Tổng thống Vladimir Putin đã có chuyến thăm không báo trước tới hai sở chỉ huy ở các vùng lãnh thổ mới sáp nhập vào của Nga. Ảnh: RT
Theo đài Sputnik (Nga), Điện Kremlin ngày 18/4 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm lực lượng Vệ binh Quốc gia Vostok tại Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng.
"Tổng thống Putin đã đến thăm lực lượng Vệ binh Quốc gia Vostok ở Cộng hòa Nhân dân Lugansk. Tại đây, ông Putin đã được nghe báo cáo từ Thượng tướng Alexander Lapin và các sĩ quan cấp cao khác về tình hình ở khu vực đó", tuyên bố của Điện Kremlin cho hay.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Nga cũng đã đến thăm sở chỉ huy của nhóm quân Dnepr ở vùng Kherson. Tại đây, ông Putin cũng nghe báo cáo từ Thượng tướng Mikhail Teplinsky - chỉ huy của Lực lượng lính Dù Nga, Thượng tướng Oleg Makarevich - Tư lệnh nhóm tiến công Dnipro và các nhà lãnh đạo quân đội khác.
Theo bộ phận truyền thông của Điện Kremlin, chuyến thăm của ông Putin sở chỉ huy của nhóm tiến công Dnepr ở vùng Kherson và các nhân viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Vostok ở Cộng hòa Nhân dân Lugansk diễn ra một cách bất ngờ, không được chuẩn bị trước.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Putin tới LPR và vùng Kherson, những vùng đã sáp nhập Nga sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2022.
Video do báo Nga Sputnik đăng tải cho thấy ông Putin tới thăm vùng Kherson và Lugansk bằng trực thăng, sau đó di chuyển bằng xe ô tô tới gặp các tướng lĩnh và lãnh đạo quân sự trong khu vực. (Xem Video dưới - Nguồn RT):
Động thái đáng chú ý từ Nga trước cuộc phản công mùa xuân của Ukraine
Hồi tháng 3, ông Putin cũng có chuyến thăm bất ngờ tới Mariupol, thành phố ven biển Azov thuộc vùng Donetsk. Nga đã kiểm soát hoàn toàn Mariupol và các khu vực lân cận vào tháng 5/2022. Tại đây, ông Putin đánh giá tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng và trò chuyện với người dân địa phương trên đường phố.
Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnullin đã tháp tùng ông Putin trong chuyến thăm Mariupol. Ông đã báo cáo với Tổng thống về tiến độ xây dựng và khôi phục thành phố và các vùng phụ cận, thảo luận về các khu dân cư mới, các cơ sở xã hội, giáo dục và y tế.
Chuyến thăm mới nhất của ông Putin diễn ra trong bối cảnh Kiev được cho là sắp mở cuộc phản công quy mô lớn nhằm vượt phòng tuyến Nga thiết lập ở miền Nam và miền Đông Ukraine.
Trong động thái đáng chú ý khác, theo hãng thông tấn Kyiv Independent, để sẵn sàng đối phó với đợt phản công lớn của quân đội Ukraine, Không quân Nga đã chuẩn bị những loại siêu bom. Cụ thể, bom FAB-500 và FAB-1500 với khối lượng lần lượt là 500 và 1.500kg đã được Không quân Nga tập kết tại đơn vị chiến đấu sẵn sàng xuất kích.
Nga bắt đầu sử dụng bom dẫn đường nâng cấp từ bom thông thường từ đầu năm 2023, gây ra mối đe dọa lớn với các đơn vị Ukraine. Đêm 24/3, quân đội Ukraine thông báo, tỉnh Sumy hứng chịu đòn không kích nghiêm trọng, khi máy bay Nga thả 11 quả bom FAB-500 gắn module Dẫn đường và Cánh nâng Hợp nhất (UMPK).
Trong khi đó, UPAB-1500B được đánh giá là loại siêu bom thông thường. Nga đã ra mắt loại bom này từ năm 2019. Nó sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và định vị vệ tinh GLONASS, có thể đánh trúng mục tiêu trong vòng bán kính 10m và mang khối thuốc nổ nặng hơn một tấn.
Loại bom này cũng có thể tấn công mục tiêu từ khoảng cách 50 km và phù hợp với nhiều mẫu máy bay chiến thuật của Nga.
Bom FAB-500M-62 tiêu chuẩn của Nga. Ảnh: The Drive
Phát ngôn viên Không quân Ukraine Yuri Ignat cho biết cách tốt nhất để đối phó bom dẫn đường Nga là tấn công máy bay mang chúng, nhưng Không quân Ukraine không có loại vũ khí nào có thể thực hiện nhiệm vụ này.
Chiến đấu cơ MiG-29 và Su-27 trong biên chế Ukraine đều ra đời từ thời Liên Xô, không sở hữu radar mạnh và tên lửa tầm xa như chiến đấu cơ Nga, cũng không thể hoạt động tự do bởi lưới phòng không dày đặc của Moskva.
Trong khi đó, các tổ hợp đánh chặn S-300PM/PT dù có tầm bắn hiệu quả 75 km với mục tiêu bay cao, nhưng dễ bị phát hiện và tập kích nếu triển khai gần tiền tuyến. Vấn đề tương tự cũng xảy ra với tổ hợp tầm trung IRIS-T, NASAMS và Buk-M1, với tầm bắn tối đa khoảng 25-35km.
Tình hình tồi tệ hơn khi tài liệu tình báo của Mỹ bị rò rỉ nhận định Ukraine có thể cạn tên lửa cho các hệ thống Buk-M1, NASAMS và S-300 vào đầu tháng 5.
Trước đó, theo các tài liệu tình báo bị rò rỉ của Mỹ, cùng với tuyên bố của các quan chức Kiev và Washington, Ukraine đang lên kế hoạch tiến hành cuộc phản công lớn trong vài tuần tới. Mục tiêu cuối cùng của chiến dịch này là giành các vùng lãnh thổ đã sáp nhập Nga vào mùa thu năm ngoái, đồng thời cắt đứt tuyến đường trên bộ của Moskva với bán đảo Crimea.
Song, ngay cả trước thời điểm các tài liệu mật phát tán trên mạng xã hội, một số quan chức phương Tây đã bày tỏ hoài nghi về cơ hội thành công của Kiev, với lý do nước này đang trong tình trạng thiếu nhân lực, vũ khí và hậu cần.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, cũng đã nhiều lần đặt câu hỏi về khả năng của Ukraine trong việc giải quyết cuộc xung đột thông qua một chiến thắng quân sự trong thời gian tới.
Về phần mình, theo một số nguồn tin, các quan chức cấp cao Ukraine đã khá thất vọng với sự hoài nghi của Mỹ. Trong đó, một nguồn tin thường xuyên liên hệ với quan chức cấp cao ở Kiev bình luận: "Chính những người đã nói rằng Kiev sẽ thất thủ trong ba ngày nữa giờ đang phát tán thông tin tai hại không kém trước cuộc phản công vô cùng quan trọng".
Một quan chức giấu tên khác nói: "Điều đó tạo cơ sở khiến chúng tôi nghi ngờ về độ nghiêm túc mà Mỹ ủng hộ các mục tiêu của Ukraine trong việc đẩy lùi hoàn toàn lực lượng Nga ra khỏi đất nước".
Trong khi đó, Kiev đang nỗ lực kêu gọi các đồng minh phương Tây tiếp tục gửi ngân sách và viện trợ vũ khí giúp nước này đạt được tất cả các mục tiêu đã đặt ra.