Quyền an tử là chủ đề tranh luận tại Hàn Quốc gần 2 thập kỷ, kể từ khi hai bác sĩ nước này bị kết tội giết người có hỗ trợ và chịu án tù treo năm 1997 vì rút ống thở của bệnh nhân theo yêu cầu của người vợ.
Luật an tử của Hàn Quốc được thông qua ngày 8/1, cho phép các bệnh nhân mắc bệnh nan y từ chối điều trị kéo dài cuộc sống nhân tạo trong giai đoạn cuối của cuộc đời.
Nhưng luật chỉ áp dụng với người đã bước sang giai đoạn cận kề cái chết và không có cơ hội phục hồi.
Nhiều người cao tuổi ở Hàn Quốc không muốn tiếp tục điều trị kéo dài sự sống nếu biết mình mắc bệnh nan y. Ảnh: Reuters
Những bệnh nhân này sẽ được phép từ chối phương pháp hồi sức tim phổi, thở máy, lọc thận và điều trị ung thư.
Tuy nhiên, họ phải ký di chúc y khoa, văn bản xác nhận họ không mong muốn được sử dụng các biện pháp hỗ trợ bằng máy móc khi bệnh nặng. Hoặc, bệnh nhân phải có chỉ định của hai bác sĩ và thoả thuận do gia đình đưa ra.
Theo Straits Times, luật được đề xuất lần đầu tiên năm 2013 và sẽ có hiệu lực từ năm 2018.
Các nhà phê bình và nhóm tôn giáo Hàn Quốc chỉ trích quyết định này, nói rằng nó có thể được coi là thiếu tôn trọng sự sống và đi ngược lại các giá trị truyền thống.
Nhiều ý kiến lo ngại về khả năng lạm dụng nếu bác sĩ cho phép bệnh nhân và các thành viên trong gia đình lựa chọn cái chết thay vì điều trị.
Trong khi đó, người cao tuổi lại ủng hộ. Kết quả khảo sát năm ngoái cho thấy 90% người Hàn Quốc trên tuổi 65 tuổi không muốn điều trị kéo dài sự sống nếu họ biết mình mắc bệnh nan y.
Ở tuổi 60, bà Lee Hyeon Seon ngày càng sợ hãi căn bệnh ung thư, căn bệnh gây tử vong nhiều nhất tại Hàn Quốc.
Nếu điều đó không may xảy ra và bệnh tình nghiêm trọng, bà hy vọng con cái sẽ tôn trọng mong muốn từ chối điều trị kéo dài cuộc sống nhân tạo tại bệnh viện và để bà sống những ngày tháng cuối cùng tại nhà.
"Tôi không muốn kéo dài đau đớn và đau khổ. Đó là cuộc sống riêng của tôi. Tôi muốn đưa ra quyết định của riêng mình rằng nó nên kết thúc như thế nào", bà Lee nói.
Bà cũng không muốn trở thành gánh nặng của hai con gái và dự định thuê người chăm sóc trong những ngày cuối đời.
Đối mặt với tình trạng dân số đang già đi nhanh chóng và tỷ lệ tự sát cao ở người già, giới chức Hàn Quốc đã cố gắng giới thiệu khái niệm an tử trong những năm gần đây để khuyến khích người cao tuổi cởi mở hơn với chủ đề từng được coi là điều cấm kỵ.
Một lớp học trải nghiệm cái chết ở Hàn Quốc. Ảnh: Agence VU
Vài năm qua, người cao tuổi Hàn Quốc còn tham gia các hình thức đám tang giả như nằm trong chiếc hộp giống quan tài.
Sự thay đổi về thái độ của người dân có thể đã đóng góp cho phán quyết của Toà án tối cao đối với bệnh viện ở Seoul năm 2009, khi cơ sở này tôn trọng quyết định từ chối điều trị cho một bệnh nhân hôn mê 76 tuổi.
Thẩm phán khi đó đã nói rằng, việc tiếp tục điều trị khi không còn cơ hội sống sót có thể ảnh hưởng đến nhân phẩm của một người.
Kể từ đó, các bệnh viện lớn bắt đầu cho phép bệnh nhân mắc bệnh nan y hoặc gia đình của họ từ chối biện pháp hỗ trợ cuộc sống. Các tổ chức dân sự cũng ủng hộ luật an tử và nhiều trung tâm nghiên cứu bắt đầu quan tâm tới đề tài này.
"Khái niệm về cái chết với người Hàn Quốc đang trở nên thực tế hơn. Thậm chí, việc đề cập đến an tử trong chương trình truyền hình, điều cấm kỵ nhiều năm trước đây, cũng không vấn đề gì", giáo sư Choi Joon Sik, chuyên gia nghiên cứu người Hàn Quốc, cho biết.
Theo giáo sư Cho, dự luật lẽ ra đã được thông qua trước đó để làm dịu nỗi đau và gánh nặng tài chính của phương pháp điều trị y tế vô ích với bệnh nhân.
Nhưng ông cảnh báo rằng cần giải quyết tình trạng thiếu nơi chăm sóc và điều trị cuối đời trong hai năm tới, trước khi luật có hiệu lực.
Theo con số thống kê chính thức, khoảng 50.000 người Hàn Quốc chết vì bệnh ở giai đoạn cuối hàng năm. Nhưng trên cả nước chỉ có khoảng 1.000 nơi điều trị cuối đời cho bệnh nhân, có thể phục vụ cho khoảng 14% trường hợp bị ung thư nặng.