Để cố gắng ngăn chặn mối đe dọa quân sự từ Nga và những nỗ lực của Matxcơva nhằm làm suy yếu nền dân chủ châu Âu, Ba Lan đang dần trở thành thành viên chủ lực của NATO - tờ National Interest viết.
Nếu lấy GDP làm thước đo, Ba Lan thực sự đang chi nhiều tiền cho quốc phòng hơn các tất cả các quốc gia khác trong Liên minh. Ngoài ra, Ba Lan hiện còn đang thực hiện một chương trình toàn diện nhằm hiện đại hóa quân đội, và trong tương lai, nước này nhiều khả năng sẽ trở thành đối trọng lớn của Nga – tác giả của bài phân tích cho biết.
Tại Ba Lan, Mỹ cũng đang có ý định cho triển khai thêm quân đội tới nhằm tăng cường sự hiện diện của mình trong tương lai. Vai trò quan trọng đó của Ba Lan đối với Mỹ mới đây đã được nhấn mạnh bằng chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.
National Interest lưu ý rằng, từ góc độ địa lý, Ba Lan là nơi thuận tiện nhất để NATO triển khai ý đồ chống lại mối đe dọa quân sự từ Nga. Ba Lan tiếp giáp với Belarus - trên thực tế là một đồng minh quân sự của Điện Kremlin, với Ukraine - mục tiêu tấn công tiềm năng nhất của Matxcơva, và khu vực Kaliningrad - nơi tập trung sức mạnh quân sự của Nga. Theo lập luận của các nhà phân tích chính trị, trong trường hợp Nga tấn công Ukraine, NATO sẽ thực hiện các hành động đáp trả chính từ lãnh thổ Ba Lan.
Ba Lan hiểu tất cả điều này, do đó nước này tăng quy mô quân đội của mình lên 30%. Ngoài ra, Warsaw cũng cho xây dựng các lực lượng phòng thủ mặt đất đủ sức đối phó với lực lượng đổ bộ và lực lượng đặc nhiệm của Nga. Theo một chương trình mới, đến trước năm 2026, Ba Lan dự tính chi khoảng 50 tỷ USD vào việc mua máy bay chiến đấu, máy bay không người lái, máy bay trực thăng đổ bộ, tên lửa tầm ngắn, tàu ngầm và đảm bảo an ninh mạng.
Là một thành viên của Liên minh châu Âu, Ba Lan đôi lúc cũng buộc phải mua vũ khí châu Âu, nhưng lại không phải là những thứ có chất lượng tốt nhất so với giá. Do đó, Warsaw đã lựa chọn Patriot của Mỹ, thay vì một sự lựa chọn khác từ châu Âu. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Ba Lan cũng bày tỏ sự quan tâm đến nhiều loại vũ khí khác của Mỹ.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất lại là việc Ba Lan đồng ý cho các đơn vị quân đội Mỹ triển khai trên lãnh thổ của mình. Thỏa thuận giữa hai bên cũng xem xét thiết lập hệ thống cơ sở hạ tầng để phục vụ việc triển khai binh lính theo cơ chế luân phiên. Và Warsaw cũng cam kết sẽ hỗ trợ cả về tài chính lẫn các trang thiết bị vật chất.
Tác giả của bài phân tích cũng lưu ý rằng, Ba Lan từ lâu đã mong muốn sự hiện diện của người Mỹ trên lãnh thổ của mình là thường trực. Đó là lý do vì sao đối với Mỹ, mọi thứ đều có vẻ thuận lợi hơn, và Ba Lan luôn nhận là bên chi trả các khoản phí bổ sung. Với sự tăng cường đó, người Mỹ sẽ có thêm kênh để thu thập thông tin tình báo về các động thái của Nga và nghiên cứu các vùng lãnh thổ có khả năng sẽ trở thành chiến trường.
Tuy nhiên, National Interest cũng cho biết, đây có thể chỉ là phần khởi đầu trong kế hoạch của Mỹ và các đồng minh nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của mình để đối phó Nga. Nhiều khả năng, trong tương lai, người ta sẽ thấy một sự xuất hiện toàn diện của quân đội Mỹ ở Ba Lan, trong đó có cả các loại vũ khí hỏa lực tầm xa, hệ thống phòng thủ tên lửa, cũng như chiến đấu cơ thế hệ thứ năm.