“Không thể làm gì ngoài ẩn nấp”
Những cuộc tấn công cơ giới thường xuyên trên mặt đất của Nga đã làm xói mòn các hệ thống phòng thủ của Ukraine ở các điểm dọc tiền tuyến.
Kateryna Stepanenko tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Washington cho biết, mục tiêu của Nga có thể là kiểm tra các điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Ukraine và kéo căng năng lực phòng thủ của Kiev trước các chiến dịch tấn công mùa hè sắp tới.
Các lữ đoàn của Ukraine trên tiền tuyến đang bám trụ để chờ đạn dược và các hệ thống phòng không từ các đối tác cũng như những tân binh được huy động theo một đạo luật huy động mới.
Nói về các cuộc tấn công gần Tonenke, một binh lính Ukraine chia sẻ với CNN: "Ngày nào quân đội Nga cũng tiến vào và ngày nào binh lính của chúng tôi cũng phải chiến đấu với họ".
Theo Bộ Quốc phòng Anh, Nga có thể bổ sung thêm 30.000 quân cho lực lượng tiền tuyến mỗi tháng. Các cơ sở công nghiệp quân sự của nước này đang làm việc 24/7 để sản xuất mọi thứ từ xe tăng đến UAV và bom dẫn đường.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell cho biết trong tuần này, mặc dù tổn thất nặng nề nhưng Nga đã "gần như khôi phục hoàn toàn về mặt quân sự", có thể cho phép Moscow tăng cường các chiến dịch tấn công.
Ukraine đã nhìn thấy những dấu hiệu đó. Ông Andriy Yusov, Người phát ngôn của Tổng cục tình báo quốc phòng Ukraine (GUR) thông báo, việc tuyển quân ở Nga vẫn tiếp tục diễn ra. Trong khi đó, tình trạng thiếu nhân lực ở Ukraine vẫn nghiêm trọng. Độ tuổi nhập ngũ đã được hạ từ 27 xuống 25 nhưng các phần khác của dự luật huy động vẫn đang gặp khó khăn để được Quốc hội Ukraine thông qua. Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraine - Tướng Oleksandr Syrsky cho biết, mục tiêu ban đầu về việc tuyển thêm 500.000 tân binh có thể sẽ "giảm đáng kể".
Theo quan điểm của nhà quan sát Stepanenko, Ukraine "có thể sẽ cần nhượng bộ chiến thuật và rút lui về các vị trí phòng thủ tốt hơn trong một số tình huống trên chiến trường... Khả năng của Nga trong việc giữ thế chủ động đang buộc quân đội Ukraine phải tiêu tốn những trang thiết bị vốn đã khan hiếm".
Áp đảo về lực lượng, tiếp tục thả những quả bom dẫn đường nặng 1,5 tấn từ trên không, pháo kích dữ dội, sử dụng súng phun lửa hạng nặng cũng như hỏa lực xe tăng, Nga đang gây thiệt hại hàng ngày cho Ukraine.
Ông Yusov cho biết việc sử dụng nhiều đạn pháo như vậy của Nga có thể thực hiện được là nhờ sự hỗ trợ từ nước ngoài. Nazar Volosyn, người phát ngôn quân đội Ukraine ở miền Đông thừa nhận với CNN rằng, pháo và việc tăng cường sử dụng bom lượn của Moscow đã khiến các cao điểm chiến lược của Ukraine xung quanh Chasiv Yar tại Donetsk gặp nguy hiểm.
"Họ đang thả bom hạng nặng vào chúng tôi mà thậm chí không cần bay gần giới tuyến hay đi vào khu vực phòng không của chúng tôi", ông Nazar Volosyn nói.
Ông cũng cho biết chiến thuật tương tự cũng được áp dụng cho khu vực Avdiivka: "Khi chiến đấu cơ của họ đang hoạt động, lực lượng phòng thủ của chúng tôi không thể làm gì được ngoài ẩn nấp".
Ngoài ra, phía Ukraine cũng thừa nhận, Nga đã cho thấy khả năng thích ứng, đặc biệt trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ nhiều lớp, từng ngăn chặn cuộc tấn công của Ukraine vào mùa hè năm ngoái, cũng như trong việc triển khai bom lượn ngoài phạm vi phòng thủ của Ukraine và phát triển dàn UAV tấn công của riêng mình.
Gần đây nhất, theo các quan chức Ukraine, Nga đã bắt đầu trang bị đạn chùm cho tên lửa hành trình.
Động thái của Ukraine và phương Tây
Ukraine đã phản ứng bằng việc mở rộng nhanh chóng ngành công nghiệp vũ khí của mình và thực hiện một cách sáng tạo, đặc biệt trong việc phát triển các phương tiện không người lái tầm xa trên biển và trên không.
Ukraine đang tiến hành một cuộc "giao tranh gần" trong các trận đánh cận chiến và "giao tranh xa" nhắm vào các cơ sở hạ tầng của Nga bao gồm các cơ sở lọc dầu, sân bay và các nhà máy.
Chỉ riêng trong tuần trước, các UAV tự chế của Ukraine đã tấn công một nhà máy sản xuất UAV bên trong nước Nga cách tiền tuyến 1.300km. Một đợt tấn công bằng UAV khác cũng được cho là đã làm tê liệt khoảng chục máy bay của Nga tại sân bay ở Rostov.
Ukraine không thừa nhận đứng sau các cuộc tấn công trên nhưng ông Yusov nói với CNN rằng, các nhà máy lọc dầu là các mục tiêu quân sự và "thiệt hại ở đó là hoàn toàn tự nhiên. Phạm vi địa lý của việc này cũng sẽ mở rộng".
Trong khi đó, có một câu hỏi đặt ra cho các đối tác của Ukraine ở hai bên bờ Đại Tây Dương. Đó là làm thế nào để duy trì việc ủng hộ Ukraine một cách nhất quán hơn?
Tuần này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, đã đến lúc “thảo luận về cam kết cam kết tài chính dài hạn từ các đồng minh NATO”. Điều đó có thể bao gồm một thỏa thuận tài trợ dài hạn dưới sự bảo trợ của NATO để giảm thiểu nguy cơ từ các quyết định của chính quyền Mỹ mới nếu ông Trump đắc cử vào năm tới, có thể sẽ chấm dứt hỗ trợ cho Ukraine.
Các quan chức Ukraine liên tục kêu gọi phương Tây hỗ trợ những gì họ cần lúc này, bao gồm Patriot và các hệ thống phòng không khác, tên lửa tầm xa cùng hàng triệu quả đạn pháo và các phương tiện trên không.
Tham dự cuộc họp của NATO tuần này. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng "không hiểu sao các đối tác không thể tìm thêm các tổ hợp phòng không để cung cấp cho nơi mà tên lửa đạn đạo được bắn hàng ngày. Chỉ riêng trong tháng 3, đã có 94 tên lửa đạn đạo được bắn vào Ukraine.
Sự bế tắc trong Quốc hội Mỹ đồng nghĩa rằng các nhu cầu quân sự lớn hơn của Ukraine sẽ không được đáp ứng. Dự luật ngân sách trị giá 61 tỷ USD hỗ trợ quân sự đã không có tiến triển trong 4 tháng qua.
Thời gian của Ukraine đang cạn dần. Một quan chức trong Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, Trung úy Andriі Kovalenko, nói rằng các đồng minh của Ukraine “phải hiểu rằng nếu sự hỗ trợ của phương Tây không đến kịp thời, đối phương sẽ có nhiều cơ hội hơn để giành thêm lãnh thổ".
Ít nhất là một số quốc gia đã nhận ra sự cấp bách này, trong đó Séc đang dẫn đầu sáng kiến mua gần 1 triệu quả đạn pháo ngoài châu Âu. EU cũng cam kết sẽ đẩy nhanh việc vận chuyển đạn pháo sau khi không đáp ứng được cam kết trong năm qua.
Tuy nhiên, nhà quan sát Stepanenko nói với CNN rằng “tất cả những sáng kiến này của châu Âu đều cần có thời gian trước khi có thể giúp Ukraine tạo ra các điều kiện chiến trường thuận lợi”.
Châu Âu vẫn chưa sẵn sàng hoặc không thể đảm nhận vai trò lãnh đạo hiện do Mỹ đảm nhận trong việc cung cấp số lượng vũ khí cần thiết cũng như thông tin tình báo thời gian thực được chia sẻ với Ukraine.
Bà Stepanenko tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết, Ukraine không thể khai thác mức độ tiêu hao cao mà các đơn vị Nga phải gánh chịu.
Theo chuyên gia này: “Các lực lượng Nga đã mất ít nhất 3 sư đoàn cơ giới và trang thiết bị trong chiến dịch giành Avdiivka, còn Ukraine thì không thể phản công xung quanh Avdiivka và khai thác tình trạng kiệt sức của Nga”.
Ukraine không có lựa chọn nào khác ngoài việc “đào chiến hào và cố gắng dự đoán bằng khả năng tốt nhất của mình về địa điểm, thời gian và cường độ các lực lượng Nga sẽ tấn công tiếp theo”, bà Stepanenko nói.