Hoang mang trước đoạn video "Nước giải khát bị giấy hút màu" tại Trung Quốc

Đình Đình |

Sáng 17/1, đoạn video "nước giải khát bị giấy hút màu" được lan truyền chóng mặt trên các trang mạng xã hội ở Trung Quốc, khiến cho người dân vô cùng hoang mang vì những tác hại mà loại nước này có thể gây ra cho con người.

Sáng ngày 17/1, các cư dân mạng Trung Quốc đã chia sẻ chóng mặt một đoạn video clip với nội dung "nước ngọt bị giấy hút màu", khiến cho người dân hoang mang tột độ vì không biết liệu những loại nước ngọt đó có đủ an toàn để làm thức uống giải khát hàng ngày hay không.

Nước giải khát

Đoạn video clip được các cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ chóng mặt.

Trong đoạn clip dài 1 phút, người đàn ông đổ nước cam đóng chai ra một chiếc cốc thủy tinh, sau đó thả vào đó một tờ giấy ăn và dùng đũa khuấy đều.

Khoảng 30 giây sau, người này nhấc tờ giấy lên thì thấy giấy ăn đã đổi sang màu cam, còn nước cam thì chuyển thành màu trắng đục và càng khuấy lâu thì màu sắc càng biến đổi càng rõ rệt.

Người đăng tải đoạn video clip đã đăng kèm dòng khuyến cáo mọi người nên hạn chế những loại nước giải khát này vì nó không hề an toàn cho sức khỏe của con người.

Đoạn video khiến cho nhiều người tỏ ra nghi ngờ về hàm lượng chất tạo màu trong nước giải khát đang được bày bán đầy ngoài thị trường, một số người cho rằng các nhà sản xuất đã lừa bịp người tiêu dùng về độ an toàn của sản phẩm, thậm chí có người còn tuyên bố sẽ tẩy chay tất cả các loại nước giải khát đóng chai để bảo vệ sức khỏe.

Để tìm hiểu chân tướng sự việc, một nhóm phóng viên của Pháp Chế Vãn Báo đã tiến hành cuộc thử nghiệm tương tự như người đàn ông trong đoạn video trên, tuy nhiên, vì không thể xác định chính xác loại giấy ăn mà người đàn ông này sử dụng nên phóng viên đã chuẩn bị cả giấy ăn loại khô lẫn giấy ướt, đồng thời thử nghiệm trên cả nước giải khát đóng chai lẫn nước cam tươi.


Nhóm phóng viên đã chuẩn bị cả nước cam đóng chai, nước cam tươi cùng với giấy khô và giấy ướt.

Nhóm phóng viên đã chuẩn bị cả nước cam đóng chai, nước cam tươi cùng với giấy khô và giấy ướt.


Tờ giấy được khuấy đều trong cốc nước.

Tờ giấy được khuấy đều trong cốc nước.

Phóng viên lần lượt thả 4 tờ giấy ăn khô và giấy ướt vào cốc nước giải khát màu cam rồi khuấy đều trong vòng 1 phút.

Kết quả, đúng là cả giấy ăn lẫn nước đều đổi màu, tuy nhiên, mức độ biến màu không đến mức quá rõ rệt như của người đàn ông trong đoạn video gây sốt mạng xã hội.

Họ tiếp tục khuấy thêm một lúc nữa nhưng cũng không thể khiến cho cốc nước chuyển thành màu trắng đục, thậm chí là gần như "trong suốt" giống trong đoạn video.

Tiếp đó, phóng viên lại thả giấy ăn và giấy ướt vào cốc nước cam tươi vừa mới vắt. Kết quả, giấy ăn dần nhuộm màu vàng nhưng chỗ đậm chỗ nhạt khác nhau, còn nước cam thì hoàn toàn không đổi màu.

Phóng viên đã tìm gặp Phó Giáo sư Chu Nghị của trường Đại học Nông nghiệp Trung Quốc để tìm hiểu về sự việc trên.

Ông cho biết, thí nghiệm trên chỉ có thể chứng minh rằng trong nước giải khát có chứa chất tạo màu, nhưng không thể xác định chính xác hàm lượng là bao nhiêu và có thật sự quá liều lượng đủ để gây ra những tác hại không mong muốn cho cơ thể con người hay không.

Khi được hỏi về sự khác biệt giữa màu sắc của những tờ giấy ăn trong 2 cuộc thí nghiệm của phóng viên và của người đàn ông trong đoạn video, Phó Giáo sư Chu phân tích, những cuộc thí nghiệm trên cho ra kết quả không giống nhau là vì còn phụ thuộc vào loại giấy có độ thấm hút đến đâu và độ mạnh nhẹ khi khuấy đũa.

Bên cạnh đó, ông cũng giải thích, trong cam tươi cũng có rất nhiều sắc tố tự nhiên, nhưng sắc tố tự nhiên chắc chắn không mạnh bằng sắc tố nhân tạo, vì vậy tờ giấy ăn ngâm trong nước giải khát sẽ nhuộm màu đậm hơn tờ giấy ăn thả trong cốc cam tươi.


Tờ giấy dần chuyển sang màu cam sau khi được khuấy đều trong cốc nước cam đóng chai.

Tờ giấy dần chuyển sang màu cam sau khi được khuấy đều trong cốc nước cam đóng chai.


Trong thí nghiệm với nước cam tươi, tờ giấy cũng bị đổi sang màu vàng.

Trong thí nghiệm với nước cam tươi, tờ giấy cũng bị đổi sang màu vàng.

Trên mỗi chai nước giải khát đều in thành phần chế tạo, và đa số đều có ghi chất tạo màu, vì vậy, không thể kết luận những nhà sản xuất này lừa bịp người tiêu dùng.

Đồng thời, Phó Giáo sư Chu cũng khẳng định, chỉ cần những loại chất tạo màu này phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn của Bộ Y tế và được pha chế đúng liều lượng quy định thì không cần quá lo lắng tác hại của chúng đối với sức khỏe con người.

Tuy ai cũng biết việc uống nhiều nước giải khát chứa chất tạo màu nhân tạo sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe con người, thế nhưng người dân vẫn có thể yên tâm sử dụng những sản phẩm được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn quy định và không nên tẩy chay các hãng nước giải khát chỉ vì những lý do chưa được kiểm chứng rõ ràng.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại