Bữa tiệc tết "khủng khiếp" giá ngàn vàng của Từ Hy Thái Hậu

Phong linh |

Nhắc đến sự xa xỉ trong yến tiệc của vua chúa thời xưa, không thể không nhắc đến bữa tiệc tết xuân Canh Tý (1874) của Từ Hy Thái Hậu.

Bữa tiệc tết xuân Canh Tý năm 1874 vừa thể hiện sự giàu có xa xỉ của vương triều nhà Thanh, vừa là bữa đại tiệc mời các sứ thần phương Tây để giải quyết các vấn đề ngoại giao của Từ Hy Thái Hậu.

Thực khách gồm 400 người, thực đơn 140 món, tiệc khai đúng vào 12 giờ đêm giao thừa năm 1874, kéo dài cho đến giờ Tý đêm mồng 7 tết, chi phí 98 triệu hoa viên Trung Quốc, tương đương 374 ngàn lượng vàng và có đến 1750 người phục dịch.

Quan khách nhận được thiếp mời ngay từ hôm 23 tháng chạp năm Quý Dậu (1873) gồm 212 vị trong phái đoàn 8 nước và 188 công thần của triều đình Mãn Thanh .

Đêm 30 Tết, tất cả khách mời tề tựu về Duy An Cung, cùng lúc ấy Từ Hy Thái Hậu dự lễ trừ tịch ở miếu Tôn Long. Sau ba hồi chiêng trống long phụng vang lên là hồi khánh ngọc báo tin Thái Hậu xuất cung.

Quan khách đồng loạt đứng dậy hướng về long kiệu có 8 vệ sĩ lực lưỡng khiêng. Thái Hậu khẽ vén màn bước ra chào quan khách.

Ba hồi chiêng trống vang lên, thay mặt triều đình và Thái Hậu, Thái thú Lý Hồng Chương phát biểu ý kiến về ý nghĩa buổi tiệc này nhằm thắt chặt tình hữu nghị giữa nhà Thanh và các nước phương Tây.

Thay mặt tám nước, sứ thần Anh quốc đáp từ. Rồi tiếp theo ba tiếng ngọc khánh báo hiệu đại yến bắt đầu. Quan khách ngồi cách nhau khoảng một mét, sau lưng có hai nô tỳ nam và nữ phục dịch.

Cứ ăn hết một món, nhạc lại tấu lên một bản. Dùng đúng 5 món, thực khách được uống một chén rượu thuốc nước có tác dụng tiêu thực.

Rượu đãi khách cũng là rượi đại bổ. Nhà bếp dọn lên mỗi ngày 20 món, trong đó có một món đặc biệt nhất như đã nói trên.

Cứ mỗi lần dùng một món mới là Thái Hậu lại gõ ngọc khánh, một viên nội giám lại vòng tay xướng tên món ăn .


Chân dung Từ Hy Thái Hậu

Chân dung Từ Hy Thái Hậu

Dưới đây là 7 món “đặc biệt” được dùng trong bữa yến tiệc "có 1-0-2 này"

Sâm Thử (chuột sâm)

Sâm thử là chuột sâm, chuột nuôi bằng sâm.

Theo đó, chuột mới đẻ đem nuôi trong lồng kính cho ăn toàn sâm thượng hảo hạng và uống nước suối, đến khi đẻ ra con thì lấy những con đó nuôi riêng cũng theo cách thức đó để cho sinh ra một lớp chuột mới, nhưng lớp chuột mới này vẫn chưa dùng được.

Cứ nuôi như thế đến đời thứ ba, chuột mới thực là "Thập Toàn Ðại Bổ".

Mọi người nhìn nhau. Tây Thái Hậu cầm nĩa xúc con chuột bao tử ăn để cho mọi người bắt chước ăn theo. Con chuột kêu chít chít, người tinh mắt thấy một tia máu vọt ra.

Hoàng đế Trung Hoa thong thả vừa nhai vừa suy nghĩ như thể muốn kéo dài cái thú ăn tuyệt diệu ấy, thấm nhuần trí óc và cơ thể. Ngài nói: - "Mời chư vị".

Nhưng không một vị nào đụng đũa, cứ ngồi trơ ra mà nhìn. Tây Thái Hậu bèn cười rồi nói đùa: "Tôi tiếc không thấm nhuần được cái văn minh Âu Mỹ của các ngài.

Nhưng riêng về cái ăn thì tôi thấy quả các ngài chậm tiến, không biết cái gì là ngon, là bổ. Về món đó, các ngài có lẽ còn phải học nhiều của người Á Ðông".

Não Hầu (óc khỉ)

Gần núi Thiên Hoa ở Sơn Đông có rừng lê được gọi là Lê Ngọc Căn, trị được các bệnh cam, thận, nhiệt uất, ho kinh niên.

Rừng lê này bị một bầy khỉ ở đó chén sạch, vì vậy thịt khỉ ở đây thơm, ngon, đại bổ, ăn vào trị được bệnh bán thân bất toại.

Tương truyền óc khỉ này lại bổ hơn cả. Số khỉ Thiên Hoa Sơn đem đãi khách là 80 con, toàn loại choai choai, chưa thay lông, cứ 5 người ăn một bộ óc khỉ. 80 con khỉ này được tẩm bổ hàng ngày.

Trước giờ đãi khách, mỗi con khỉ trên được đặt vào một lồng nhỏ – trông giống như cái trống con – có thể mở, khép dễ dàng, một đầu khoét lỗ vừa đủ cho đầu khỉ ló lên được; lồng có gông đặc biệt để khỉ không nhúc nhích được.

Khi ăn, người phục dịch cầm chiếc chày ngà giáng xuống đầu khỉ, cái đập này đã được luyện tập, đủ khiến con khỉ chết ngay, không kịp kêu lên một tiếng.

Sau đó, rưới nước sâm nóng lên đầu khỉ để óc tái đi một chút. Quan khách sẽ dùng muỗng bạc múc óc khỉ ra ăn.

Tượng Tinh (tinh khí của voi)

Trước hết chọn những tổ yến thật to và tốt lấy được từ các hải đảo ngoài khơi biển Nam hải, tẩy rửa cẩn thận rồi nấu trong nước thang nhân sâm và đường Chủng Càu Chỉ của Ðại Hàn.

Lại hòa chung với nước lê Vân Nam - Tuyết Hồng Lê - và bột Kiết Châu Phấn, nấu khô lại rồi nặn thành hình những con voi, đoạn bỏ vào lò nung cho thật chín và chắc.

Tượng tinh là các nài voi đã lấy sẵn. Khi con voi làm bằng tổ yến được mang từ lò ra, đầu bếp sẽ khoét lưng voi một lỗ trống vừa đủ nhét vào một cái bóng cá voi đã ngâm thuốc bắc phơi khô.

Tượng tinh được cho vào cái bong bóng cá (đã được ngâm thuốc bắc phơi khô) và con voi được đem đi chưng cách thủy.

Lúc thưởng thức món này, thực khách dùng một chiếc kim vàng thọc vô bụng voi để chất nước nhờn chảy vào chén bạc rồi uống.

Cỏ Phương Chi

Cỏ Phương Chi mọc trên đá, mở ngọn núi Thái Hàng.

Cỏ này chỉ vào những năm nhuận mới mọc, mọc một lần trong năm ấy, vào ngày Trung thu, sống rất ngắn ngày (khoảng từ 1 tháng đến tháng rưỡi), gặp phải ngọn gió bắc đầu mùa là khô héo liền.

Muốn lấy cỏ, trước đó một ngày phải dắt lên núi một con ngựa đực trắng tuyền.

Mặt trời vừa mọc, dẫn ngựa tới phiến đá có cỏ, đợi ngựa ăn xong, chém ngựa chết ngay, sau đó, mổ bụng lấy dạ dày đem về chế thuốc, phơi khô. Tương truyền, cỏ này mát, trừ bách bệnh.

Trong bữa tiệc đãi khách, cỏ Phương Chi được nấu với Long Tu, người ăn vào sẽ sảng khoái tinh thần, suốt cả tháng không thấy mệt mỏi.

Trứng Công

Công làm nem đã là món quý, món trứng chim công lại càng quý hơn vì khó lấy được trứng công (khó gần ổ trứng vì công sẽ chống cự dữ dội để bảo vệ trứng, nhiều khi công phá vỡ ổ trứng, không cho người lấy).

Muốn đãi khách món này, cần 100 con khỉ được huấn luyện để trộm trứng công. Kết quả thu được 500 trứng đãi khách, nhưng khỉ chết mất một phần ba.

Heo Sữa Phúc Châu

Vùng Phúc Châu (Trung Quốc) có giống heo quý, thịt thơm, ngon, chuyên ăn một loại củ (giống như củ Hoành Tinh) mọc ở đồi Châu Tịch Xương.

Bữa tiệc đãi khách gồm 100 con heo sữa, là giống heo 2 tháng của giống heo Phúc Châu này.

Những con heo đó được đập chết (không chọc tiết, làm lông), thui qua một lượt cho chóng hết lớp lông.

Xong, mổ bụng bỏ hết ruột gan rồi ướp các loại thuốc bổ quý trong 3 ngày, đem chưng cách thủy. Lúc ấy thịt heo vô cùng thơm ngon, xương rất mềm.

Sơn Dương Trùng

Được lệnh của Tây Thái Hậu, các thợ săn Hồ Bắc – sau gần một tháng lặn lội rừng sâu núi thẳm – bắt được 6 con dê núi đang có chửa tại một cánh rừng vùng Thiên Tân. Đàn dê này được chăm sóc cẩn thận, hàng ngày ăn toàn cỏ Vân Nam và Quảng Tây tải về.

Đây là cỏ “Đông trùng hạ thảo”, loại cỏ quý, là vị thuốc bổ can thận. Ăn cỏ quý này, lại ăn thêm các lá cây thuốc bổ khác, 6 con dê núi ngày càng mập mạp, đẻ ra lứa con cũng mạnh khoẻ, to lớn hơn so với đồng loại.

Dê con này vừa đúng 2 tháng tuổi, được chọn lấy 14 con giao cho nhà bếp làm lông, moi ruột. Sau đó, chúng được ngâm vào thùng gỗ to đựng nước gừng và rượu quý.

Sau ngày thứ 2, dê được vớt ra bỏ vào bể bằng sứ chứa sữa dê tươi và nước sâm nhung.

Tiếp 2 ngày ngâm nữa, người ta lấy hoa sen trắng (đã được tách nhánh hoa và ghim kim vàng xuyên từ hương sen đến cuống hoa) cắm đầy mình dê.

Để vậy, ngâm đến ngày thứ 10 (đúng hôm mông 7 tiệc tàn), xuất hiện những con trùng trắng muốt đầy trong hoa sen.

Nhà bếp nhặt lấy trùng sơn dương này chế biến thành món ăn, có tác dụng bổ, khoẻ, trị các bệnh lao phổi, tê bại, bán thân bất toại.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại