Nga tăng cường số lượng và quy mô các cuộc tấn công cơ giới
Các lực lượng của Nga trong những tuần gần đây đã tiến hành các cuộc tấn công cơ giới lớn hơn và thường xuyên hơn nhằm vào quân đội Ukraine. Điều này cho thấy có thể Moscow đang hy vọng sẽ đạt được đột phá trước khi sự hỗ trợ của phương Tây đến Kiev.
Tuy nhiên, cho đến nay Ukraine vẫn có thể xoay xở để đối phó với các cuộc tấn công này, bao gồm cả bộ binh được hỗ trợ bởi các phương tiện bọc thép, bất chấp việc phải "vét đáy thùng" để có đạn dược, vũ khí và vật tư.
Các cuộc tấn công diễn ra trong những tuần qua với cuộc tấn công đầu tiên bắt đầu ngày 20/3, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington cho hay.
Vào lúc đó, các quan chức Ukraine cho biết quân đội nước này đã đẩy lùi một cuộc tấn công gần Lyman, phía Bắc Bakhmut. Một đoạn video được công bố cho thấy các lực lượng của Ukraine chiến đấu với phương tiện bọc thép Nga trong khu vực này.
Ngày 30/3, các lực lượng của Ukraine gần Tonenke, phía Tây Avdiivka dường như đã giành được chiến thắng khi đối phó với cuộc tấn công cơ giới quy mô tiểu đoàn của Nga. Một quân nhân cho biết Ukraine đã phá hủy 12 trong số 36 xe tăng Nga và 8 trong số 12 phương tiện chiến đấu bộ binh BMP. Đoạn video cho thấy một số cuộc giao tranh căng thẳng, trong đó có các xe tăng Nga bị phá hủy bởi các tên lửa chống tăng dẫn đường.
Cuộc tấn công cơ giới trên là cuộc tấn công đầu tiên có quy mô lớn như vậy được Nga tiến hành kể từ khi họ bắt đầu nỗ lực giành Avdiivka vào tháng 10 năm ngoái. Vào thời điểm đó, Nga tổn thất một số phương tiện, trong đó có gần 50 xe tăng và hơn 100 xe bọc thép chỉ từ 19 - 20/10.
Sau đó, vào 3/4, đoạn video được ISW xác định vị trí cho thấy các lực lượng của Ukraine đang tiến hành một cuộc tấn công cơ giới quy mô trung đội gần Terry.
Ý đồ của Nga
Các chuyên gia về xung đột nhận định, có một số cách giải thích khác nhau về sự gia tăng đột ngột của các cuộc tấn công cơ giới.
"Các lực lượng của Nga có lẽ đang tăng cường các cuộc tấn công cơ giới trước khi địa hình lầy lội trở nên rõ rệt hơn vào mùa xuân và khiến các phương tiện di chuyển khó khăn hơn", ISW nhận định. Bùn có thể là trở ngại đáng chú ý trên chiến trường vào mùa xuân và mùa thu, cũng như từng là mối lo ngại trước đây khi Ukraine nhận được xe tăng do phương Tây sản xuất cho cuộc phản công vào mùa hè năm ngoái.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng những cuộc tấn công cơ giới này có thể được tính toán đúng thời điểm để tận dụng tối đa những khó khăn hiện tại của Ukraine.
Theo ISW: "Các lực lượng của Nga cũng có thể đang tăng cường các cuộc tấn công cơ giới để tận dụng tình trạng thiếu trang thiết bị của Ukraine trước khi có sự hỗ trợ an ninh của phương Tây".
Đáng chú ý, các cuộc tấn công trên dường như diễn ra cùng lúc với các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV tăng cường, cho thấy một nỗ lực chung của các lực lượng Moscow.
Hiện nay, Ukraine vẫn đủ khả năng chống chịu trước các cuộc tấn công này. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu họ có thể duy trì phòng tuyến giữa lúc đối mặt với những hạn chế trong sự hỗ trợ của phương Tây hay không. Các quan chức Ukraine, trong đó có Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về đạn dược và vật tư trong những tháng qua.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 3/4 cho biết, Nga sử dụng hàng nghìn vũ khí dẫn đường, trong đó có hơn 3.000 bom lượn, để tập kích Ukraine trong tháng 3.
"Chỉ trong tháng 3, Nga đã sử dụng hơn 3.000 quả bom lượn, 400 tên lửa các loại và 600 máy bay không người lái (UAV) tự sát kiểu Shahed để tấn công Ukraine", Tổng thống Zelensky nói.
Theo nhà lãnh đạo này, các lực lượng Nga ném bom không ngừng nghỉ nhằm vào khu vực tiền tuyến và biên giới, đồng thời phá hủy nhiều thành phố và làng mạc ở Ukraine. Cũng theo ông Zelensky, bom lượn dẫn đường đã được Nga sử dụng để tấn công thành phố Kharkiv lớn thứ hai của Ukraine, phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu và gây hư hại hàng loạt công trình dân sự.
Ông Zelensky cho rằng, điều này sẽ không xảy ra nếu Ukraine nhận được những hệ thống phòng không đáng tin cậy để bảo vệ các thành phố trước các lực lượng Nga.
Trước đó, trả lời phỏng vấn Washington Post, Tổng thống Zelensky cho rằng trì hoãn của Quốc hội Mỹ trong việc phê chuẩn gói viện trợ quân sự trị giá 60 tỷ USD thực sự gây cho Ukraine nhiều tổn hại. Theo ông, quân đội Ukraine không thể lên kế hoạch tác chiến cho tương lai trong bối cảnh các nghị sĩ Mỹ tranh cãi về gói viện trợ trong gần 6 tháng trời. Ông cảnh báo, lực lượng Ukraine có thể phải rút lui để giữ tiền tuyến của mình và tiết kiệm đạn dược.
Các nhà phân tích của ISW đã đề cập trong báo cáo của họ về thất bại ngày 30/3 của Ukraine trước cuộc tấn công cơ giới của Nga trong khi Kiev không có nhiều lựa chọn đối phó.
"Các lực lượng Ukraine có thể đã phải tiêu tốn số lượng đáng kể trang thiết bị để phòng thủ trước cuộc tấn công của Nga".
Với nguồn cung khan hiếm, việc duy trì một hệ thống phòng thủ vững chắc lâu dài có lẽ là điều không thể.
Phương Tây tăng cường hỗ trợ Kiev
Dù vậy, hy vọng có thể đang đến gần khi một số nước NATO gấp rút cung cấp các gói viện trợ cho Ukraine trong khi các quan chức phương Tây đang thảo luận về tiềm năng hỗ trợ lâu dài và vững chắc.
Phát biểu trong cuộc họp của bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên NATO ở Brussels (Bỉ), Tổng thư ký Stoltenberg thừa nhận với các phóng viên rằng Ukraine cần nhiều tiền hơn từ NATO trong vài năm tới.
“Chúng ta phải đảm bảo sự hỗ trợ an ninh đáng tin cậy cho Ukraine trong thời gian dài, hạn chế dựa vào các nguồn đóng góp tự nguyện, tăng cường các nguồn đóng góp chung từ những cam kết của NATO. Đồng thời hạn chế các cam kết ngắn hạn, thay vào đó tăng cường các cam kết dài hạn”, ông Stoltenberg nói.
Tiến triển cũng đang được nhìn thấy ở Quốc hội Mỹ khi Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson dự kiến sẽ đưa gói hỗ trợ cho Ukraine trị giá 60 tỷ USD ra bỏ phiếu.
Gói hỗ trợ này đã được Thượng viện thông qua vào tháng 2 nhưng vẫn chưa rõ liệu khoản hỗ trợ này có nhận được đủ phiếu bầu tại Hạ viện hay không.
Ukraine cần sự hỗ trợ bổ sung càng sớm càng tốt khi nước này phải đối mặt với một nước Nga đã chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt, đặc biệt khi Moscow đặt các ngành công nghiệp của mình vào chế độ thời chiến và bắt đầu xây dựng lại các lực lượng đã xuống cấp.
Ngày 3/4, trái với một số đánh giá về tình trạng quân đội Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell cho rằng mặc dù Moscow phải chịu những tổn thất nhất định nhưng giờ đây họ đã khôi phục “gần như hoàn toàn” khả năng quân sự của mình.