Điểm danh những giai đoạn Bắc Kinh được chọn là kinh đô
Thành Bắc Kinh phía nam có Thiên Đàn (đàn tế trời), phía bắc có Địa Đàn, mặt đông có Nhật Đàn, phía tây là Nguyệt Đàn. Cùng với đó còn có Chu Tước ở phía trước, Huyền Vũ trấn phía sau, bên trái có Thanh Long, mạn phải là Bạch Hổ.
Có thể nói Bắc Kinh - thành phố có hơn 3000 năm lịch sử được chọn là trung tâm chính trị, quân sự trọng yếu cũng có một phần liên quan tới địa thế phong thủy này.
Từ khi Chu Vũ Vương ban mảnh đất này cho hậu duệ vua Nghiêu, nơi đây có tên là Kế Châu. Sau này, nước Yên coi Kế Châu là kinh đô. Đến đời nhà Liêu, nơi đây tiếp tục được chọn làm thủ phủ, đổi tên thành Yên Kinh.
Vào năm 1153, nhà Kim dời đô về Bắc Kinh, đổi tên thành Trung Đô. Nơi đây từ đó cũng trở thành trung tâm chính trị.
Nhà Nguyên khi định đô tại đây đã đổi tên vùng đất này thành Đại Đô, dùng nguyên tắc “tiền triều hậu thị, tả tổ hữu xã” (trước là hoàng cung, sau là thành thị, bên trái xây điện thờ tổ, bên phải xây đàn xã tắc) để kiến thiết và tạo dựng quy mô của thành Bắc Kinh.
Minh triều lúc đầu định đô tại Nam Kinh, đã tiến hành dỡ bỏ cung điện cũ của Nguyên triều, đem bắc thành chuyển dời theo hướng nam để triệt hạ vương khí của triều đại trước.
Tuy nhiên, Minh Thành Tổ sau đó đã quyết định dời đô về Bắc Kinh và di chuyển trục kinh thành 150m về phía đông, xây dựng thành mới trên trục lộ này.
Tại phía bắc, ông còn xây Cảnh Sơn để trấn vương khí nhà Nguyên, cũng là tạo thế phong thủy cho nhà Minh vững bền và ổn định.
Đến thời nhà Thanh, Bắc Kinh vẫn được chọn làm kinh đô, còn được xây thêm Địa Đàn, Nhật Đàn, Nguyệt Đàn để thờ cúng.
Bố cục phong thủy của thành Bắc Kinh.
Chi tiết yếu tố phong thủy của thành Bắc Kinh
Bắc Kinh nằm ở giữa vùng đồng bằng Hoa Bắc, cùng với cao nguyên tây bắc Mông Cổ và bình nguyên Tùng Liêu ở đông bắc.
Nơi đây phía tây bắc là sơn mạch Yến Sơn, phía tây nam là sơn mạch núi Thái Hành, mặt nam là bình nguyên Hoa Bắc, hướng Đông là vịnh Bột Hải, còn có hai bán đảo Sơn Đông và Liêu Đông ôm lấy Bột Hải, tạo thành tấm lá chắn bảo vệ kinh thành.
Nơi này phía bắc dựa vào núi hiểm, phía nam khống chế bình nguyên, xung quanh có các tiểu bình nguyên. Địa thế như vậy được các nhà hiền triết của nhiều triều đại coi trọng.
Quý tộc Mông Cổ là Ba Đồ Nam từng nhiều lần đề cử Bắc Kinh với Hốt Tất Liệt. Trong “Nguyên sử” phần “ Ba Đồ Lỗ truyện” có ghi lại lời nhận định của vị đại thần này:
“Yến Kinh (tên cũ của Bắc Kinh) nằm nơi hiểm yếu, phía bắc thì núi non hùng vĩ, phía nam có thể khống chế Trung Nguyên, lại thông với vùng Giang Hoài (vùng đất nằm giữa Trường Giang và Hoài Hà), phía bắc liền với sa mạc.
Thiên tử phải ở đó trị vì thiên hạ. Nếu vương muốn trị vì thiên hạ thì không thể không định đô ở đất Yên”. Vì vậy Hốt Tất Liệt quyết định chọn nơi đây làm kinh đô.
Học giả Đào Tông Nghi trong “Nam thôn chuyết canh lục” đã từng miêu tả đây là nơi “bên phải có núi Thái Hành, bên trái có biển cả, bao quát được Trung Nguyên, mặt phía nam chẩm Cư Dung, điện Sóc Phương.”
Đầu thời Minh, Chu Nguyên Chương đánh xuống Bắc Bình (Bắc Kinh), có hỏi ý kiến các đại thần về việc định đô ở đây. Các quan cho rằng đây là nơi Nguyên triều lụi bại, vương khí đã hết, không thích hợp làm kinh đô.
Hàn lâm tu soạn Bảo Tần nói: “Hồ chúa xuất phát từ sa mạc, lập nước ở đất Yên, đã được trăm năm, địa khí đã hết. Nam Kinh là vùng đất khởi hưng, không cần thay đổi kế hoạch.”
Minh Thành Tổ Chu Đệ sau trận Tĩnh Nam đánh đuổi Minh Huệ Đế, không muốn định đô ở Nam Kinh đã quyết định dời đô về Bắc Kinh. Bởi lẽ mảnh đất này xưa kia vốn là đất phong của Chu Đệ, lại cho rằng nơi đây có “long yểm” (rồng ẩn).
Trong “Minh thực lục” phần “Thái Tông thực lục” có viết:
“Bắc Kinh là đất long hưng của thánh thượng, phía bắc gối đầu lên Cư Dung, phía tây tựa vào Thái Hành, phía đông nối liền Sơn Hải, bao quát Trung Nguyên, đất đai màu mỡ, địa thế sơn xuyên, đủ đế khống chế tứ di, làm chủ thiên hạ, có thể giữ ngôi vương muôn đời.”
Nhiều người cho rằng việc định đô ở Bắc Kinh là một quyết định sáng suốt.
Cuốn Vạn Lịch biên soạn thời nhà Minh có đánh giá nơi đây “xung quanh có biển làm thành trì, có núi Thái Hà che chở, lại gối đầu lên ải Cư Dung, ở giữa khống chế bên ngoài”, còn là nơi “vạn năm cường ngự, muôn đời trị an”.
Nhưng tới cuối thời nhà Minh, chính quyền ngày càng lụn bại. Tai vạ liên tiếp xảy ra: Anh Tông bị bắt, Vũ Tông bị vây tại Dương Hòa, Lý Tự Thành bao vây kinh sư… cục diện chính trị vô cùng bất ổn. Có nhà phong thủy cho rằng đây là hậu quả của việc Minh triều dời đô.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến vương triều này sụp đổ không phải ở yếu tố địa lý. Bắc Kinh tuy rằng nằm gần biên giới phía Bắc, khiến chính quyền nhà Minh khó bề yên ổn.
Nhưng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự lụi bại của triều đại này chính là cách thức cai trị của người đứng đầu. Nếu phong thủy Bắc Kinh quả thực có vấn đề, tại sao Thanh triều sau đó vẫn chọn nơi này làm kinh đô và thậm chí còn tồn tại được tới hai thế kỷ?