Căn bệnh "ngộ nhận” nghiêm trọng của người Trung Quốc

Nguyễn Nhung |

Trong nhiều tài liệu lịch sử của Trung Quốc ngày nay vẫn còn tồn tại của cụm từ “Khang Càn thịnh thế” nhưng thực chất, đây chỉ là một sự “ngộ nhận” do tầm nhìn hạn hẹp của vua quan Thanh triều mà thôi.

Trong chương trình giáo dục phổ thông ở Trung Quốc, từ cấp Trung học cơ sở đến Trung học phổ thông, học sinh nước này đã được tiếp cận với cụm từ “Khang Càn thịnh thế”.

Cụm từ này, được dùng để nói về một thời kỳ thịnh vượng, ổn định, quốc thái dân an, phát triển đi đầu thế giới khi hai vị vua của Thanh triều là Khang Hy, Càn Long tại vị.

Tuy nhiên, trên thực tế, từ thời kỳ Khang Hy cho đến Càn Long điều hành đất nước, xã hội Thanh triều có thực sự hoàn mỹ như những gì được miêu tả trong sách giáo khoa lịch sử dành cho học sinh?

Cái gọi là “Khang Càn thịnh thế” liệu có phải là một hiểu lầm cực lớn vẫn tồn tại hàng trăm năm qua trong suy nghĩ của nhiều người dân Trung Quốc?


Từ trái sang phải: Vua Khang Hy, Ung Chính, Càn Long của Thanh triều.

Từ trái sang phải: Vua Khang Hy, Ung Chính, Càn Long của Thanh triều.

So sánh để nhận định đúng đắn về một thời kỳ lịch sử

Từ rất sớm, Lương Khởi Siêu đã đặt cái gọi là “Khang Càn thịnh thế” vào trong cách nhìn nhận của quốc tế để khảo sát, đánh giá độ xác thực của cụm từ hoa mỹ này.

Thông qua việc đối chiếu, so sánh mức thuế của Thanh triều với các quốc gia khi đó, Lương Khải Siêu nhận thức được rằng, trong thời kỳ Khang Càn trị vì, chính quyền đúng là đã không điều chỉnh, tăng cường chính sách tô thuế, giúp giảm nhẹ gánh nặng cho nông dân.

Tuy nhiên, những gánh nặng mà nông dân Trung Quốc phải đối mặt lại không hề nhẹ hơn những gì nông dân các nước khác phải gánh chịu.

Trong một ghi chép sau khi so sánh, đánh giá tình hình thực tế, Lương Khải Siêu viết rằng: “người dân nước ta (Trung Quốc) thực chất phải gánh tô thuế nặng hơn các nước khác, nông dân là những người chịu nhiều gánh nặng hơn cả”.

Vì thế cho nên “cái gọi là nhà nhà no đủ, người người giàu có trong thời kỳ Khang, Càn của Thanh triều… thực chỉ là những mỹ từ trong lịch sử mà thôi.”


Bức tranh tái hiện hình ảnh bên trong cung đình Đại Thanh.

Bức tranh tái hiện hình ảnh bên trong cung đình Đại Thanh.

Lối sống sa hoa của vua quan Thanh triều

Những tài sản tích lũy được trong thời kỳ này giống như thủy triều chảy vào lĩnh vực chi tiêu là chính, sa sỉ lãng phí trở thành “mốt” của những người nhiều tiền.

Cuốn “Dương Châu họa phang lục” có đoạn miêu tả cuộc sống phung phí, tiêu tiền không gợn tay của những người có địa vị trong xã hội như sau:

“Hàng trăm loại đồ ăn được chế biến theo các kiểu rán, hấp, nướng, chưng… được bày đầy ra chiếu. Nguyên liệu chế biến hầu hết đều là những đồ hiếm có, đắt tiền như tay gấu, tổ yến, vây cá, bào ngư, hải sâm, lưỡi cá, môi tinh tinh… không gì là không có.”

Ngay cả Càn Long cũng cho rằng, việc duy trì phong cách sống sa hoa lãng phí chính là cách tạo đường mưu sinh cho những người nghèo hèn trong xã hội. Chính vì lẽ đó mà dưới thời kỳ vị Hoàng đế này trị vì, trào lưu chi tiêu lãng phí ngày càng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, để có thể duy trì lối sống sa hoa, cần phải có một nguồn tài chính đủ mạnh để hậu thuẫn. Trong xã hội Thanh triều, nếu chỉ vào dựa vào bổng lộc của triều đình ban cho, sẽ rất khó để đáp ứng được cuộc sống hào hoa của quan lại.

