Ngày 13/10/2017, thông tin về một vụ bạo lực xảy ra ngay trước cổng trường trung học ở huyện Linh Bích, tỉnh An Huy, Trung Quốc đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng nước này.
Những người có mặt ở hiện trường cho biết, nam sinh này chẳng nói chẳng rằng liền xông đến đánh tới tấp vào mặt, vào người mẹ mình khiến người mẹ mặt mũi đầy máu.
Rất đông người đã xúm lại xem và giữ nam sinh kia lại, bảo vệ của trường học còn đứng ra mắng cho nam sinh 1 trận nhưng em không có chút biểu hiện ăn năn, hối lỗi nào cả. Người mẹ đứng bên cạnh cũng không nói gì, chỉ lặng lẽ lấy giấy thấm máu.
Nam sinh nhất quyết không xin lỗi mẹ, người mẹ chỉ biết lặng lẽ thấm máu trên mặt.
Cảnh tượng khiến người xem vừa phẫn nộ vừa đau lòng này nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Theo tìm hiểu, nam sinh này họ Trương, hiện đang là học sinh lớp 10 ở nội trú tại trường.
Hôm ấy, người mẹ đến thăm con, con tỏ ý không muốn đi học nữa, muốn cùng mẹ về nhà nhưng người mẹ không đồng ý.
Yêu cầu không được đáp ứng, người con trai bất hiếu đã thượng cẳng chân hạ cẳng tay với mẹ mình ngay giữa cổng trường, bảo vệ phải đứng ra can ngăn, bắt em xin lỗi mẹ nhưng em nhất quyết không chịu.
Trương không tỏ ra chút ăn năn, hối lỗi nào sau khi ra tay đánh mẹ mình.
Sau đó, nhà trường cũng lên tiếng xác nhận sự việc và kèm theo bản thông báo cụ thể về tình hình sự việc.
Theo đó, Trương là học sinh mới từ trường khác chuyển về nhưng đã tỏ ra là một học sinh cá biệt, em thường yêu cầu bố mẹ đáp ứng những việc nằm ngoài điều kiện kinh tế của gia đình, chỉ cần không thỏa mãn, Trương liền mắng chửi rồi thậm chí đánh cả bố mẹ mình.
Hành vi bạo lực của nam sinh này với mẹ hôm 13/10 trước cổng trường đã khiến người mẹ bị thương nghiêm trọng vùng mặt, phải nhờ người xung quanh đưa đến viện khâu nhiều mũi.
Nhà trường cho biết, họ sẽ xử lý nghiêm khắc vụ việc này và không loại trừ khả năng sẽ đuổi học em Trương.
Nhiều người cho rằng, đây là vụ việc bạo lực nghiêm trọng có liên quan đến đạo đức con người, tuy nhiên một phần nguyên nhân cũng do sự nuông chiều và giáo dục chưa đúng đắn từ phía gia đình học sinh.
Nguồn: sohu