Vào ngày 28/7, Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) thứ hai trong vòng 3 tuần gần đây, qua đó càng tiến gần đến mục tiêu có được một loại vũ khí hạt nhân có thể bắn tới Mỹ. Một trong những nguyên nhân Triều Tiên vẫn có thể phát triển tên lửa đạn đạo là bởi chính sách trừng phạt của Mỹ, vốn có mục đích cô lập Triều Tiên, đang có những lỗ hổng lớn. Mặc dù Mỹ cuối cùng đã áp dụng chính sách gây sức ép tối đa cho Triều Tiên, song trong quá khứ những gì Mỹ và các đồng minh đã làm khiến Bình Nhưỡng tiếp tục có những bước tiến trong việc phát triển vũ khí.
Trong vòng hơn một thập kỷ, dưới thời các Tổng thống Mỹ George W. Bush và Barack Obama, Mỹ đã để mặc và thậm chí còn trực tiếp khiến những chính sách trừng phạt đối với Triều Tiên trở nên yếu kém. Cụ thể, chính quyền Obama đã thực hiện chính sách “kiên nhẫn chiến lược” và không gây đủ sức ép lên Triều Tiên. Điều này cũng khiến nhiều quốc gia khác mềm mỏng hơn với Triều Tiên.
Trên thế giới, ví dụ về sự mềm mỏng này có thể thấy rõ. Đầu năm nay, chính phủ Bỉ đã cho phép các ngân hàng Triều Tiên bị Mỹ trừng phạt có thể tiếp cận SWIFT, dịch vụ liên lạc bảo mật giúp các ngân hàng có thể trao đổi thông tin về các hoạt động giao dịch một cách an toàn. Một nhóm hacker được cho là của Triều Tiên đã có âm mưu đánh cắp 1 tỉ USD từ ngân hàng trung ương Bangladesh và lấy được 81 triệu USD nhờ hệ thống SWIFT này.
Một số đối tác của Mỹ tại Trung Đông cũng cần phải được Mỹ cảnh báo. Các nước Kuwait, Oman, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đều đang cho phép người lao động Triều Tiên làm việc. Theo một báo cáo phân tích, Triều Tiên đã nhận được ít nhất 500 triệu USD từ những người lao động hải ngoại, trong đó có cả 6.000 người đang làm việc ở Trung Đông (tổng số người lao động Triều Tiên ở nước ngoài là vào khoảng 50.000 người). Khoản tiền này được Liên Hợp Quốc cho là được dùng để phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Tuần qua, Quốc hội Mỹ đã gửi một dự luật cho phép Tổng thống Mỹ có thể áp dụng các hình thức trừng phạt đối với các quốc gia đang sử dụng người lao động Triều Tiên. Hãng tin AP cho biết người Triều Tiên đã tham gia vào dự án mở rộng căn cứ không quân Al-Dhofar ở UAE, nơi quân đội Mỹ đang sử dụng để chống lại IS. Thêm vào đó, khoảng 1.000 người lao động Triều Tiên được cho là sẽ có mặt tại quốc gia này. Chính quyền Trump cần phải cảnh báo các nước Vùng Vịnh rằng nếu họ tiếp tục sử dụng người Triều Tiên, họ sẽ phải chịu các hình thức trừng phạt nhất định.
Triều Tiên vẫn có thể phát triển tên lửa đạn đạo nhờ có những lỗ hổng trong các lệnh trừng phạt.
Tại Châu Á, Singapore là một trong những đối tác Mỹ có thể sẽ bị liên lụy vì Triều Tiên. Tuần trước, một công ty Singapore được cho là có quan hệ với các cấp lãnh đạo Triều Tiên và chuyên cung cấp các mặt hàng sang trọng cho họ. Hai năm trước, hãng Chinpo Shipping của Singapore cũng bị cáo buộc hỗ trợ vận chuyển vũ khí tới Triều Tiên cũng như giúp xử lý hơn 40 triệu USD của Triều Tiên có được từ các hoạt động được cho là bất hợp pháp.
Trong khi đó, Mỹ tin rằng Trung Quốc là yếu tố lớn nhất đang cản trở lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Một số nguồn tin cho biết, các ngân hàng Trung Quốc đã thay mặt Triều Tiên thực hiện các hoạt động giao dịch có tổng tiền lên đến 2,2 tỉ USD. Không chỉ có vậy, các tên lửa ICBM của Triều Tiên được cho là được vận chuyển bởi các loại xe tải được sản xuất tại Trung Quốc.
Sau cùng, Triều Tiên đang phụ thuộc vào một mạng lưới thương mại khổng lồ, giúp họ có thể phát triển tên lửa, sở hữu những mặt hàng sang trọng và thu về những khoản lợi nhuận lớn. Chính quyền Trump có thể có những biện pháp nhất định để ngăn chặn điều này, tuy nhiên thời gian đang ngày càng trở nên gấp rút hơn trước.