Đây là nguồn cơn dẫn đến hiện tượng tham ô công quỹ diễn ra triền miên trong xã hội. Rất nhiều quan lại khi đó thậm chí còn phớt lờ những hình phạt nghiêm minh, giở trò đồi bại bắt cóc tống tiền, sau đó ép nạn nhân phải hối lộ một số tiền lớn để được đảm bảo an toàn.

Dưới sự thao túng của Hòa Thân, nạn tham ô phổ biến đến mức khó có thể tưởng tượng trong chốn quan trường Thanh triều.

Như một luật nhân quả, làn sóng than ô và làn sóng sống sa hoa ngày càng lan rộng, không chỉ nuốt trọn một lượng lớn tiền bạc trong xã hội mà còn vô hình trung gặm nhấm, bào mòn căn cơ thống trị của vương triều Đại Thanh.

Ngoài ra, việc nhà Thanh chỉ coi trọng người Mãn mà nhìn những dân tộc khác như nô lệ, thi hành các chính sách chèn ép dân tộc đến mức dã man tàn bạo, cấm người Hán, người Mãn kết hôn… đã hình thành nên một bức tường ngăn cách các dân tộc trong nước.


Bức tranh tái hiện sự thịnh thế của thời kỳ Khang Càn.

Bức tranh tái hiện sự thịnh thế của thời kỳ Khang Càn.

Ghi nhận của người nước ngoài

Đặc sứ người Anh Macartney sau khi đi sứ sang Trung Quốc trong thời kỳ Càn Long trị vì đã ghi lại trong nhật ký rằng: “Trung Quốc từ khi bị phương Bắc chinh phục đến nay, ít cũng đã trải quả 150 năm nhưng không có cải thiện gì, cũng không có sự tiến triển.

Nói một cách chính xác thì đất nước này còn tụt hậu hơn. Khi chúng ta mỗi ngày đều tiến đến các lĩnh vực như nghệ thuật và khoa học, họ trên thức tế đang trở thành những người cổ lỗ.”

Một nhân vật trong đoàn đại sứ Anh có tên John Paul trong cuốn “Tôi nhìn Khang Càn thịnh thế” đã viết rằng:

“Trong hành trình 3 ngày đến kinh thành, cho dù là đi bằng bất cứ phương tiện đường sông hay đường bộ, đều không nhìn thấy bất cứ bằng chứng nào chứng minh người dân ở đây sống sung túc no đủ, giàu có…

Các ngôi nhà hầu hết đều là nhà đất lợp mái cỏ. Hú họa có một nhà lầu mọc lên cách biệt và chẳng thể tìm thấy một công trình nào xứng đáng được gọi là nơi ăn chốn ở thực sự thoải mái.

Trên thực tế, những gì tận mắt nhìn thấy chỉ là một cảnh tượng nghèo nàn, lạc hậu”.

Trong khi Càn Long đang rình rang tổ chức yến tiệc nghìn mâm, ca tụng đế quốc Đại Thanh thái bình thịnh thế, cuộc đại cách mạng công nghiệp đã diễn ra mạnh mẽ tại Anh, xã hội tư bản chủ nghĩa bước vào thời đại hoàng kim.

Phương tây mạnh mẽ quật khởi từng ngày trong khi đế quốc Đại thanh với cái gọi là Khang Càn thịnh thế  không khác gì “người đui cưỡi ngựa mù, nửa đêm gặp vực thẳm”, ngày càng dấn sâu vào cảnh ngộ nguy hiểm.

Trong cuộc chiến tranh thuốc phiện, thời điểm quân Anh sử dụng những chiếc tàu chắc chắc, thuốc súng lợi hại mở cửa ngõ tiến vào Trung Quốc chỉ cách giai đoạn Khang Càn trị vì vài chục năm.

Nếu đúng là “thịnh thế”, lẽ nào Trung Quốc có thể rơi vào cảnh bất kham đến mức đó?

Điều này càng chứng minh rằng, cái gọi là thịnh thế của thời kỳ Khang Càn, thực chất chỉ là một sự ảo tượng, hư cấu hóa mà thôi.

Thời kỳ Khang Hy, Ung Chính, Càn Long trị vì là thời kỳ đỉnh cao cuối cùng của xã hội phong kiến Trung Quốc. Tuy nhiên, khi sự phát triển đạt đến mức đỉnh cao, thì đó cũng chính là thời điểm bắt đầu suy tàn của nhà Thanh – triều đại phong kiến cuối cùng tại Trung Quốc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại