Đội đặc nhiệm "Thần ưng" và pha hành động nghẹt thở ngăn Hitler chế tạo bom nguyên tử

Quân sự |

Sau khi nước Đức phát xít lâm vào thế yếu, Hitler không chịu từ bỏ tham vọng chế tạo vũ khí nguyên tử có sức huỷ diệt lớn. Hắn muốn dùng vũ khí giết người đó để cứu vãn tình thế.

Sự ra đời của đặc nhiệm "Commandos"

"Commandos" là tên gọi khác của lực lượng đặc nhiệm Anh. Lực lượng này ra đời vào thời kỳ đầu của Đại chiến Thế giới lần thứ 2, là một trong những lực lượng đặc nhiệm ra đời sớm nhất trên thế giới.

Cùng với khói lửa chiến tranh, "Commandos" không ngừng được hoàn thiện và phát huy vai trò của mình, trở thành chuẩn mực cho lực lượng đặc nhiệm của các nước trên thế giới sau này học tập.

Tìm hiểu lịch sử của "Commandos", phải ngược dòng thời gian trở về thời kỳ đầu của Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Trên chiến trường châu Âu khốc liệt, liên quân Anh, Pháp thiệt hại nặng nề trước sự đột kích mãnh liệt của các sư đoàn thiết giáp phát xít Đức.

Tháng 6 năm 1950, hơn 300.000 binh sĩ liên quân Anh, Pháp gạt nước mắt từ biệt lục địa châu Âu để từ Dunkerque thuộc Pháp vượt biển sang Anh.

Trên đường rút lui, đội quân rời rạc tuy đa phần đều sống sót trở về, song gần như phải bỏ toàn bộ trang bị. Đại đế quốc Anh lừng lẫy thưở nào phải chịu sự lăng nhục nặng nề, lòng từ hào dân tộc bị thương tổn.

Đội đặc nhiệm Thần ưng và pha hành động nghẹt thở ngăn Hitler chế tạo bom nguyên tử - Ảnh 1.

Cố Thủ tướng Anh Winston Churchill. Ảnh: Wiki

Thủ tướng Churchill rất đau lòng trước thực tại yếu thế của quân Anh. Nhằm nhanh chóng cứu vãn tình thế, vực dậy lòng tin về cuộc chiến đấu của toàn dân chống phát xít, ngày 6 tháng 6, ông viết thư cho Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng - tướng Yzmaer, thư viết:

"Tác chiến phòng ngự cần chấm dứt tại thời điểm này, tôi chờ đợi quân Anh sẽ có những đợt tấn công tích cực và liên tục vào khu vực phát xít Đức chiếm đóng".

Thủ tướng Churchill cho rằng, mục tiêu tấn công tiếp theo của quân Đức chắc chắn sẽ là nước Anh, và để ngăn chặn cuộc xâm lược này thì chỉ còn một cách, đó là phản công vào lực lượng Đức tại châu Âu.

Sau khi thảm bại tại Dunkerque, quân Anh đã bị thiệt hại nặng, lực lượng Anh trên chiến trường Trung Đông và châu Phi cũng phải đương đầu với các cuộc tấn công mãnh liệt của quân Đức.

Trong tình thế như vậy, quân đội Anh không đủ khả năng để vượt qua eo biển giữa nước Anh và Pháp, tổ chức các cuộc tấn công quy mô lớn vào bờ biển phía Tây nước Pháp, càng không thể tính đến chuyện mở các cuộc tấn công với cự ly dài vươn đến bờ biển phía Bắc, nơi tập trung lực lượng Đức từ Đan Mạch cho đến Na Uy.

Cho dù như vậy, nhưng ngay cả khi phải rút khỏi Dunkerque của nước Pháp, trong quân đội Anh vẫn có một số người nung nấu kế hoạch tấn công vào khu vực bị quân Đức chiếm đóng. Người đó là phụ tá của Tổng tham mưu trưởng quân sự Hoàng gia Anh Gery Dill - trung tá lục quân Drtlai Clark.

Trung tá Clark căn cứ vào tình thế lúc đó, đã đề xuất ý tưởng sử dụng những phân đội quy mô nhỏ liên tục tập kích vào trận địa quân Đức từ Narvile ở bờ biển phía Tây Na Uy cho đến bờ biển của Pháp, làm tiêu hao lực lượng quân Đức.

Đội đặc nhiệm Thần ưng và pha hành động nghẹt thở ngăn Hitler chế tạo bom nguyên tử - Ảnh 2.

Đặc nhiệm Commandos tiến hành một cuộc đổ bộ giả định. Ảnh: Wiki

Vào thời điểm đó thì đây là biện pháp phản kích duy nhất có thể khiến quân Đức bị tổn thất. Đề nghị này được sự hưởng ứng của nội các chiến tranh, và ngày hôm sau phương án này đã được đệ trình lên Thủ tướng Anh Churchill.

Phương án tập kích của Clark được Thủ tướng Churchill phê chuẩn, nhưng cũng có ý kiến cho rằng trong tình hình quân đội Anh bị thất bại nặng nề như vậy, ý tưởng của Clark khác gì "lấy trứng trọi đá".

Nhưng Thủ tướng Churchill vẫn kiên trì quan điểm cho rằng, những cuộc tấn công phá hoại như vậy, nếu được vạch kế hoạch kỹ lưỡng, thực hiện thích hợp, có thể khiến quân Đức phải quay sang củng cố lại phòng tuyến, từ đó gây ảnh hưởng đến điều động quân số của chúng, làm giảm sức mạnh chiến đấu của chúng trên các chiến trường khác.

Hơn nữa, những chiến công như vậy sẽ có tác dụng động viên, cổ vũ tinh thần kháng chiến của toàn dân, có lợi cho toàn bộ cục diện phản công.

Ngay chiều hôm đó, Bộ tổng tham mưu lục quân ngay lập tức đã cho thành lập ra "phòng M09", chuyên trách thực hiện kế hoạch này. Trung tá Clark được lệnh nhanh chóng tổ chức thành lập lực lượng chiến đấu, vượt eo biển Manche, tổ chức các cuộc tấn công quy mô nhỏ, lẻ tẻ vào các trận địa quân Đức.

Tính đến khả năng các cuộc tấn công sắp tới của quân Đức, Thủ tướng Churchill yêu cầu Clark khi xây dựng lực lượng đột kích thì không được rút trọn bộ bất cứ đơn vị nào trong lực lượng phòng thủ đất nước.

Ngoài ra phải giảm đến mức có thể số vũ khí cần có, quân số của lực lượng này dừng lại ở mức khoảng 10.000 người, lựa chọn quân số từ các đơn vị lục quân và thủy quân lục chiến, vũ khí trang bị kỹ thuật là súng máy Thompson và lựu đạn, khi cần có thể sử dụng mô tô và xe bọc thép.

Trong trường hợp quân Đức tấn công vào nước Anh, lực lượng này phải đảm nhiệm đánh trả quân Đức dọc tuyến bờ biển, những nội dung khác thì do Clark quyết định.

Về vấn đề lấy nguyên biên chế từ lực lượng vũ trang bảo vệ đưa sang lực lượng mới thành lập này, hay là sẽ tuyển chọn từ các quân binh chủng, ngay trong Bộ tổng tham mưu cũng có ý kiến tranh luận chưa thống nhất.

Cuối cùng mọi người đều thống nhất cho rằng nếu đưa nguyên biên chế của lực lượng chiến đấu đưa vào tổ chức lực lượng tập kích thì sẽ không thích hợp cho việc thực hiện các nhiệm vụ tác chiến không chính thức, cũng rất khó có thể đảm bảo rằng chất lượng của lực lượng này sẽ đạt hiệu quả chiến đấu mong muốn.

Cuối cùng, quyết định đưa ra là tôn trọng ý kiến của Thủ tướng Churchill.

Trung tá Clark gấp rút tiến hành công tác tổ chức biên chế, chưa đầy một tháng sau, ông ta đã chọn được vài trăm binh sỹ ưu tú có kinh nghiệm chiến đấu dày dạn, tổ chức họ thành lực lượng chiến đấu kiểu mới tương đối độc lập và chính quy, chuyên thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt.

Biên chế ban đầu gồm 10 chi đội "lực lượng tập kích", mỗi chi đội gồm hai trung đội, mỗi trung đội có 3 sĩ quan chỉ huy và 47 chiến sĩ. Càc thành viên đều có tinh thần hăng hái, thông minh, dũng cảm. Trang bị của họ được coi là hiện đại so với thời đó gồm súng máy hạng nhẹ Thompson, súng tiểu liên, xe mô tô dã chiến và xe ô tộ hạng nhẹ.

Lực lượng đặc nhiệm này được mang tên "Commandos".

"Commandos" ra đời không lâu đã tích cực tham gia hành động, bắt đầu các cuộc tấn công xuất quỷ nhập thần vào lực lượng Đức và đã có những cống hiến lớn vào chiến thắng trong Đại chiến Thế giới lần thứ hai.

Đội đặc nhiệm Thần ưng và pha hành động nghẹt thở ngăn Hitler chế tạo bom nguyên tử - Ảnh 3.

Tượng đài các chiến sĩ Commandos. Ảnh: Wiki

"Thần ưng" ngăn chặn sự ra đời của bom nguyên tử

Sau khi mặt trận thứ hai được mở ra tại Châu Âu, nước Đức phát xít lâm vào thế yếu, phải chống đỡ khó khăn trước sự tấn công của phe Đồng minh.

Nhưng Hitler không từ bỏ tham vọng điên cuồng, hắn đã tập trung nhân tài vật lực huy động các nhà khoa học hàng đầu của nước Đức, tiến hành khẩn trương công việc nghiên cứu chế tạo loại vũ khí nguyên tử có sức công phá huỷ diệt lớn, với cuồng vọng sử dụng những vũ khí giết người đó để cứu vãn tình thế.

Nếu những vũ khí đó của Hitler được nghiên cứu chế tạo thành công và sử dụng trên chiến trường thì cục diện của chiến tranh chắc chắn đã xoay chuyển sang chiều hướng khác.

Đội đặc nhiệm Thần ưng và pha hành động nghẹt thở ngăn Hitler chế tạo bom nguyên tử - Ảnh 4.

Hitler có tham vọng chế tạo vũ khí nguyên tử. Ảnh: Daily Express

Nước nặng là nguyên liệu không thể thiếu để chế tạo bom nguyên tử. Nó được tinh luyện từ nước bình thường có chứa những khoáng chất đặc biệt. Trên thế giới lúc này chỉ có nhà máy điện khí hoá Norsken tại Na Uy có thể hoàn thành công đoạn này.

Nhà máy Norsken nằm cách Oslo Na Uy khoảng 100 km về phía Tây, nằm lọt trong các dãy núi hiểm trở, nơi đó có tòa nhà bê tông cốt thép và xưởng điện giải nước được xây dựng kiên cố nằm trên vách núi cao 300m, các con đường tiếp cận khu vực này đều được bố trí lực lượng canh gác.

Nếu cho máy bay ném bom đánh phá vào nhà máy, những thiệt hại gây ra cho dân thường quanh khu vực đó sẽ lớn hơn cả mục tiêu bị phá hoại. Căn cứ vào tình hình đó, muốn phá hủy nhà máy này, chỉ còn cách sử dụng một nhóm tập kích đặc biệt, kết hợp với tổ chức phong trào kháng chiến Na Uy, bí mật tấn công bất ngờ vào khu vực đó.

Cuối cùng nhiệm vụ phá huỷ nhà máy nước nặng đã được giao cho lực lượng "Commandos". Bộ tổng tham mưu quân đội Hoàng gia Anh đã vạch một kế hoạch tập kích với mật danh "hành động thần ưng".

Đêm khuya 14 tháng 12 năm 1943, một máy bay ném bom tầm xa nhằm hướng Na Uy tiến tới trên độ cao gần 10km. Trên máy bay có 6 lính "Commandos" Anh, trong số họ hai người quân phục Đức, hai người mặc quần áo công nhân Na Uy, hai người cải trang thành học sinh Na Uy.

Họ mang theo súng ngắn giảm thanh, mìn hẹn giờ, thiết bị leo núi và các trang bị đặc biệt khác, đội trưởng là William Keli, họ chính là "đội thần ưng" đang trên đường đến mục tiêu.

Khi bay đến khu vực định trước, chỉ thấy 6 chấm đen nhảy dù xuống mặt băng của hồ Sculika. Sau khi chạm đất, họ nhanh chóng vây lại xung quanh người đội trưởng, họ lấy ra bản đồ và địa bàn ra tìm phương hướng. Tiếp đó họ cất giấu dù, rồi xuất phát theo hướng đã định.

Chờ đón họ ở phía trước là khu rừng nguyên sinh băng giá. Cánh rừng này có chiều rộng 40km sâu vào khoảng 25km, tuyết phủ ngập đến đầu gối, trên các cành cây là các khối băng tơ hơn cả cánh tay. Hai người lính đi trước dùng rìu mở đường, những người còn lại bám theo.

Khi trời gần sáng, họ mới đi được ba phần tư quãng đường. Mọi người dừng lại nghỉ lấy sức, bỗng cảm thấy cái lạnh giá trở nên khó chịu khác thường. Người đội trưởng ý thức được tình huống, anh hiểu rằng trong thời tiết này không thể dừng tại chỗ được. Họ tiếp tục tiến lên. Khoảng 2 giờ chiều họ mới thoát ra khỏi khu rừng băng giá.

Tối hôm đó trong nhà hát kịch của Norsken, họ đã bắt liên lạc được với nhân viên tình báo bí mật của Na Uy, hôm sau họ có mặt ở khu vực gần nhà máy, bắt đầu tiến hành trinh sát, họ đã nhanh chóng nắm bắt được hoạt động của nhà máy.

Xưởng tinh luyện nước nặng trong công sự dưới núi, xưởng này được nối với nhà máy đặt trên mặt đất bằng đường hầm dài 500m, đường ấy chứa dây cáp điện chạy dọc trong đường hầm từ nhà máy đến xưởng trong núi. Bên phải của xưởng là bể nước, bên trái là các hệ thống ống dẫn nước, ở giữa là chiếc máy tinh chế nước nặng.

Phía chính diện là bàn điều khiển, ở 4 góc có 4 lính Đức bảo vệ. Xưởng tinh chế cần sử dụng mùn cưa, hàng tuần xe tải sẽ chở đến vào thứ bảy.

Ngày 17 tháng 2, trên con đường núi dẫn đến khu xưởng, một chiếc xe tải quân sự Đức chở đầy mùn cưa đang chạy tới, khi xe đi gần đến một vòng cua, thì từ phía trước có hai lính Đức xuất hiện giơ tay ra hiệu dừng xe, xe dừng lại.

Hai lính Đức nhảy lên hai bên bậc cửa nói với người trong buồng lái "Xin dừng lại một… "chữ "lát" còn chưa nói hết, mấy viên đạn đã xuyên ngực tên lái xe và viên sỹ quan Đức đi kèm. Hai "lính Đức" vừa nói chính là hai thành viên trong "đội thần ưng" cải trang.

Mãi đến lúc trời tối, chiếc xe tải chở mùn cưa mới từ từ đi tới. Lính gác ra hiệu dừng xe, cất giọng hỏi: "Tại sao bây giờ mới tới?."

"Xe bị hỏng dọc đường, nếu không đã đến từ sớm rồi." Lái xe hạ cửa kính xuống đáp lại. Lính gác nhìn vào trong buồng lái, phẩy tay cho qua. Chiếc xe lọt qua cổng và nhằm thẳng hưởng cửa đường hầm chạy tới.

"Ê, mùn cưa đổ xuống đằng kia chứ, cho xe đến đây làm gì?" Hai tên lính gác cửa đường hầm lên giọng quát.

"Hôm nay cho đổ trực tiếp xuống cửa hầm", viên sỹ quan đi theo áp tải trả lời. Chỉ thấy cánh tay của viên sỹ quan nọ chìa ra khỏi buồng lái. "Bụp, bụp" hai phát đạn súng giảm thanh bắn ra, hai lính gác gục xuống. Trong nháy mắt, cổng đường hầm lại xuất hiện hai "lính gác" mới.

Họ bất ngờ nổ súng tiêu diệt số lính gác trong đường hầm và 4 tên lính trong xưởng máy. Nhưng lính gác thứ 4 khá nhanh trí, khi bị trúng đạn ngã xuống chân phải hắn còn kịp dẫm lên một nút báo động.

Trong nháy mắt, tiếng còi báo động rú vang khắp khu xưởng. Đội trưởng Keli lập tức hạ lệnh "Nhanh, đặc thuốc nổ ngay!". Các lính đặc nhiệm nhanh nhẹn đặt các quả mìn hẹn giờ có sức công phá mạnh vào máy tinh chế, bàn điểu khiển, bể nước.

Đại đội bảo vệ của Đức bị tiếng còi báo động đánh động, chúng nhanh chóng nhận vũ khí, không đầy 20 phút sau toàn bộ lực lượng bảo vệ đã tập trung bên ngoài và nhanh chóng xông vào đường hầm.

"Đội thần ưng" sau khi đặt mìn lập tức nhảy lên xe tải chở mùn cưa tăng ga chạy về phía cửa. Khi xe còn cách cửa khoảng 40m, bỗng từ trong hai chiếc lô cốt bên đường bay ra hai quả lựu đạn. "Ầm, ầm" hai tiếng nổ dữ dội, chiếc xe tải bị nổ bánh trước, tiếp đó là hai luồng lửa vọt từ hai miệng lô cốt.

Đội trưởng Keli và "lái xe" chút nữa thì dính mảnh lựu đạn. Họ nhanh chóng chạy khỏi buồng lái, lăn người về phía sau xe, cùng với 4 người trên thùng xe vừa nhảy xuống, họ sử dụng động tác chiến thuật cá nhân lăn người tiếp cận, tránh được hoả lực từ hai lô cốt, tránh vào cửa hướng bắc của một toà nhà hai tầng.

Lúc này, đại đội bảo vệ chỉ còn cách họ 50 mét. Các chiến sĩ đặc nhiệm bắt đầu sử dụng súng ngắn và lựu đạn chống lại. Nhưng sau đó vẫn bị lực lượng địch khoảng 150 tên dồn vào trong phòng, tiếp đó là cuộc chiến ác liệt giữa họ đang lên cầu thang và bọn lính đã xông vào tầng một. 12 khẩu súng ngắn trong tay họ đã hạ gục 30 đến 40 tên Đức.

"Mau rút lên trên", đội trưởng Keli ra lệnh. Họ hiểu rằng nếu lên được tầng hai thì sẽ có cách thoát thân. Phía đông toà nhà này có 5 dãy nhà khác, giữa các toà nhà chỉ cách nhau khoảng 1,5 mét.

Tên sĩ quan chỉ huy Đức dường như đã nhận ra ý đồ của họ, hắn nhanh chóng đi vào phòng bảo vệ của tầng 1, nhanh tay ấn nút phóng hoả bảo vệ tầng 2, trên tầng 2 có vài chỗ bắt đầu có lửa phun ra, khói cũng bốc lên dày đặc.

"Chụp mặt nạ, chạy lên trên" - đội trưởng ra lệnh dứt khoát, các chiến sĩ nhanh chóng buông mặt nạ chống cháy trong mũ xuống, chụp kín đầu, mặt, cổ và gáy, mặt nạ có hai mắt kinh bằng thuỷ tinh.

Họ nhanh chóng vượt qua biển lửa, qua tầng hai vọt sang toà nhà bên cạnh. Quần áo và mặt nạ họ mang trên người làm bằng vải tự động hạ nhiệt, loại chất liệu này có thể chịu được ngọn lửa đốt liên tục trong 3 đến 5 giây.

Dưới tầng một vọng lên tiếng cười đắc ý của bọn Đức: "Ha, ha… chúng mày có mọc cánh cũng không thoát chết". "Báo cáo, báo cáo! Bọn chúng đã nhảy sang toà nhà 2 rồi ạ" một tên lính Đức vừa báo cáo.

"Cái gì? Bọn chúng là người sắt hay sao? Đuổi theo!" Tên đại đội trưởng gầm lên ra lệnh.

Các chiến sĩ leo lên sân thượng toà nhà số 2, rồi tiếp tục chuyển sang toà nhà số 3 và 4. Khi đang chuẩn bị nhảy sang sân thượng toà nhà số 5 thì họ phát hiện ra có 4 đến 5 tên Đức đang trèo lên, trong nháy mắt chỉ thấy "vèo, vèo, vèo, vèo" bốn con dao bay đi, 4 tên lính Đức rơi lộn cổ xuống dưới.

Dưới sân, tiếng còi báo động réo inh ỏi, bọn Đức chạy đi chạy lại tán loạn.

Trong khi đó, các chiến sĩ của Anh đã nhảy sang sân thượng toà nhà số 6, phía đông toà nhà này là tường bao của nhà máy, đỉnh tường cách toà nhà khoảng 2 mét, cao khoảng 3 mét, các chiến sĩ thay nhau yểm hộ và tụt xuống ban công tầng 2, từng người nhảy từ ban công tầng hai nhảy sang tường bao, từ đó lại nhảy xuống đất và chạy nhanh về phía hướng núi.

Khi họ vừa thoát ra khoảng 100 mét, từ cửa nhà máy xuất hiện ba chiếc mô tô ba bánh đuổi theo. "A! Lại cho chúng ta cả xe máy nữa kìa!" một chiến sĩ hài hước nói.

Đội trưởng Keli ra hiệu cho các chiến sĩ nhanh chóng nằm xuống vệ đường, khi xe còn cách 40 đến 50 mét, chỉ nghe "Chíu, chíu, chíu…" 6 tiếng súng giảm thanh vang lên, 9 tên lính Đức bị hạ gục, mấy chiếc xe mất tay lái đâm vào vệ cỏ bên đường, trong đó có một chiếc đâm vào gốc cây lớn cạnh đó.

Lúc này, đất dưới chân bỗng rung lên, tiếp đó từ phía nhà máy vang lên hàng loạt tiếng nổ dây chuyền.

"Thành công rồi! Thành công rồi!", một người xúc động giơ cả hai tay reo vang.

"Rút!", đội trưởng ra lệnh, họ hanh chóng nhảy lên xe mô tô, chạy như bay trên con đường núi về phía đông. Qua hàng loạt những diễn biến phức tạp nữa, 3 ngày sau, 6 thành viên của "Đội thần ưng" quay về được nước Anh.

(Bài viết sử dụng tư liệu từ cuốn "Những lực lượng đặc nhiệm thế giới" - Nhà xuất bản Công an Nhân dân năm 2003)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại