Trải qua "một trận đau đớn", quân đội Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa với châu Á?

Nhà báo Kiều Tỉnh |

Cuộc cải tổ quân đội mà ông Tập Cận Bình tiến hành trong nhiệm kỳ đầu tiên được coi là cuộc cách mạng của Quân đội Trung Quốc kể từ năm 1949 tới nay.

"Một trận đau đớn" của PLA

Thượng tướng Lưu Á Châu phát biểu tại Hội nghị quân ủy trung ương Trung Quốc về cải cách quân đội tháng 12/2016, gọi đây là "cuộc cách mạng đối với quân đội".

"Cuộc cải cách này không chỉ liên quan tới sự tồn vong của quân đội mà liên quan tới sự tồn vong của đất nước. Bởi vậy trong quá trình sẽ gặp không ít lực cản," ông nói.

Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan của đảng Cộng sản Trung Quốc, trong bài viết dịp kỷ niệm 89 năm thành lập Quân giải phóng nhân dân (PLA) ngày 1/8/2016, viết "Cuộc cải cách này sẽ giải quyết được những vấn đề mà từ nhiều năm qua chúng ta muốn thực hiện nhưng không làm nổi".

Theo tờ này, chiến dịch cải tổ PLA của ông Tập sẽ đụng chạm tới trung khu thần kinh nhạy cảm nhất và các khu tác chiến, đụng chạm tới rất nhiều vấn đề và phạm vi ảnh hưởng rất lớn, đụng chạm tới rất nhiều lợi ích và nó sẽ là "một trận đau đớn rất nặng của quân đội".

Tướng Ngụy Phụng Hòa, Ủy viên Quân ủy trung ương, Tư lệnh lực lượng tên lửa được thành lập trong PLA qua cải tổ, gọi đây "là cuộc lột xác thay da đổi thịt của thể chế quân đội".

Thượng tướng Phòng Phong Huy, Ủy viên quân ủy trung ương, cho rằng "dù phương án cải cách có chi tiết tới đâu, các biện pháp có cụ thể tới mức nào thì cũng không thể làm cho mọi người vừa lòng".

Theo báo chí Trung Quốc, cuộc cải tổ PLA đụng chạm tới lợi ích của ít nhất 170.000 sĩ quan từ cấp Trung úy tới Đại tá, nhất là trong Lục quân và các đơn vị phi chiến đấu, nên nhiều tướng lĩnh sĩ quan đều lo ngại và do dự.

Báo Giải phóng quân của PLA tháng 11/2015 viết: "Nếu so đo tính toán thiệt hơn này nọ mà không dám dứt khoát cải cách thì sẽ mang tội ngàn thu".

Trải qua một trận đau đớn, quân đội Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa với châu Á? - Ảnh 1.

PLA khoe các khí tài hiện đại hôm 30/7 (Ảnh: Xinhua)

PLA thành mối đe dọa với châu Á, Mỹ và đồng minh

Dư luận các nước nhìn chung đều cho rằng đây là cuộc cải cách điều chỉnh quy mô lớn của quân đội Trung Quốc theo mô hình tổ chức, biên chế của Mỹ và Phương Tây. Sau khi hoàn thành, PLA sẽ có biên chế gọn, nhẹ, cơ động hơn, nâng cao đáng kể năng lực chỉ huy cũng như tính chuyên nghiệp của quân đội.

Khả năng tác chiến theo đó được nâng lên, bao gồm tác chiến ở xa. Điều này trở thành mối đe dọa đối với các nước láng giềng và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, kể cả đối với quân đội Mỹ cùng đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc.

Giáo sư người Mỹ gốc Hoa Dư Mậu Xuân, thuộc Học viện Hải chiến Hoa Kỳ, chuyên gia về vấn đề quân sự Trung Quốc ngày 2/2/2016 cho rằng, trong hơn 25 năm, lãnh đạo Trung Quốc chú trọng tới phát triển "phần cứng" của quân đội là vũ khí trang bị, nhưng "phần mềm" là tổ chức biên chế lại lạc hậu.

Mục tiêu cải cách của ông Tập chú trọng chỉnh đốn lại các quân binh chủng, và phân phối lại nguồn tài nguyên chiến lược, do đó lần cải cách này mang ý nghĩa rất quan trọng về quân sự.

Ông Dư cho rằng dù bề ngoài cải tổ PLA phát triển theo mô hình quân đội Mỹ, nhưng hai mô hình này có những điểm khác nhau căn bản, nhất là chức năng của quân đội, và quan hệ giữa quân đội với Trung Nam Hải. Vấn đề đánh giá và ý tưởng chiến lược cơ bản đối với chiến tranh hiện đại giữa hai nước cũng khác nhau.

Chức năng của quân đội Mỹ và Trung Quốc khác nhau rất lớn. Cuộc cải tổ của Tập Cận Bình cho thấy vai trò của chính ủy chẳng những không thay đổi, mà trái lại vẫn được đặt ở địa vị rất cao, còn quân đội Mỹ không có biên chế chính ủy.

Ngoài ra, từ trước tới nay mô hình tổ chức của quân đội Mỹ đã được thử nghiệm qua rất nhiều cuộc chiến tranh, nên có nhiều kinh nghiệm, luôn được điều chỉnh và huấn luyện cho phù hợp với thực tế, còn đối với quân đội Trung Quốc đã thiếu kinh nghiệm thực chiến trong khoảng hơn 3 thập kỷ qua.

Trải qua một trận đau đớn, quân đội Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa với châu Á? - Ảnh 2.

Dư luận Nhật Bản chú trọng nhiều tới việc Trung Quốc cơ cấu 7 Đại quân khu thành 5 Khu tác chiến lớn: Khu tác chiến miền Đông nhắm vào Nhật và Đài Loan; Khu tác chiến miền Nam nhắm vào Biển Đông; Khu tác chiến miền Bắc nhằm vào Triều Tiên và sự đột biến của Nga; Khu tác chiến miền Tây chủ yếu nhằm vào Ấn Độ và ổn định tình hình các khu tự trị Tân Cương, Tây Tạng; Khu tác chiến Trung Tâm bảo vệ thủ đô Bắc Kinh và vùng phụ cận.

Các nước nhìn chung đều cho rằng qua cuộc cải tổ toàn diện sâu rộng đối với PLA, về cơ bản ông Tập Cận Bình đã kiểm soát được quân đội. Hội nghị toàn thể trung ương 6 Khóa 18 của ĐCSTQ họp tháng 10/2016 đã xác lập ông là "lãnh đạo hạt nhân" và ghi thành nghị quyết của đảng.

Điều này chứng tỏ địa vị và quyền lãnh đạo của ông Tập đối với xã hội Trung Quốc nói chung và đối với quân đội nói riêng đã được củng cố, dọn đường cho ông có nhiệm kỳ thứ hai thuận lợi sau Đại hội 19 của đảng, dự kiến họp vào cuối năm 2017./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại