Hành động "vô cùng khó hiểu" trước khi chết của Hoàng đế nhà Minh

Nguyễn Nhung |

Trước khi treo cổ tự tử, Hoàng đế Sùng Trinh dưới triều Minh đã làm một việc không khác gì tự vả vào miệng mình.

Năm 1644, Hoàng đế cuối cùng của Minh triều là Sùng Trinh đã lên núi Cảnh Sơn treo cổ trên cây tự tử.

Tuy nhiên, trước khi chết, ông đã làm một việc khiến người người kinh ngạc – đó là cho thu lượm và an táng di cốt của Ngụy Trung Hiền một cách long trọng trên chùa Hương Sơn Bích Vân.

Với một người đang cận kề với cái chết, vì lý gì Sùng Trinh lại làm một việc nhìn vào có vẻ như vô nghĩa, thậm chí chẳng khác gì đang tự vả vào miệng mình như vậy?

Sùng Trinh kế vị vào năm Thiên Khởi thứ 7 (1627). Chỉ hai tháng sau khi đăng cơ, ông liền bắt đầu hạ thủ đối với đại thái giám được hoàng huynh vô cùng tín nhiệm – Ngụy Trung Hiền.

Sau khi xóa bỏ tất cả các chức vụ bên trong, ngoài cung của thái giám họ Ngụy, ông ta ban đầu được Sùng Trinh tha tội chết, bị đưa đến Phượng Dương trông coi mộ tổ vua nhà Minh.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, vị vua cuối cùng của Minh triều bất ngờ hạ lệnh thay đổi hình phạt đối với Ngụy Trung Hiền, hạ lệnh bắt giữ ông ta ngay lập tức.

Thực hiện việc áp giải Ngụy Trung Hiền khi đó là Cẩm Y Vệ. Tất cả những tay chân, đồng đảng của viên đại hoạn quan này đều lập tức bị truy bắt.


Nguỵ Trung Hiền là hoạn quan khét tiếng lộng quyền trong lịch sử phong kiến Trung Hoa.

Nguỵ Trung Hiền là hoạn quan khét tiếng lộng quyền trong lịch sử phong kiến Trung Hoa.

Ngụy Trung Hiền nhận được tin này khi đang trên đường đi Phượng Dương. Lúc đó, ông ta đang nghe nhạc trong một nhà trọ.

Lệnh bắt giữ cùng với tiếng nhạc thê lương đã khiến đại thái giám khét tiếng Minh triều vô cùng phiền muộn. Sáng sớm hôm sau, người ta phát hiện họ Ngụy đã treo cổ tự tử bên trong phòng trọ. Thời điểm đó là đầu năm 1628.

Sau khi Ngụy Trung Hiền chết, Sùng Trinh tiếp tục công cuộc thảo phạt bè đảng hoạn quan trong triều đình, bắt đầu một cuộc thanh toán trên quy mô lớn đối với những viên thái giám có manh nha chống đối triều đình.

Khách thị (vú nuôi của vua Hy Tông và là người đã tiếp tay cho Ngụy Trung Hiền làm mưa làm gió trong cung), gia quyến họ Ngụy và họ Khách, những người cùng cánh với Ngụy, Khách lần lượt bị hạ lệnh bắt và xử tử.

Các chức quan đã được “ban thêm” dưới thời vua Hy Tông đều bị Sùng Trinh ra lệnh triệu hồi – động thái nhằm cắt đứt mọi quyền lực của các hoạn quan.

Do hiểu rõ sự bành trướng của các hoạn quan khi đó hơn bất kỳ ai, nên vị tân vương này liên tục đưa ra các lệnh cấm, hạ lệnh cho các hoạn quan không phụng mệnh Hoàng đế tuyệt đối không được xuất cung, cắt đứt mọi cơ hội tìm kiếm thế lực hỗ trợ từ bên ngoài.

Đồng thời, Sùng Trinh còn hạ lệnh dỡ bỏ hết các từ đường do Ngụy Trung Hiền xây dựng ở các địa phương và khôi phục lại danh dự cho phái Đông Lâm đối địch và bị họ Ngụy hại trước đây.

Tuy nhiên, 17 năm sau đó, Sùng Trinh lại tiến hành an táng cẩn thận cho Ngụy Trung Hiền, việc làm này khiến người đời không khỏi băn khoăn, khó lý giải.


Việc bài trừ Ngụy Trung Hiền và đồng bọn đã giúp Sùng Trinh giành điểm cộng trước bách tính.

Việc bài trừ Ngụy Trung Hiền và đồng bọn đã giúp Sùng Trinh giành điểm cộng trước bách tính.

Từ đề phòng đến tin cậy thái giám – quy luật hay sự ngẫu nhiên?

Về vấn đề này, có một cách giải thích như sau: Sùng Trinh sở dĩ làm như vậy là vì trong bối cảnh những bài hát của nước Sở vang vọng bốn bề, lại nghe thái giám tùy tùng Tào Hóa Thuần nói rằng “Nếu Ngụy Trung Hiền còn sống, thời thế chắc chắn không đến mức này”.

Hiển nhiên, trong mắt các thái giám, Ngụy Trung Hiền có bản lĩnh và thực dụng hơn người phái Đông Lâm. Phải chăng, Sùng Trinh cuối cùng đã phải mặc nhận điều này?

Điểm đầu tiên có thể khẳng định là: Sùng Trinh chấp chính 17 năm và trong 17 năm ấy, thay đổi lớn nhất chính là sự chuyển biến trong thái độ đối với tầng lớp hoạn quan.

Trong giai đoạn đầu lên nắm quyền, ông đã ra tay giết đại thái giám họ Ngụy, thể hiện thái độ khinh ghét cực độ đối với các thái giám trong triều.

Tuy nhiên, trong giai đoạn tiếp theo đó, thái độ của vị vua này đối với hoạn quan dần trở nên tối đẹp hơn và bắt đầu trọng dụng họ.

Từ một Hoàng đế thù ghét hoạn quan thấu xương, tại sao Sùng Trinh sau đó lại có thể ỷ lại, dựa dẫm vào thái giám, giao cho họ quyền lực cao trong triều?

Không thể bài trừ khả năng các đại thần yếu kém về cả năng lực và lòng trung thành, khiến Hoàng đế thất vọng.

Trong khi đó, thái giám ngày đêm theo gót vua, lại biết nghe lời, phục tùng vô điều kiện. Có thể Sùng Trinh đã nghĩa rằng, các đại thần không đồng tâm nhất trí, chỉ có các thái giám biết nghe lời, đáng tin cậy.

Khi Lý Tự Thành dấy binh tạo phản, thời khắc vô cùng nguy kịch, Sùng Trinh có thể đã dành những phút giây cuối cùng của mình để ngẫm lại việc bài trừ Ngụy Trung Hiền và bè phái hoạn quan.

Ông đã sử dụng người của phái Đông Lâm theo tư tưởng Nho gia để khôi phục xã tắc nhưng khi quốc gia lâm nạn, biến động, đứng trước nguy cơ tồn vong, những người này chỉ biết nói những lời sáo rỗng.

Sự nhu nhược, thối nát và bất lực của họ đã khiến Hoàng đế không khỏi thất vọng.

Trước khi vua Sùng Trinh Chu Do Kiểm tự sát, ông có để lại một đoạn di ngôn nổi tiếng, còn ghi chép lại đến ngày nay: Trẫm chết đi cũng không có mặt mũi nào gặp tổ tông, sống trên đời đã làm điều có lỗi, nguyên nhân cũng vì quá tin cậy vào các đại thần.

Hiển nhiên, trong câu nói này, đối tượng chịu trách nhiệm trước sự diệt vong của Minh triều không được Sùng Trinh đặt lên vai các thái giám, thay vào đó chính là các đại thần trong triều.


Sự nổi lên của tầng lớp thái giám trong cung đình tỉ lệ nghịch với sự hưng thịnh của mỗi triều đại phong kiến Trung Quốc.

Sự nổi lên của tầng lớp thái giám trong cung đình tỉ lệ nghịch với sự hưng thịnh của mỗi triều đại phong kiến Trung Quốc.

Có thể khẳng định một điểm, rằng Ngụy Trung Hiền là một đại diện của tầng lớp thái giám – một nô tài tốt của Hoàng đế.

Thế nhưng, thái giám này lại thiếu một thứ vô cùng cần thiết – đó là chữ tâm. Sự thiếu hụt này khiến ông ta không thể trụ vững với giấc mộng thống trị thiên hạ của mình.

Những người như Ngụy Trung Hiền, ngay cả có thành tâm phò tá chủ nhân cũng không có ý cứu dân cứu nước.

Lịch sử cũng đã chứng minh rằng, sau khi quân Thanh giành thế thượng phong, thay thế Minh triều, dòng họ Ái Tân Giác La đã ổn định gian sơn xã tắc. Thanh triều sau đó đã học học triều đại trước rất nhiều.

Ban đầu, triều đại này cũng tỏ thái độ ác cảm cực độ đối với các thái giám. Năm Khang Hy thứ 40, Hoàng đế Thanh triều thậm chí còn hạ lệnh san phẳng phần mộ Ngụy Trung Hiền.

Tuy nhiên, trong giai đoạn cuối của Thanh triều, sự lộng hành của hoạn quan chẳng khác gì thời kỳ “chuẩn bị diệt vong” của nhà Minh.

Những thái giám Thanh triều như An Đức Hải, Lý Liên Anh... chính là những nhân vật “hậu Ngụy Trung Hiền”,  mặc sức làm mưa làm gió trong triều đình đã đến thời kỳ mục ruỗng.

Vòng xoay thái độ “từ phòng đến tín” dành cho tầng lớp hoạn quan trong triều đình phong kiến Trung Quốc cứ vận động tuần tự, lặp lại theo sự hưng – suy của mỗi vương triều.

Hành động của Sùng Trinh trước khi chết, suy cho cùng cũng nằm trong quy luật hình thành sản phẩm mang tên "từ phòng đến tín" của chế độ quyền lực tập quyền trong xã hội phong kiến Trung Quốc mà thôi.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại