Đối tượng dùng súng khống chế con tin ở Thường Tín sẽ bị xử lý như thế nào?

Hoàng Hải |

Hơn 1 giờ sau khi gây ra vụ việc, đối tượng dùng súng khống chế nữ nhân viên Viện Pháp y Tâm thần Trung ương đã bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Liên quan đến vụ việc chị Lê Thị Hà (điều dưỡng thuộc Viện Pháp y Tâm thần Trung ương, tại huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) bị Trần Đức Anh (SN 1994, trú tại quận Ba Đình, TP. Hà Nội) dùng súng khống chế, bắt làm con tin vào sáng 29/10, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng Luật sư TP. Hà Nội.

Luật sư Thơm cho biết, quyền bất khả xâm phạm về thân thể là một trong những quyền tự do cá nhân rất quan trọng của công dân.

Xét hành vi của Trần Đức Anh sử dụng vũ lực khống chế ép buộc nữ nhân viên đã có dấu hiệu phạm tội bắt, giữ người trái pháp luật tại Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Đối tượng dùng súng khống chế con tin ở Thường Tín sẽ bị xử lý như thế nào? - Ảnh 1.

Hàng trăm người dân hiếu kì tập trung theo dõi vụ việc.

Theo luật sư Thơm, trong quá trình điều tra, cơ quan công an cần phải làm rõ tình trạng khi phạm tội của đối tượng để có căn cứ xử lý đúng bản chất vụ việc.

Nếu có căn cứ xác định đối tượng khi thực hiện hành vi phạm tội do sử dụng chất ma tuý bị ảo giác hay say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm theo Điều 14 BLSH về tội bắt, giữ người trái pháp luật. 

Hành vi khống chế con tin bằng súng của Trần Đức Anh vào sáng 29/10, có thể sẽ bị xử lý theo khoản 1, Điều 123 BLHS về tội bắt, giữ giam người trái pháp luật với khung hình phạt cao nhất là hai năm tù giam.

Luật sư Thơm cũng cho biết, hành vi dùng súng giả để khống chế con tin của Trần Đức Anh không bị xử lý hình sự vì đây chủ là một thủ đoạn phạm tội bắt, giữ giam người trái pháp luật.

Đối tượng dùng súng khống chế con tin ở Thường Tín sẽ bị xử lý như thế nào? - Ảnh 2.

Đối tượng khống chế con tin tại cửa hàng hoa.

Có mặt tại Cổng bệnh viện Tâm thần Trung ương vào chiều 29/10, nhiều người dân buôn bán ở đây vẫn chưa hết hoảng sợ cho biết, vào khoảng hơn 9h cùng ngày, họ thấy một thanh niên có khuôn mặt bặm trợm đứng khoác tay qua vai một người phụ nữ trung tuổi.

Lúc đó, nhiều người chỉ nghĩ rằng đây là những người thân thiết hoặc hai chị em đứng đợi xe.

Tới khi nam thanh niên này để lộ con dao đang kề vào cổ người phụ nữ và nhiều bảo vệ của bệnh viện đứng phía sau cổng nhìn hai người này người dân mới hay biết đây là vụ khống chế con tin.

Đối tượng dùng súng khống chế con tin ở Thường Tín sẽ bị xử lý như thế nào? - Ảnh 3.

Viện Pháp y Tâm thần Trung ương nơi Đức Anh bắt khống chế chị Hà.

Trước đó, vào khoảng 8h40 ngày 29/10, Trần Đức Anh vào khu thăm hỏi, tiếp tế cho các bệnh nhân đang điều trị tại Viện pháp y tâm thần Trung ương và yêu cầu các y bác sĩ cho gặp bạn là Trương Kim Hoàng (SN 1996, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang điều trị tại đây.

Do đây là khu điều trị nên các cán bộ phụ trách ở viện không đồng ý, yêu cầu anh ta ra ngoài.

Bị từ chối, nam thanh niên rút một vật giống dạng súng K59 và 1 dao găm khống chế một nữ điều dưỡng, ép đi ra ngoài đường. Sau đó, người này đưa con tin đi về phía một cửa hàng hoa ở thị trấn Thường Tín.

Lực lượng chức năng vận động, khuyên giải đối tượng hạ vũ khí.

Điều 123. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người thi hành công vụ;

d) Phạm tội nhiều lần;

đ) Đối với nhiều người.

3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại