Anh hùng điểm 0

Nguyệt Phương |

Nữ sinh người Ai Cập Mariam Malak trở thành biểu tượng chống tham nhũng sau khi phát hiện bài thi của mình bị đánh tráo với con quan chức có thế lực và chấm điểm 0.

Cuộc chiến “châu chấu đá xe”

Mariam Malak, 19 tuổi, con gái một giáo viên tại ngôi làng nghèo miền bắc Ai Cập nuôi giấc mơ trở thành bác sĩ như hai anh trai của mình.

Trong các kỳ thi những năm trước, Malak luôn đạt điểm 97 trên 100 điểm và là một trong những học sinh ưu tú nhất nước, và cô hi vọng kết quả năm nay cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên Malak rất sốc khi biết cô trượt kỳ thi cuối năm nay với toàn điểm 0. “Làm sao chuyện này có thể xảy ra, làm sao tôi có thể bị điểm 0?”, cô nhớ lại. Bảy bài kiểm tra điểm 0 có nghĩa không có câu trả lời nào đúng hoặc bị bỏ trống.

“Khi tôi được cho xem bản copy các câu trả lời của mình, tôi đã không tin nổi vào mắt mình”, Malak nói. Các câu trả lời chỉ dài vài dòng trong khi cô khẳng định mình đã viết nhiều trang.

Việc đấu tranh chống tham nhũng dường như là một cuộc chiến “châu chấu đá xe” đối với một người dân thường như Malak ở Ai Cập. Nhưng cô gái nhỏ với cặp mắt kính dày cộp vì chỉ biết lo học hành này quyết định bảo vệ lẽ phải và khiếu nại vụ việc.

Luật sư của Malak cho rằng bài thi của cô đã bị tráo với bài thi của con một nhân vật có thế lực. Malak khẳng định chữ viết trong bài thi cô được xem không phải là chữ viết của cô.

Tuy nhiên khiếu nại của cô bị cơ quan giáo dục thành phố Assiut bác bỏ, họ cho Malak kiểm tra chữ viết và khẳng định các bài thi này là của cô. Không bỏ cuộc, Malak thực hiện một cuộc kiểm tra trên truyền hình để chứng minh điều ngược lại.

Không bỏ cuộc

Malak khiếu nại quyết định của thành phố Assiut lên cơ quan công tố nhưng một lần nữa các chuyên gia cho rằng chữ viết trong bài thi điểm 0 chính là của cô và khép lại vụ việc. Malak vừa nộp đơn khiếu nại quyết định này.

“Tôi biết là mình đang đấu tranh với tham nhũng vì cái cách mà kết quả thi của tôi bị làm giả cho thấy tham nhũng có tồn tại”, cô nói.

Khi Malak quyết định khiếu nại lần thứ hai, câu chuyện của cô bắt đầu gây sự chú ý trong dư luận, truyền hình và báo chí. Các cư dân trên mạng ủng hộ cô với hashtag “Tôi tin Mariam Malak”.

“Họ không chỉ đánh cắp điểm số mà còn đánh cắp cả tương lai và giấc mơ của cô”, một phụ nữ viết. Nhiều người lên tiếng đề nghị hỗ trợ tài chính cho cô học tập sau này.

Vụ việc đến tai thủ tướng Ibrahim Mahlab và ông đã mời Malak đến nói chuyện. Malak cho biết thủ tướng hứa sẽ “ủng hộ cô trong vụ khiếu kiện như thể cô là con gái ông”.

Cuối cùng, cơ quan công tố Ai Cập quyết định mở lại vụ điều tra và cử đội pháp y kiểm tra lại chữ viết trong bài thi trả về cho Malak.

“Nếu quyền lợi của tôi được tôn trọng, những người sống trong bất công sẽ biết rằng họ cũng có thể đòi hỏi quyền của mình”, Malak nói trong khi chờ đợi kết quả cuộc điều tra.

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại