Sính lễ cưới hỏi của nhà trai phải chuẩn bị theo yêu cầu của nhà gái đã là truyền thống lâu đời ở Trung Quốc và một số nước châu Á khác.
Xuất phát thời cổ đại, khi cưới vợ, nhà trai phải chuẩn bị sính lễ theo yêu cầu của nhà gái bởi khi người con gái gả ra khỏi cửa sẽ hoàn toàn là người của nhà chồng, sống làm người nhà chồng, chết làm ma nhà chồng.
Mặc dù sính lễ truyền thống đã lược bớt khá nhiều nhưng việc tiêu tốn tiền để cưới được vợ vẫn rất phổ biến.
Chàng trai tên là Xiaolei (Trung Quốc) đã đính hôn với người yêu của mình là Lanlan vào cuối tháng 12 năm ngoái. Gia đình nhà Lanlan cũng đã sớm yêu cầu gia đình chồng tương lai của con gái đưa cho 10.000 tệ (khoảng 35.000.000 đồng và nhiều quà tặng khác.
Tổng giá trị của sính lễ đã lên đến hơn 30.000 tệ (khoảng 105.000.000 đồng).
Một tháng sau, gia đình của Lanlan lại tiếp tục đòi hỏi thêm 20.000 tệ và nhiều quà tặng khác như thuốc lá và rượu. Đây được cho là nguyên nhân chính khiến Xiaolei bị dồn ép tới mức không thể chịu nổi và tự tử.
Chỉ hai ngày sau khi nhà gái đòi hỏi thêm sính lễ, Xiaolei đã nhảy từ một công trình xây dựng, nơi anh làm việc tại Thượng Hải xuống và thiệt mạng. Choáng váng bởi cái chết của con trai mình, cha mẹ của Xiaolei đã không ngừng chỉ trích nhà gái tham lam.
Họ nói rằng trước khi chết, Xiaolei đã phàn nàn rằng yêu cầu sính lễ của nhà gái dường như bất tận, anh cảm thấy mình giống như kẻ bị “tống tiền” và không thể chịu nổi.
Sau khi cái chết của Xiaolei, cha mẹ của người đàn ông xấu số này đã kiện Lanlan và gia đình nhà gái, yêu cầu họ trả lại tiền mặt và quà tặng bao gồm cả đồ trang sức trị giá hơn 30.000 tệ và một chiếc iPhone.
Tòa án đã phán quyết nhà gái phải hoàn trả lại toàn bộ tiền mặt nhưng sính lễ thì không cần.
Bi kịch tình yêu này đã khiến cư dân mạng xứ Trung bàn tán xôn xao. Nhiều người chỉ trích nhà gái đã lợi dụng truyền thống để trục lợi, đục khoét, phá hỏng tình yêu của đôi trai gái.
“Đòi hỏi sính lễ nhiều như vậy chẳng khác nào như bán con gái đi”, một cư dân mạng bình luận.
Một số khác lại chỉ trích chàng trai là nhút nhát và bất hiếu: “Tôi thấy thương cho bố mẹ của chàng trai, họ đã già cả mà con trai lại tự tử. Ai sẽ chăm lo cho họ trong quãng đời sau này? Chàng trai là một kẻ hèn nhát và bất hiếu”.