Xung đột Nagorno-Karabakh: Cuộc chiến tranh quy mô lớn chỉ cách một bước chân?
Một trong những cuộc xung đột đóng băng lâu nhất ở Đông Âu đã bùng phát trở lại thành cuộc chiến tranh nóng trong những ngày gần đây khi các cuộc đụng độ giữa Armenia và Azerbaijan ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh bùng nổ khiến ít nhất hàng chục người thiệt mạng và đe dọa kéo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vào một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp.
Moscow từ lâu đã ủng hộ Armenia theo đạo Thiên chúa còn Ankara thì công khai hậu thuẫn cho Azerbaijan, quốc gia với phần lớn là người Hồi giáo.
Các nhà phân tích khu vực cho rằng tình hình gần đây ngày càng trở nên phức tạp và nguy hiểm hơn, nhất là trong bối cảnh căng thẳng Thổ - Nga còn leo thang trên nhiều mặt trận khác, từ Syria đến Libya và rộng hơn là cả Đông Địa Trung Hải.
Xung đột Nagorno-Karabakh cũng gắn liền với mâu thuẫn giữa Moscow và Ankara về các đường ống dẫn dầu và khí đốt chạy qua khu vực này.
Trong khi đó, với việc Mỹ và Liên minh châu Âu đang tranh ảnh hưởng ở đây thì những lo ngại bắt đầu xuất hiện về viễn cảnh một cuộc chiến tranh toàn khu vực có thể bùng nổ kéo theo sự tham gia của các cường quốc ủng hộ cho cả hai bên.
Phát biểu với báo giới hôm Chủ Nhật vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi các bên bình tĩnh nhưng cũng cho biết các cố vấn chính sách đối ngoại của ông đang theo dõi chặt chẽ sự việc.
Căng thẳng Nagorno-Karabakh đã âm ỉ kể từ khi Liên Xô sụp đổ, khi các lực lượng Armenia và Azerbaijan tiến hành cuộc chiến tranh giành lãnh thổ tại đây. Nga đã đứng ra làm trung gian dàn xếp thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1994 nhưng các cuộc giao tranh vẫn bùng phát trong những năm vừa qua, điển hình nhất là 2016 khi hàng trăm người đã thiệt mạng.
Quân đội Armenia và Azerbaijan ngày 27-9 bất ngờ đụng độ dữ dội, cáo buộc nhau tấn công trước nhằm vào các mục tiêu ở Nagorno-Karabakh. Ảnh: AP
Các kênh truyền thông địa phương cho biết, cuộc giao tranh mới nhất bùng nổ cuối tuần qua giữa các lực lượng Azerbaijan và Armenia vẫn chưa lắng xuống và cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau về các cuộc tấn công bằng pháo và rocket.
Truyền thông Nga dẫn thông tin từ các quan chức Azerbaijan cho biết, 550 binh lính Armenia “đã bị tiêu diệt”. Tuy nhiên, Armenia bác bỏ tuyên bố này, mặc dù đã xuất hiện tin tức về hơn 50 quân nhân Armenia thiệt mạng.
Giới phân tích quốc tế đang kêu gọi các cường quốc toàn cầu tăng cường áp lực lên cả hai bên cũng như những người ủng hộ họ ở Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cần tìm giải pháp cho vấn đề bằng con đường ngoại giao.
Phát biểu trên hãng thông tấn AFP, nhà phân tích Olesya Vartanyan thuộc tổ chức International Crisis Group bình luận: “Chúng ta chỉ cách cuộc chiến tranh quy mô lớn có một bước chân”.
Bà Vartanyan nhận định: “Một trong những lý do chính dẫn tới leo thang căng thẳng hiện nay là do thiếu vắng kênh trung gian hòa giải quốc tế giữa các bên trong nhiều tuần qua”.
“Nếu xảy ra thương vong hàng loạt, sẽ cực kỳ khó khăn trong việc kiềm chế cuộc giao tranh và chúng ta nhiều khả năng sẽ chứng kiến một cuộc chiến toàn diện với sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Nga, hoặc cả hai”, bà Vartanyan chia sẻ với Reuters.
Đâu là căn nguyên có thể dẫn tới cuộc đối đầu Nga - Thổ Nhĩ Kỳ?
Các nhà phân tích cho rằng căng thẳng Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng liên quan tới các đường ống dẫn dầu và khí đốt ở khu vực Nagorno-Karabakh.
Từ tháng 7/2020, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng đã lên tiếng cảnh báo cơ sở hạ tầng do Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan kiểm soát liên quan đến hoạt động vận chuyển dầu và khí đốt từ Biển Caspi đến các thị trường thế giới nằm gần khu vực giao tranh.
Đặc biệt, các đường ống đang được xây dựng qua Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ khi hoàn thành có thể làm giảm đáng kể sự phụ thuộc của Tây Âu vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga.
Hôm thứ Hai, Reuters đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu cử các tay súng nổi dậy ở Syria đến hỗ trợ Azerbaijan trong cuộc xung đột leo thang với Armenia.
Đại sứ Armenia tại Moscow cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi khoảng 4.000 chiến binh từ miền bắc Syria tới Azerbaijan để tham chiến, mặc dù Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã bác bỏ tuyên bố này.
Thổ Nhĩ Kỳ trước đây từng triển khai các lính đánh thuê Syria tới Libya chống lại lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (GNA) của tướng Haftar do Nga hậu thuẫn.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi cuộc giao tranh ở Nagorno-Karabakh là “nguyên nhân gây lo ngại cho Moscow và các nước khác”.
Các quan chức ở Armenia, quốc gia được cho là đã tiếp nhận vũ khí từ Moscow trong những tháng gần đây, đã công khai cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ gây ra cuộc xung đột hiện nay.
Bộ Ngoại giao Armenia nói rằng “chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đang chiến đấu sát cánh cùng với Azerbaijan và Baku đang sử dụng vũ khí của Ankara, trong đó có cả máy bay không người lái và máy bay chiến đấu”.
Maxim A. Suchkov, chuyên gia không thường trú thuộc Viện Nghiên cứu Trung Đông ở Washington nhận định: Đối với Nga, việc Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng mở rộng can dự vào cuộc xung đột có thể khiến Moscow rơi vào tình huống, hoặc sẽ mất thể diện với tư cách là đồng minh an ninh của Armenia nếu không can dự hoặc có nguy cơ thương vong khi tham gia vào cuộc chiến.
"Thật trùng hợp (hoặc có thể không như vậy), Nga vừa tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn trong khu vực với tên gọi "Caucasus 2020", và dường như họ đã sẵn sàng tính tới các tình huống xấu nhất", ông Suchkov viết trong bài phân tích đăng tải trên trang web của Viện Nghiên cứu Trung Đông ở Washington hôm thứ Hai.
Azerbaijan công bố video không kích kho vũ khí của Armenia