Fox News dẫn nhận định trên của nhiều quan chức Mỹ, những người đang dự đoán về việc Mỹ sẽ tăng cường quân đội ở đây.
Đột phá về quân sự
Ba Lan, nơi giáp ranh với lãnh thổ Nga, đang gia tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng. Và Tổng thống Trump cũng đã cam kết trú đóng 2.000 quân tại Ba Lan, thêm vào con số 4.000 binh lính đã ở đó.
Chính phủ Ba Lan đã đề nghị chi 2 tỷ USD cho một căn cứ hoặc một số cơ sở để đón thêm binh lính Mỹ. Ban Lan cũng đang tiến hành mua 32 máy bay chiến đấu F-35A từ Hoa Kỳ.
"Nhìn vào vấn đề từ góc nhìn của Mỹ, Ba Lan nằm ở trung tâm bên sườn phía Đông. Bạn không thể nghĩ đến một sự răn đe hiệu quả nào mà không có Ba Lan", ông Tomasz Szatkowski, đại sứ Ba Lan tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO cho hay.
"Chúng tôi ủng hộ Hoa Kỳ. Chúng tôi hiểu việc chia sẻ gánh nặng, điều tôi nghĩ đang làm cho chúng tôi trở thành một đối tác tốt cho Hoa Kỳ. Theo quan điểm của tôi, đây là lợi ích chung trong vấn đề an ninh", ông nói thêm. Không có sự răn đe nào tốt hơn đối với hành xử leo thang và khả năng quân sự mạnh của Nga. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi muốn khiêu khích Nga. Tình huống không phải như vậy. Vấn đề ở đây là một chính sách có trách nhiệm".
Trước đó, trang National Interest NI đã nhận định, mặc dù sự hiện diện của Washington có thể không xuất hiện dưới hình thức "Pháo đài Trump" của Warsaw, tuy nhiên, họ sẽ thiết lập một nền tảng cố định hơn về hỗ trợ an ninh của Hoa Kỳ đối với Ba Lan như là bổ sung thêm một lớp phòng thủ chống lại Nga.
Ba Lan tìm cơ hội với Mỹ
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda dự kiến sẽ đến Hoa Kỳ vào cuối tuần này. Chuyến thăm diễn ra chỉ vài tuần sau khi Phó Tổng thống Pence đến thăm Ba Lan vào ngày 1/9 để tham dự sự kiện đánh dấu thời điểm Thế chiến II nổ ra 80 năm trước.
Tại Ba Lan, ông Pence đã kêu gọi các đồng minh thực hiện nghĩa vụ quốc phòng của họ. Chính sách của NATO kêu gọi mỗi quốc gia trong số 28 quốc gia thành viên đầu tư 2% tổng sản phẩm quốc nội của mình vào quốc phòng. Nhưng Hoa Kỳ và Ba Lan là hai trong số bảy quốc gia duy nhất đáp ứng nghĩa vụ đó – điều Mỹ thường gọi là chia sẻ gánh nặng.
Trong Chiến tranh Lạnh, Ba Lan là một phần của liên minh do Liên Xô đứng đầu nhằm đối trọng với NATO, được gọi là Hiệp ước Warsaw. Vào tháng 6, đất nước này đã đánh dấu 30 năm Đông Âu sụp đổ năm 1989 và 20 năm kể từ khi trở thành thành viên NATO vào năm 1999.
Theo thỏa thuận trong nội bộ NATO, nếu một thành viên bị tấn công, các thành viên khác sẽ phải hỗ trợ.
Chiến tranh thế giới thứ hai chắc chắn đã để lại những vết sẹo, Szatkowski nói. Đại sứ cũng nhấn mạnh Ba Lan không nghĩ quá về kịch bản Tổng thống Nga Vladimir Putin thực sự tấn công nước này nhưng sau những hành động của Nga đối với Gruzia và Ukraine thì liên minh NATO không thể bác bỏ khả năng trên.
"Chúng tôi không muốn phóng đại quá mức, nhưng bản thân NATO phải nhận ra sức nặng của việc Nga đã đầu tư trong gần 20 năm để mở rộng năng lực quân sự. Sức mạnh răn đe cho phép bạn tiến vào được quá trình đối thoại", ôngSzatkowski nói. "Chúng tôi và NATO cũng cần thận trọng để chuẩn bị và cũng là để tham gia hiệu quả hơn vào cuộc đối thoại".
Lo ngại về Nga
Trong khi đó, người dân ở Ba Lan bày tỏ một số quan điểm khác nhau về sự hiện diện quân sự gia tăng của Mỹ.
"Tôi muốn có thêm quân đội từ Hoa Kỳ, để chúng tôi có thể cảm thấy an toàn. Chúng tôi không bao giờ thích người Nga và luôn cảm thấy gần gũi với người dân Hoa Kỳ", ông Malgorzata Michalek, ở Sandomierz, một thị trấn ở phía đông nam Ba Lan cho biết.
Tuy nhiên, Jarey Baster, ở Tarnobrzeg, một thành phố ở miền đông nam Ba Lan, lo lắng việc tăng cường lực lượng quân đội Hoa Kỳ có thể gây ra những hậu quả không lường trước được.
"Nếu chúng tôi để lính Mỹ đến đây, tôi lo lắng liệu Nga sẽ làm gì nếu họ lo ngại. Nga có thể đưa quân đội của họ đến gần Ba Lan hơn", Baster nói.
Bất kể thỏa thuận quốc phòng mới tiềm năng của Warsaw và Washington ra sao, bất kỳ sự gia tăng nào về vị thế quân sự của Hoa Kỳ ở Ba Lan - dù nhỏ đến đâu - đều sẽ thúc đẩy Nga xây dựng vị thế quân sự của riêng mình.
Một địa điểm tiềm năng cho sự gia tăng quân sự như vậy sẽ là Belarus, một trong những đối tác quốc phòng quan trọng của Nga với tư cách là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể do Moscow đứng đầu.
Nga từ lâu đã coi người láng giềng phía tây là nơi mở rộng chỗ đứng quân sự của mình, đặc biệt dưới dạng căn cứ không quân ở gần biên giới của Belarus với Ba Lan. Do đó, việc đóng quân lâu dài của lực lượng Hoa Kỳ ở Ba Lan - dù nhỏ đến đâu - có thể cung cấp cho Moscow động lực cần thiết để hành động dựa trên những nỗ lực đó.