khó có thể đưa ra những quyết định lớn ở ngoài nước.

Động thái bất ngờ của Gilbraltar 36 giờ trước khi bắt tàu Iran và kịch bản cuộc chiến tàu dầu vùng Vịnh - Ảnh 6.

Theo nhiều nhà quan sát chính trị, trong khi các nước châu Âu và Iran đang phối hợp hành động tìm cách duy trì Thoả thuận hạt nhân JCPOA, việc Anh bắt giữ tàu Grace-1 của Iran là theo đề nghị của Washington nhằm "thọc gậy bánh xe", gây rạn nứt mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU), đồng thời ép Iran phải nhượng bộ bước vào đàm phán theo điều kiện của Mỹ.

Mặc dù bị dồn vào chân tường, các biện pháp cấm vận của Mỹ đang bóp nghẹt, gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế của mình, Iran vẫn không chịu lùi bước.

Cựu chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại và An ninh quốc gia của quốc hội Iran Hishmatullah Peshah cho rằng, các chính sách của Mỹ chống Iran đã thất bại. Các lệnh trừng phạt kinh tế của Washington đã vấp phải sự kiên định của người dân Iran.

Các hành động đe doạ quân sự cũng không đạt được kết quả khi chiếc máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk hiện đại bậc nhất của quân đội Mỹ bị tên lửa Khordad-3 của Iran bắn hạ.

Cuối cùng là việc tập hợp lực lượng để thành lập một "Liên minh quốc tế" chống Iran, nhưng dưới danh nghĩa đảm bảo an ninh hàng hải tại vùng Vịnh và eo biển Hormuz chắc chắn sẽ không thành công.

Động thái bất ngờ của Gilbraltar 36 giờ trước khi bắt tàu Iran và kịch bản cuộc chiến tàu dầu vùng Vịnh - Ảnh 7.

Thứ nhất, Iran là một quốc gia có chủ quyền, có vai trò và ành hưởng to lớn ở vùng Vịnh. An ninh vùng Vịnh và an toàn hàng hải ở vùng Vịnh, cũng như eo biển Hormuz không thể được đảm bảo nếu không có sự tham gia của Iran.

Một thông điệp như vậy rất có ý nghĩa trong khi các lực lượng hùng hậu của Mỹ có mặt ở khu vực đã không có bất cứ hành động nào để bảo vệ 6 chiếc tàu bị tấn công ở cảng Fujairah và vịnh Oman vào tháng Năm và tháng Sáu vừa qua.

Thứ hai, các biện pháp cấm vận Iran và bất cứ một hành động nào chống Iran không chỉ gây thiệt hại cho Iran mà còn gây tổn thất cho các nước trong khu vực và thế giới.

Thứ ba, các nước châu Âu, đặc biệt là Anh, nên tránh xa chính sách của Mỹ trong quan hệ với Iran.

Thứ tư, nếu Anh hoặc bất cứ nước nào tiếp tục bắt giữ các tàu Iran sẽ không tránh khỏi sự trả đũa mạnh mẽ của Iran.

Động thái bất ngờ của Gilbraltar 36 giờ trước khi bắt tàu Iran và kịch bản cuộc chiến tàu dầu vùng Vịnh - Ảnh 8.

An ninh vùng Vịnh, cũng như eo biển Hormuz không thể được đảm bảo nếu không có sự tham gia của Iran. Ảnh: Reuters

Động thái bất ngờ của Gilbraltar 36 giờ trước khi bắt tàu Iran và kịch bản cuộc chiến tàu dầu vùng Vịnh - Ảnh 9.

Cuộc chiến tàu dầu đang đưa tình hình căng thẳng vùng Vịnh leo thang lên một cấp độ mới. Mỹ tiếp tục tăng cường sự có mặt quân sự, đưa thêm 500 quân đến bổ sung cho căn cứ không quân Sultan ở Ả Rập Saudi. Trong tình hình như vậy, không ai có thể loại trừ khả năng bùng nổ một cuộc chiến tranh.

Tuy nhiên, các giới quan sát tỏ ra rất dè dặt khi đánh giá về khả năng bùng nổ một cuộc đối đầu trực diện giữa Mỹ và Iran. Ông Donald Trump, trong cuộc họp nội các tại Nhà Trắng ngày 16/7/2019, đã tuyên bố "có một tiến bộ đáng kể" liên quan đến hồ sơ Iran và "có tiến triển đáng kể trong quan hệ với Tehran".

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, nhân vật được cho là theo phái diều hâu cũng nói: "Mỹ không muốn chiến tranh với Iran và Anh phải tự bảo vệ lấy các tàu của mình."

Động thái bất ngờ của Gilbraltar 36 giờ trước khi bắt tàu Iran và kịch bản cuộc chiến tàu dầu vùng Vịnh - Ảnh 10.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định "Iran sẽ không phải là người bắt đầu cuộc chiến tranh". Ngày 22/7/2019, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói, ông tin vào tuyên bố của Tổng thống Mỹ Trump rằng ông không muốn chiến tranh với Iran. Ông cũng cho rằng, chiến tranh bắt đầu thì dễ, nhưng kết thúc thì rất khó.

Tất cả các nước vùng Vịnh, trong đó có Ả Rập Saudi và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đều kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh một cuộc đối đầu quân sự. Như vậy, tất cả các nước liên quan đề không muốn chiến tranh xảy ra và vẫn còn hy vọng để tránh một cuộc đối đầu quân sự.

Các nước vùng Vịnh hoàn toàn có thể bảo đảm được an toàn hàng hải ở vùng Vịnh và eo biển Hormuz mà không cần tới bất cứ sự có mặt quân sự nào từ bên ngoài. Một cơ chế giám sát với sự tham gia của các nước ven bờ vùng Vịnh nếu được thành lập sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề giao thông hàng hải.

Một cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Iran nhằm giải quyết các bất đồng giữa hai phía sẽ góp phần khôi phục lại hoà bình, an ninh và ổn định ở vùng Vịnh, Trung Đông và trên thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại