AMI International, một cơ quan tư vấn hải quân có trụ sở tại Bremerton, bang Washington (Mỹ) đã xác định: hiện nay nhu cầu về tàu tiến công nhanh (FAC) có lượng giãn nước dưới 700 tấn, tốc độ khoảng 25 hải lý/giờ (46,3 km/giờ), có hỏa lực mạnh đang tăng nhanh tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, các tàu này tầm hoạt động ngắn, bán kính hoạt động không quá 86 hải lý và chỉ hoạt động trong điều kiện sóng dưới cấp 3, với độ cao sóng là 1,2m.
Thực tế của các mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống mà các quốc gia Châu Á -Thái Bình Dương đang phải đối mặt ngày hôm nay; chẳng hạn như các tranh chấp lãnh hải bao gồm một số khu vực ở Biển Đông và Hoa Đông, cũng như đối phó với nạn cướp biển ở eo biển Malacca cho thấy:
"Đội tàu tiến công nhanh luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ truyền thống ven biển như tuần tiễu, phối hợp với các tàu hộ vệ cũng như tham gia các hoạt động hải quân biển xanh cùng các tàu khu trục và tàu hộ vệ lớn hơn".
Một quốc gia biển có sở hữu đội tàu tiến công nhanh hùng hậu có thể đối phó hiệu quả trên các hướng, nhất là khi lực lượng này tác chiến cùng các tàu khu trục hiện đại hoặc các tàu đổ bộ cỡ lớn. Điều này sẽ gây những đòn bất ngờ cho đối phương, xuất phát từ những ưu điểm của tàu tiến công nhanh.
Do đó trong thời gian gần đây, không chỉ các nước có tiềm lực kinh tế hạn chế, mà ngay cả những quốc gia có tiềm lực quốc phòng mạnh cũng đầu tư phát triển đội tàu tiến công nhanh của mình.
Mặc dù hiện nay có những ý kiến tranh luận gay gắt trong cộng đồng hải quân thế giới có hay không nên phát triển đội tàu tiến công nhanh; nó có còn phù hợp với hải chiến hiện đại?
Tuy nhiên có một xu hướng đã được khẳng định, hiện nay rất nhiều nước ngày càng quan tâm đến các tàu hộ tống nhỏ để đối phó với những mối đe dọa phi truyền thống như chống khủng bố, cướp biển, chống buôn lậu trên biển…
Indonesia
Giống như láng giềng khu vực, Indonesia đặc biệt quan ngại về nạn cướp biển ở vùng biển ven bờ. Bản đồ của Phòng hàng hải quốc tế (International Maritime Bureau - IMB) cho thấy một số lượng đáng kể các cuộc tấn công cướp biển xảy ra ở eo biển Malacca.
Hiện nay, Hải quân Indonesia đang sử dụng 9 chiếc FAC lớp Clurit KCR-40 do công ty đóng tàu trong nước PT Palindo Marine Industries chế tạo từ năm 2014.
KCR-40 là lớp tàu tên lửa tấn công nhanh, có thiết kế rất nhỏ gọn với lượng giãn nước chỉ 250 tấn. Tàu được trang bị 3 động cơ MAN V12, khung thân được chế tạo từ nhôm và các tấm thép độ bền cao. KCR-40 có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 30 hải lý/giờ.
FAC lớp Clurit KCR-40.
Tháng 3/2016, Hải quân Indonesia đã ký một hợp đồng đặt mua một biên đội tàu (4 chiếc) lớp Sampari KCR-60M từ công ty nội địa PT PAL và hợp đồng dự kiến hoàn thành vào năm 2020.
Các tàu lớp Sampari KCR-60M có chiều dài 59,8 mét, tốc độ tối đa 28 hải lý (51km/h); tầm hoạt động có thể đạt tới phạm vi tiêu chuẩn khoảng 2.400 hải lý nếu tàu chạy ở tốc độ 20 hải lý/giờ (37km/h).
Tàu được trang bị một pháo nòng xoay Type 730, đây là hệ thống vũ khí phòng thủ tầm cực gần do Trung Quốc thiết kế và chế tạo, được trang bị trên các tàu chiến do Trung Quốc sản xuất và xuất khẩu. Vũ khí chủ yếu của tàu là tên lửa đối hạm C-705 do Tổng công ty Hàng không Trung Quốc phát triển, nhưng đã chuyển giao công nghệ cho Indonesia.
Những chiếc sau sẽ thay pháo AK-730 bằng pháo Bofors/BAE Systems 57mm. Tàu được trang bị hệ thống quản lý chiến đấu (CMS) cũng do Trung Quốc xây dựng.
Hàn Quốc
Các mối quan ngại về an ninh của Hàn Quốc chủ yếu tập trung vào đội tàu chiến đang tăng nhanh của Triều Tiên. Hiện nay Triều Tiên đang sở hữu một lực lượng tàu hùng hậu gồm 130 tàu đổ bộ đệm khí lớp Kongbang có tốc độ đến 92,6 km/giờ.
Trong bối cảnh này, ngoài mối lo ngại từ các tàu chiến của Triều Tiên, Hàn Quốc còn các mối quan ngại về các mối đe dọa phi truyền thống trong vùng biển ven bờ như buôn lậu. Do vậy Hải quân Hàn Quốc đã đưa ra một chương trình phát triển đội tàu tiến công nhanh để đối phó chủ yếu với những mối đe dọa trên.
Tàu tiến công nhanh của Hàn Quốc.
Theo các phương tiện truyền thông Hàn Quốc đưa tin, tháng 7/2015, Hải quân Hàn Quốc đưa vào sử dụng lớp tàu tiến công nhanh Chamsuri-211 do công ty quốc phòng Hannjin trong nước sản xuất. Lớp tàu này có lượng giãn nước tương đối nhỏ (210 tấn) nhưng có tốc độ tối đa đến 40 hải lý/h (74km/h) nhờ kết hợp máy đẩy giữa động cơ Diesel và Gas Turbine (CODAG).
Vũ khí trên tàu gồm rocket dẫn đường chống hạm cỡ 130 ly để đối phó với tàu đổ bộ đệm hơi có tính cơ động cao và khó bắn trúng của Triều Tiên cũng như để phản công nếu bị tấn công bằng tên lửa.
Ngoài các rocket dẫn đường, tàu Chamsuri-211 còn được trang bị một pháo bắn nhanh 76,2 ly và hai súng máy 12,7 ly được radar hỗ trợ. Dự kiến sẽ đưa vào sử dụng toàn bộ vào năm 2017.
Vùng lãnh thổ Đài Loan
Ở khu vực Đông Á, sự mở rộng và hiện đại hóa của lực lượng Hải quân Trung Quốc là mối quan tâm chính của Đài Loan. Việc vùng lãnh thổ Đài Loan tăng cường sức mạnh quân sự đã làm giới lãnh đạo Trung Quốc "nóng mặt".
Do bị Trung Quốc bao vây về công nghệ quân sự, nên Đài Loan có hướng đi riêng của mình, trong đó họ đặc biệt chú trọng phát triển đội tàu tiến công nhanh.
Đài Loan đang đẩy mạnh việc đóng mới các lớp tàu tấn công nhanh lớp Tuo Jiang của công ty Lung Teh. Những chiếc FAC lớp Tuo Jiang có lượng giãn nước đến 500 tấn, đây là những tàu tiến công nhanh có thể thực hiện nhiệm vụ của một tàu hộ tống nhỏ.
Tàu tấn công nhanh lớp Tuo Jiang
Điều này là rất thực tế vì nó được vũ trang rất mạnh; vũ khí trên tàu gồm một pháo đa nhiệm OTO Melara 76mm và một pháo phòng thủ tầm cực gần Phalanx 20mm, bốn súng máy phòng không 12,7 ly.
Vũ khí chính là 8 tên lửa đối hạm siêu âm Hsiung Feng-II/ III ARH do Viện khoa học và công nghệ Trung Sơn - Đài Loan tự nghiên cứu phát triển, được dẫn đường bằng radar có tầm bắn khoảng 150 km và 2 ngư lôi MK32.
Với sức mạnh của tàu lớp Tuo Jiang, Đài Loan tự tin cho rằng lớp tàu này thực sự là cơn ác mộng với chiến hạm của Trung Quốc khi xảy ra xung đột.
Sự phát triển trong tương lai
Tương lai, những thiết kế kiểu tàu nhỏ có tốc độ cao như lớp Chamsuri-211 của Hàn Quốc vẫn là xu thế phổ biến.
Tuy nhiên thị trường cũng đang chứng kiến sự gia tăng trong các chương trình cho các lớp FAC có xu hướng lớn hơn như những chiếc tàu lớp Tuo Jiang của Đài Loan, nó có thể hoạt động độc lập hoặc chiến đấu trong đội hình. Khi cần thiết có thể sử dụng như một tàu hộ vệ.
Trong khi hải quân nước xanh các nước hướng tập trung vào việc đóng mới những tàu chiến lớn hơn.
Tuy nhiên những chiếc tàu tiến công nhanh sẽ tiếp tục là lực lượng quan trọng đối với hải quân các nước trong khu vực, khi họ phải tìm mối cân bằng để đối phó giữa các mối đe dọa ven biển truyền thống và phi truyền thống cũng như ngân sách quốc phòng bị cắt giảm.
Khám phá sức mạnh tàu tên lửa tấn công nhanh tối tân nhất thế giới
Trong khi đó, những chiếc tàu tiến công nhanh thế hệ mới sẽ tiếp tục hoàn thiện nhờ sự phát triển về công nghệ như chế tạo động cơ, vật liệu chế tạo tàu, khả năng tàng hình và vũ khí.
Điều đó cho phép phát triển các FAC lớn hơn một chút, có thể thực hiện chống hạm tầm xa hoặc thậm chí tấn công các mục tiêu trên mặt đất. Trong tương lai, những tàu tiến công nhanh có thể được trang bị vũ khí laser, pháo điện từ, thậm chí nó có thể phóng được cả tên lửa đạn đạo.
Như vậy cuộc đua phát triển lớp tàu tiến công nhanh sẽ ngày càng trở lên gay gắt, trở thành một thành phần quan trọng trong xây dựng lực lượng hải quân hiện đại.