Kế hoạch đóng tàu dày đặc
Trong bài viết tạp chí National Interest, nhà phân tích Kyle Mizokami cho biết, tốc độ xây dựng hải quân nhanh tới mức "chóng mặt" của PLAN khiến họ trở thành một lực lượng không thể xem thường.
PLAN không chỉ đang trong quá trình hiện đại hóa mà còn mở rộng quy mô, điều này thể hiện ở kế hoạch đóng tàu dày đặc "chưa từng thấy" kể từ thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh.
Từ tàu sân bay tới tàu hộ tống, PLAN đang mở rộng quy mô nhanh hơn bất cứ lực lượng hải quân nào khác trên Trái Đất.
Tốc độ thi công chóng mặt
Trung Quốc đang xúc tiến chương trình tàu sân bay, trong đó 2 tàu đã hoàn thiện và tàu thứ 3 đang được thi công.
Theo báo cáo gần đây của Lầu Năm Góc về tiềm lực quân sự Trung Quốc năm 2018, trong năm ngoái, Liêu Ninh - tàu sân bay đầu tiên của Bắc Kinh - đã thực hiện 2 chuyến hải trình rầm rộ tới đảo Hải Nam và Hồng Kông, mặc dù trong hơn 3 năm hoạt động, nó chưa từng ghé thăm quốc gia nước ngoài nào.
Tàu sân bay nội địa đầu tiên (cũng là tàu sân bay thứ hai) của Trung Quốc được hạ thủy vào tháng 4/2017
Bên cạnh đó, tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc hiện đang neo tại Đại Liên và trải qua cuộc thử nghiệm các hệ thống trên bờ. Với kích cỡ và hình dạng rất giống Liêu Ninh, con tàu này vẫn sử dụng động cơ đẩy thông thường và đường băng cất cánh kiểu nhảy cầu.
Nó chỉ có một số thay đổi nhỏ ở cấu trúc thượng tầng, như được trang bị radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) và mang được 24-30 tiêm kích J-15 (nhiều hơn tàu Liêu Ninh một chút).
Còn tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc - đang được thi công tại nhà máy đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải. Khác với hai tàu trước, nó được chế tạo theo module và lắp ráp trên ụ khô - tương tự như các siêu tàu sân bay của Hải quân Mỹ.
Không chỉ vậy, đây còn được cho là tàu mặt nước đầu tiên của Trung Quốc trang bị động cơ hạt nhân, và nó sẽ sử dụng máy phóng hơi nước hoặc máy phóng điện từ để triển khai máy bay.
Module được cho là thuộc về tàu sân bay thứ ba của Hải quân Trung Quốc tại Nhà máy đóng tàu Giang Nam.
Tuy nhiên, các tàu sân bay này có lẽ không phải là "tàu chiến có khả năng triển khai máy bay" duy nhất của PLAN trong tương lai gần. Tàu đổ bộ chở trực thăng Type 075 - mẫu tàu tương tự như lớp Wasp của Hải quân Mỹ và đã được Trung Quốc chờ đợi từ lâu - có vẻ sắp được thi công.
Là mẫu tàu kế nhiệm Type 071, Type 075 có sàn đáp dài, có thể triển khai cả trực thăng vận tải và xuồng đệm khí Type 726 "Yuyi".
Tương tự như tàu đổ bộ của Mỹ, Type 075 cũng có thể triển khai máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng, tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc có loại máy bay này. Dự kiến, 3 chiếc Type 075 sẽ được hoàn thiện vào năm 2025.
Trong khi đó, theo phân loại tàu tác chiến mặt nước, Lầu Năm Góc cho rằng mẫu tàu Type 055 mới của Trung Quốc nên được gọi là tàu tuần dương, thay vì tàu khu trục (kích cỡ nhỏ hơn).
Type 055 có lượng giãn nước từ 10.000 - 13.000 tấn, đúng với tiêu chí của tuần dương hạm.
Chiếc Type 055 đầu tiên của Trung Quốc trong buổi lễ hạ thủy.
Tương tự như tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Mỹ, Type 055 có vẻ là tàu chiến đa nhiệm, với trọng tâm là bảo vệ nhóm tác chiến tàu sân bay còn non trẻ của Trung Quốc trước các cuộc tấn công đường không.
Mỗi tàu Type 055 được trang bị 1 pháo hạm 130mm, 112 ống phóng thẳng đứng có thể bắn tên lửa phòng không, tấn công mặt đất, tên lửa chống tàu mặt nước và chống ngầm. Nó còn có thể mang theo 2 trực thăng.
Trung Quốc đã hạ thủy cùng lúc 2 tàu Type 055 trong tháng 7/2018 và đang đóng thêm 6 tàu nữa. PLAN được cho là có kế hoạch đóng ít nhất 8 tàu loại này.
Trung Quốc cũng đang tăng tốc đóng các tàu chiến cỡ nhỏ. Type 056 là sự thay thế cho các khinh hạm đã già cỗi và có kích cỡ nhỏ hơn như Type 037. Đây là mẫu tàu chiến đa nhiệm có khả năng tác chiến chống ngầm/chống tàu mặt nước, hộ tống nhóm tàu tác chiến, do thám, phòng không.
Biến thể Type 056A được trang bị sonar kéo dây và sonar gắn trên thân tàu, đồng thời được bổ sung thêm nhiều loại vũ khí chống ngầm.
Tàu hộ tống Type 056.
Đáng ngạc nhiên hơn cả là Type 056 mới được chế tạo từ năm 2012, như vậy tức là các nhà máy đóng tàu Trung Quốc đã thi công mẫu tàu hộ tống mới này với tốc độ trung bình 1,5 tháng 1 tàu.
Mức thời gian trung bình này có lẽ còn rút ngắn nữa nếu tính thêm 6 tàu xuất khẩu, với trang bị vũ khí yếu hơn, được Trung Quốc bán cho Bangladesh và Nigeria.
Có khả năng Trung Quốc sẽ đóng tổng cộng 64 tàu hộ tống Type 056 để phục vụ cho kế hoạch mở rộng quy mô của mình.
Nhiều lớp tàu chiến của Trung Quốc - như Type 054A, Type 056 và thậm chí Type 052D - đang được chế tạo nhanh tới mức kế hoạch thi công chúng (có thể) hoàn tất chỉ trong 1-3 năm.
Tuy nhiên, trừ phi Trung Quốc hướng tới một nỗ lực lớn hơn để áp đảo Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương, nếu không thì công tác thi công các tàu mặt nước này nên có xu hướng giảm tốc.
Trong trường hợp đó, với năng lực đóng tàu như trên thì một câu hỏi được đặt ra là các nhà máy của Trung Quốc sẽ chế tạo mẫu tàu nào tiếp theo? Có khả năng sẽ là tàu ngầm hoặc tàu đổ bộ cỡ nhỏ, đặc biệt là các tàu đổ bộ tăng (LST) có khả năng mang theo các xe tăng và xe bọc thép.
Ông Mizokami cho rằng, dù mục đích cuối cùng của Trung Quốc là gì thì họ cũng đã trở thành một cường quốc quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương.
Sức mạnh chiến hạm có thể đánh chìm Type 055 Trung Quốc