Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị đóng tàu cần đẩy nhanh tiến độ khắc phục, hoàn thành trong tháng 8.2017 để ngư dân có tàu và ngư cụ vươn khơi.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, một số ngư dân không những vẫn chưa có tàu ra khơi. "Ngược đời" hơn, các ngư dân này còn bị Cty đóng tàu sai phạm tuyên bố "kiện ngược".
Không thể sửa chữa xong tàu trong tháng 8
Đó là khẳng định của ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT - với PV Báo Lao Động. Về việc sửa chữa, thay vỏ các con tàu có kịp hoàn thành trong tháng 8.2017 để ngư dân có phương tiện vươn khơi như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hay không, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết thêm: Trong quá trình kiểm tra, giám sát việc sửa chữa, thay vỏ và máy tàu cho ngư dân, kiểm tra ban đầu cho thấy, yếu tố mangan chưa đảm bảo. Sở NN&PTNT tỉnh đã mời các chuyên gia tư vấn nghiên cứu, thẩm định.
Tuy nhiên, đến thời điểm này các chuyên gia tư vấn vẫn chưa có ý kiến cụ thể.
"Đây là vấn đề chuyên môn kỹ thuật, cần thận trọng nên phải chờ ý kiến chuyên gia mới có thể kiểm tra, không thể vì tiến độ mà làm ẩu.
Hơn nữa, trong thời gian vừa qua thời tiết bất thường, mưa liên tục nên việc thẩm định bị gián đoạn nhiều lần. Do vậy, việc thay máy và vỏ tàu không thể xong trong tháng 8.2017 như đã định" - ông Phan Trọng Hổ khẳng định.
Cũng theo ông Phan Trọng Hổ, kết quả kiểm định lại của Cty Giám định Vinacontrol kết luận các mẫu thép lấy từ một số con tàu bị thiếu hàm lượng mangan trong thành phần hóa học theo Quy chuẩn VN 21:2010/BGTVT về thép thường cấp A dùng để đóng tàu đi biển.
Trong khi đó, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) yêu cầu thép đóng tàu phải đạt tối thiểu thép thường cấp A mới đảm bảo chất lượng.
Sau khi các chuyên gia tiến hành lấy mẫu tại 5 tàu, mỗi tàu 2 mẫu (tại phần mạn và phần đáy) để kiểm tra, kết quả kiểm tra 10 mẫu thép tại 5 tàu cá cho thấy: Tất cả 10 mẫu thép đều đạt quy định về nhiệt luyện và tính cơ học đối với loại thép thường, cấp thép A theo Bảng 7A/3.4 của QCVN 21:2010/BGTVT.
Tuy nhiên, về thành phần hóa học: 7/10 mẫu không đạt cấp thép A do có thành phần mangan thấp hơn so với quy định theo Bảng 7A/3.1 của QCVN 21:2010/BGTVT.
DN đóng tàu tuyên bố kiện Trung tâm Đăng kiểm và ngư dân
Theo quan điểm của UBND tỉnh Bình Định, đối với các vỏ thép không đạt chất lượng, Cty TNHH Đại Nguyên Dương phải tháo ra và thay lại bằng thép khác cho ngư dân. Vấn đề này đã được các bên thỏa thuận và thống nhất ban đầu.
Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, mới đây, tại buổi làm việc với Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định và 5 ngư dân có tàu không đạt chất lượng, ông Lê Văn Thục - Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty TNHH Đại Nguyên Dương cho rằng, trước khi đóng tàu, Trung tâm Đăng kiểm (Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT) đã lấy mẫu thép để kiểm tra và các mẫu thép này đạt Mac A Trung tâm đăng kiểm mới đồng ý cho sử dụng làm vật liệu đóng tàu.
Sau khi Trung tâm Đăng kiểm đồng ý cho phép thì Cty TNHH Đại Nguyên Dương mới triển khai đóng. Nay trách nhiệm này thuộc về một mình Cty TNHH Đại Nguyên Dương là chưa hợp lý!
Ông Lê Văn Thục cũng đồng ý, sau khi có ý kiến của các chuyên gia, nếu vỏ thép các con tàu này thiếu mangan và phải tháo toàn bộ vỏ thép ra thay, Cty TNHH Đại Nguyên Dương sẽ đưa 5 con tàu này về trụ sở Cty Đại Nguyên Dương ở Nam Định để tháo ra thay thế, bởi cảng Tam Quan ở Bình Định điều kiện lao động, kỹ thuật không đảm bảo.
"Nếu khẳng định không phải thép cấp A thì chúng tôi sẽ tháo ra thay lại. Mà khi tôi đã thay thì tôi sẽ kiện. Bởi tôi đóng tàu có dấu xác nhận của đăng kiểm, giờ bắt chúng tôi tháo ra thì phải chịu trách nhiệm. Ông cho tôi đóng giờ ông bắt tôi thay là sao?" - ông tuyên bố.
Trao đổi với PV Báo lao Động sáng 27.8, ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - nêu rõ: Trách nhiệm chính trong việc này thuộc về Cty TNHH Đại Nguyên Dương.
"Sai phạm của Cty TNHH Đại Nguyên Dương đã rõ ràng: Hợp đồng ký là loại thép này nhưng khi đóng tàu lại dùng loại thép khác.
Mặc dù loại thép này cũng đạt chuẩn A, nhưng giá thành hai loại thép này khác nhau, chất lượng hai loại thép này cũng khác nhau".
Trước thông tin đại diện Cty TNHH Đại Nguyên Dương sẽ kiện Trung tâm đăng kiểm - Bộ NN&PTNT và các ngư dân, ông Trần Châu cho rằng, chủ trương đóng tàu vỏ thép cho ngư dân vươn khơi là thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN&PTNT.
Đây là chủ trương đúng đắn, khi triển khai đóng tàu vỏ thép, các Cty phải thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật để đảm bảo chất lượng.
"Cơ quan đóng tàu là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong vấn đề này" - ông Trần Châu khẳng định.
Ngày 27.8, PV Báo Lao Động đã liên hệ với Thứ trưởng Bộ NN&TPT Vũ Văn Tám về các nội dung nêu trên.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định: "Ông Lê Văn Thực nói ông không kiện Bộ NN&PTNT mà là kiện Trung tâm Đăng kiểm. Vì vậy, tôi không có ý kiến về việc này".
Trước đó, kết quả giám định hồi tháng 6.2017 của tổ thẩm định độc lập tỉnh Bình Định đã xác định cả 5 tàu đánh cá do Cty Đại Nguyên Dương đóng đều bằng thép Trung Quốc, trong khi chứng thư thẩm định giá, biên bản xác nhận khối lượng thực hiện, chứng từ thanh toán đều ghi là "thép Hàn Quốc".
Kết quả giám định cũng xác định có ba tàu có mẫu không đạt thép thường cấp A. Kết quả kiểm định lại của Vinacontrol có bảy mẫu của bốn con tàu không đạt thép cấp A do hàm lượng mangan thấp hơn quy định.
Xung quanh việc sửa chữa các con tàu này, Cty Đại Nguyên Dương xin chỉ thay các tấm thép lấy mẫu bị thiếu hàm lượng mangan bằng thép Hàn Quốc đạt chuẩn.
Phần còn lại chỉ sửa chữa, sơn lại. Đồng thời sẽ hoàn trả cho ngư dân giá trị chênh lệch giữa thép Hàn Quốc và thép Trung Quốc. L.V