Trước năm 1994, phụ nữ mang thai ở Ấn Độ có thể kiểm tra giới tính thai nhi để xem họ đang mang thai bé trai hay bé gái. Việc này đã làm tăng số lượng phá thai nhi mang giới tính nữ vì phần lớn các gia đình đều muốn có con trai do những lý do liên quan tới kinh tế.
Tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng khiến nhiều đàn ông Ấn Độ, đặc biệt ở những vùng nông thôn, gặp khó khăn trong việc kiếm vợ tại khu vực mà họ đang sinh sống. Điều này cũng đồng nghĩa các cô gái có nhiều cơ hội chọn chồng theo ý họ.
Ông Sadhuram Berwal, đang sống tại bang Haryana, muốn cưới vợ, nhưng không thể tìm được người phụ nữ nào phù hợp ở quanh vùng cho dù ông đã nhờ họ hàng và hàng xóm giúp đỡ.
Cuối cùng, ông đã hỏi được vợ tên là Anita, nhưng người phụ nữ này sống ở bang Kerala cách bang Haryana khoảng 3.000 km và nói một thứ tiếng hoàn toàn khác.
“Lần đầu tiên khi tới đây, tôi không quan tâm lắm tới xung quanh. Tôi không thể ra ngoài và không thể nói chuyện với bất cứ ai”, cô Anita cho biết. “Nhưng hiện tôi đã có thể nói tốt tiếng địa phương như những người khác trong làng”.
Sreeja, hàng xóm của cô Anita ở Kerala, cũng đồng ý kết hôn với một người đàn ông cùng làng với ông Berwal do gia đình cô gặp khó khăn về kinh tế. Bố của Sreeja đã bị mù khiến ông bị mất việc và không thể kiếm tiến nuôi sống gia đình.
Một số phụ nữ khác tại bang Kerala cùng đồng ý lấy chồng tại bang Haryana cho biết quyết định của họ một phần là để tránh những yêu cầu cao về của hồi môn. Tại Ấn Độ, gia đình cô dâu phải chịu mọi chi phí về đám cưới và của hồi môn.
Tình trạng mất cân bằng giới tính tại các bang ở miền bắc Ấn Độ như Punjab và Haryana cũng khiến nạn buôn bán người gia tăng. Theo Cơ quan Thống kê tội phạm quốc gia Ấn Độ, gần 25.000 phụ nữ từ 15 đến 30 tuổi bị bắt cóc và bán làm vợ vào năm 2013.