Đòn nghi binh chiến lược của xe tăng Việt Nam: Xe hỏng cũng làm nên chuyện lớn!

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Chỉ một đại đội xe tăng hỏng, nhưng đã khiến cho đối phương lầm tưởng là cả trung đoàn tăng mạnh đang ầm ầm áp sát Kon Tum và Pleiku. Địch đã mắc mưu ta!

Bộ đội xe tăng Việt Nam hôm nay

Bộ đội xe tăng Việt Nam hôm nay

Mỗi dịp "tháng ba mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước", những người cựu chiến binh từng một thời ngang dọc trên mặt trận Tây Nguyên lại bồi hồi nhớ về chiến trường xa.

Đòn nghi binh chiến lược của xe tăng Việt Nam: Xe hỏng cũng làm nên chuyện lớn! - Ảnh 1.

Tháng ba cũng là tháng mở màn chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, khởi đầu cho chuỗi các chiến dịch tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Về mặt nghệ thuật quân sự, dấu ấn nổi bật của chiến dịch Tây Nguyên là nghi binh.

Nghi binh là hành động tác chiến đánh lừa đối phương thường thấy xưa nay trong các cuộc chiến tranh.

Đó là hành động tác chiến giống như thật, khiến đối phương không nhận ra ý đồ, dẫn đến mất chủ động trong đối phó và thất bại.

Trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, hoạt động nghi binh đã được đẩy lên tầm nghệ thuật và đã góp phần đắc lực vào thắng lợi của chiến dịch.

Từ nghi binh chiến lược ...

Cái hay nhất của hoạt động nghi binh trong chiến dịch Tây Nguyên là phía quân đội Sài Gòn, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Quân đoàn 2 không hề hay biết ý đồ thật của Quân giải phóng.

Họ vẫn cứ chắc như đinh đóng cột rằng mục tiêu chủ yếu của chiến cuộc Xuân Hè 1975 tại Cao Nguyên là Kon Tum, Pleiku ở Bắc Tây Nguyên!

Trong khi đó, mục tiêu chủ yếu có ý nghĩa quyết định của chiến dịch này lại là Ban Mê Thuột ở Nam Tây Nguyên.

Để đạt được hiệu quả, khiến đối phương nhầm lẫn như vậy, đã có rất nhiều hoạt động nghi binh lừa địch được sử dụng trong quá trình chuẩn bị cho trận đánh then chốt quyết định này, cả ở tầm chiến lược và chiến dịch.

Ở tầm chiến lược, Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ thị cho mặt trận Trị Thiên và Đông Nam Bộ tăng cường hoạt động.

Vì vậy, những lực lượng trù bị mạnh nhất của quân đội Sài Gòn đều bị trói chân ở các địa bàn này: Sư đoàn Dù phải tập trung bảo vệ Sài Gòn, Sư đoàn Thủy quân lục chiến thì không thể rời vùng giới tuyến Quân khu 1...

Không chỉ vậy, Binh đoàn Quyết Thắng (Quân đoàn 1) của ta cũng được lệnh cơ động áp sát vĩ tuyến 17 và đã tạo một áp lực không nhỏ lên giới lãnh đạo chóp bu Sài Gòn.

Đòn nghi binh chiến lược của xe tăng Việt Nam: Xe hỏng cũng làm nên chuyện lớn! - Ảnh 3.

Xe tăng Việt Nam tham gia chiến dịch Tây Nguyên

... Đến nghi binh chiến dịch

Còn ở tầm chiến dịch, cũng có rất nhiều hoạt động nghi binh lừa địch đã được tiến hành.

Để giữ bí mật cho quá trình điều binh về phía nam Tây Nguyên, các đài trạm và nhân viên vô tuyến điện của các sư đoàn bộ binh 10, 320 vẫn được giữ nguyên vị trí và lên sóng thường xuyên như bình thường, làm cho tình báo Sài Gòn tưởng các đơn vị này vẫn ở nguyên chỗ cũ.

Không chỉ chơi "trò chơi điện tử", Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên còn sử dụng cả các hành động quân sự thực tế để tăng sức nặng cho quá trình nghi binh lừa địch của mình như mở đường, tập kích hỏa lực, thậm chí tổ chức tiến công ... dường như đang "bóc vỏ" để nhắm tới Kon Tum và Pleiku..

Bộ Tư lệnh chiến dịch đã dành hẳn một sư đoàn bộ binh chuyên thực hiện nhiệm vụ này. Đó là Sư đoàn bộ binh 968. Vốn thuộc biên chế Đoàn 559, thường hoạt động bên Lào, cuối năm 1974, Sư đoàn 968 được Bộ điều về tăng cường cho mặt trận Tây Nguyên.

Bước vào chiến dịch, Sư đoàn 968 nhận nhiệm vụ "đánh 1, la 10" làm cho quân địch rối như mớ bòng bong, không biết đâu mà lần.

Mở đầu cho chuỗi trận đánh nghi binh, lừa địch là trận tiến công Đồn Tầm, Chốt Mỹ ngày 01/03/1975. Tiếp đó là một loạt các hành động khác như: vây diệt điểm cao 605, uy hiếp quận lỵ Thanh An; tập kích hỏa lực vào Chư Kara; đưa lực lượng chiếm giữ Chư Gôi; tiếp tục đánh địch trên đường 5A, 5B ...

Cùng với các đòn tiến công của bộ binh, quân ta còn phát động các hoạt động nghi binh khác như cho pháo binh tập kích hỏa lực (giả vờ như có sự xuất hiện của lựu pháo 130mm), cho công binh làm đường cơ động giả, phát động quần chúng đấu tranh, chuẩn bị tải gạo cho bộ đội …

Tất cả mọi dấu hiệu đều cho thấy cuộc tiến công của Quân giải phóng sẽ nhắm vào Kon Tum và Pleiku ở Bắc Tây Nguyên. Trong khi đó, các sư đoàn chủ lực của mặt trận Tây Nguyên, cùng với một lực lượng xe tăng mạnh nhanh chóng cơ động trong âm thầm về phía Nam Tây Nguyên.

Đòn nghi binh chiến lược của xe tăng Việt Nam: Xe hỏng cũng làm nên chuyện lớn! - Ảnh 5.

Xe tăng Việt Nam dẫn dắt bộ binh tiến công trong chiến dịch Tây Nguyên

Xe tăng Việt Nam cũng nghi binh: Xe tăng hỏng vào cuộc!

Trong quá trình tiến hành nghi binh, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên cũng rất kín kẽ khi quyết định sử dụng một đại đội xe tăng tham gia vào hoạt động này.

Sở dĩ phải dùng cả xe tăng tham gia nghi binh, là bởi phía quân đội Sài Gòn đã biết rõ là Quân Giải phóng đã có xe tăng ở Tây Nguyên từ năm 1969, và lực lượng xe tăng liên tục được bổ sung vào chiến trường này.

Từ Tây Nguyên, các đơn vị xe tăng Việt Nam sẽ tiến xuống địa bàn Khu 5, vùng miền Đông Nam Bộ. Cũng có nhiều đơn vị xe tăng ở lại với Tây Nguyên, để hình thành binh đoàn xe tăng của mặt trận: Trung đoàn xe tăng 273.

Trong mắt các sĩ quan quân đội Sài Gòn: Ở đâu "cộng sản" đánh lớn là ở đó có xe tăng. Nên nếu nghi binh đánh lớn, mà ở Bắc Tây Nguyên lại không có xe tăng thì không hợp lý.

Bởi vậy, ngay từ đầu năm 1975, trong khi đại bộ phận Trung đoàn xe tăng 273 bí mật cơ động xuống Nam Tây Nguyên thì phải có một bộ phận lực lượng xe tăng ở lại làm nhiệm vụ nghi binh.

Nhiệm vụ đó được trao cho Đại đội 2 của Tiểu đoàn Xe tăng 1, do Đại đội trưởng Nguyễn Xuân Cử và Chính trị viên Vũ Ngọc Bình chỉ huy.

Thời điểm đó, đây là đơn vị xe tăng đóng quân gần địch nhất ở Bắc Kon Tum, là đơn vị có lực lượng mạnh nhất ở hướng này bởi hầu hết cán bộ, chiến sĩ đã tham gia các trận đánh lớn, có kinh nghiệm chiến trường già dặn.

Tuy nhiên, trang bị của Đại đội Xe tăng 2 thời điểm đó thì khá tệ.

Xe pháo của đại đội đã tham gia từ chiến dịch đường 9 - Nam Lào 1971, chiến dịch Xuân - Hè 1972 nên đã rất cũ, nhiều xe đã hết giờ bảo hiểm động cơ như xe 328, mỗi khi nổ máy thì bậm bà bậm bạch, khói xả đen xì.

Không chỉ vậy, trải qua chiến đấu và điều kiện bảo đảm, sửa chữa khó khăn trong chiến trường, nhiều xe trong đại đội bị hư hỏng nặng như: xe 712 bị cụt nòng pháo do mảnh bom, chiến sĩ ta phải cắt đi một đoạn; xe 325 thì bị cháy tiết chế nên không sử dụng được thiết bị điện, xe 313 thì không có bình điện để thay v.v...

Tuy điều kiện khó khăn như vậy, song cán bộ chiến sĩ toàn đại đội đã hết sức mưu trí, linh hoạt, tích cực đào sâu suy nghĩ tìm ra nhiều biện pháp sáng tạo để khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Căn cứ vào yêu cầu của trên và tình hình địch, đại đội đã xây dựng một kế hoạch hoạt động nghi binh rất hợp lý, với mục tiêu cho kẻ địch thấy sự hiện diện của xe tăng, cũng như có sự điều động xe tăng rất mạnh mẽ tại địa bàn Bắc Tây Nguyên.

Đòn nghi binh chiến lược của xe tăng Việt Nam: Xe hỏng cũng làm nên chuyện lớn! - Ảnh 7.

Xe tăng đánh vào trại Mai Hắc Đế

Được sự đồng ý của cấp trên, phối hợp với các đơn vị khác, từ tháng 2 đến đầu tháng 3 năm 1975, Đại đội Xe tăng 2 đã liên tục tổ chức các hoạt động nghi binh của mình.

Có lúc toàn đại đội hành quân trên đường 14 hướng về phía Nam vào giữa ban ngày cách địch chừng vài km rồi dừng lại. Khi màn đêm buông xuống thì lần lượt từng xe rút ra một cách lặng lẽ.

Cũng có khi đại đội hành quân ban đêm với đèn pha bật sáng trưng. Lúc quay về thì lại tắt đèn và nhỏ chân dầu. Lại có bữa đồng loạt nổ máy tại chỗ, rú ga thật to vang dội khắp núi rừng.

Khi không cơ động ở tại vị trí trú quân thì đồng loạt mở máy thông tin vô tuyến lên sóng liên lạc với nhau bằng mật khẩu quy định.

Trong điều kiện của đại đội, để có đủ số xe hoạt động làm nhiệm vụ là việc không hề dễ dàng. Cán bộ chiến sĩ trong đơn vị phải tranh thủ thời gian, phát huy sáng kiến bảo dưỡng, sửa chữa khắc phục những hỏng hóc mới đủ đầu xe hoạt động.

Chỉ một đại đội xe tăng hỏng, nhưng đã khiến cho đối phương lầm tưởng là cả trung đoàn tăng mạnh đang ầm ầm áp sát Kon Tum và Pleiku. Và địch đã mắc mưu ta.

Tất cả các hoạt động trên đã làm cho phía đối phương bị lạc hướng hoàn toàn. Họ đinh ninh rằng các hoạt động quân sự của Quân giải phóng trong chiến cuộc Xuân Hè 1975 sẽ chỉ diễn ra ở Bắc Tây Nguyên mà trọng điểm là Kon Tum và Pleiku.

Chính từ nhận định đó, lực lượng phía quân đội Sài Gòn đã tập trung phòng ngự ở Bắc Tây Nguyên và gần như thả nổi địa bàn Nam Tây Nguyên, trong đó có Ban Mê Thuột đúng như ý đồ của ta.

Vì vậy, khi những chiếc xe tăng của Trung đoàn 273 hùng dũng dẫn dắt bộ binh đánh vào thị xã Ban Mê Thuột, đối phương đã hoàn toàn bị bất ngờ. Thế trận phòng ngự của địch về sau đã sụp đổ hoàn toàn.

Về phía Đại đội Xe tăng 2, sau khi hoàn thành nhiệm vụ nghi binh trong chiến dịch Tây Nguyên, đã khẩn trương củng cố xe pháo, tiếp tục hành quân vào phía Nam để kịp thời tham gia trận đánh cuối cùng - chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại