Đặc nhiệm "Chuột thần"
Tháng 10 năm 1969, Thủ tướng lúc đó của Israel là Golda Meir nhận được một thông tin tình báo quan trọng qua các bức không ảnh do vệ tinh gián điệp của Mỹ chụp được.
Bức ảnh này cho thấy Ai Cập và Sirya đã bố trí hệ thống radar phòng không mới mua về từ Liên Xô dọc theo các vị trí chiến lược quan trọng ven bờ Hồng Hải và Địa Trung Hải.
Loại radar phòng không này có tính năng kỹ thuật hiện đại, phạm vi kiểm soát lớn, hiệu quả cao, độ phân giải cao, có đủ khả năng kiểm soát được các hoạt động của không quân Israel.
Nó còn có thể dẫn đường cho tên lửa đất đối không từ cự ly rất xa bắn trúng vào mục tiêu xâm nhập vùng trời, điều này có đe dọa rất lớn đến lực lượng không quân của Israel.
Trong cuộc chiến tranh Trung Đông từ trước đến giờ, phía Israel có thể khá tự do tung hoành, giành quyền chủ động trong chiến đấu một phần rất lớn là dựa vào ưu thế về không quân.
Nếu Ai Cập và Sirya trang bị cho quân đội của họ loại radar hiện đại này thì ưu thế về không quân của Israel sẽ giảm sút rõ rệt.
Cố Thủ tướng Israel Golda Meir. Ảnh: Wiki
Thủ tướng Meir đang đứng trước tấm bản đồ quân sự khổ lớn trên đó mới được vẽ thêm những hình tam giác đỏ tượng trưng cho các trạm radar, trầm tư suy nghĩ.
Những hình tam giác đỏ đó như những con mắt giận dữ nhìn vào bà, bà ném mạnh ly nước đang cầm trên tay xuống nền nhà, bực bội nói: "Tôi nhất định phải móc những con mắt đáng ghét này".
Trong cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ 3 (còn được gọi là chiến tranh ngày 5 tháng 6), không quân Israel đã phát động một cuộc tập kích bất ngờ vào các sân bay của Ai Cập và Sirya nằm sâu trong hậu phương.
Hai nước này bị bất ngờ, không kịp phản ứng, hầu như toàn bộ số máy bay chiến đấu nằm trên đường băng bị tiêu diệt.
Sau đó, lực lượng bộ binh được không quân yểm trợ trong thoảng thời gian ngắn ngủi 6 ngày đã chiếm được gần 65.000 km² đất đai, bao gồm bán đảo Sinai của Ai Cập, cao nguyên Golan của Sirya và vùng thuộc quyền quản lý của Jordan tại Jersusalem.
Ai Cập và các nước hết sức căm giận. Nhằm lấy lại đất đai, giữ gìn danh dự đất nước, kiềm chế sự lộng hành của không quân Israel, họ đã không tiếc khi phải chi những khoản ngoại tệ lớn, bí mật mua về vài dàn radar phòng không tiên tiến của Liên Xô.
Sau đó, họ chia ra bố trí ở những vị trí tiện cho việc theo dõi hoạt động của không quân Israel, hình thành mạng lưới phòng không chặt chẽ, kiểm soát trong phạm vi cự ly cao và thấp gần và xa.
Thủ tướng Israel rất bức bối trước sự kiện này, quyết tâm sẽ tiêu hủy hoàn toàn những trạm radar đó. Nhưng hiện tại những dàn radar đã được bố trí, lắp đặt xong và đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm, đây là mối đe dọa lớn đối với lực lượng không quân Israel.
Nếu phía Israel cho máy bay không kích vào các trạm radar này, có thể máy bay chưa bay đến được trận địa đối phương đã bị phát hiện và bắn hạ.
Nếu thực hiện kế hoạch dùng bộ binh tấn công mục tiêu thì do khoảng cách cơ động quá xa sẽ rất khó khăn hơn nữa phía quân đội Ai Cập đã có sự chuẩn bị, khu vực xung quanh các trạm radar đã bố trí lực lượng phòng thủ, rất khó nang lại hiệu quả tấn công.
Vậy phải làm gì để vô hiệu hóa những "con mắt" của người Arập? Sau khi bí mật bàn bạc với Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng, Thủ tướng Meir quyết định sẽ sử dụng lực lượng đặc nhiệm, đột nhập tập kích vào trận địa radar đối phương.
Ngày hôm sau, trong khu căn cứ không quân được canh phòng nghiêm ngặt, một tốp lính trong quân phục rằn ri đang vây quanh một hệ thống đài radar, nghe các chuyên gia kỹ thuật điện tử giới thiệu về cấu tạo và đặc điểm của hệ thống radar.
Đây chính là lực lượng đặc nhiệm do Thủ tướng Meir tổ chức nhằm mục đích tấn công tiêu diệt trạm radar của Ai Cập, đội đặc nhiệm được mang mật danh "Chuột thần".
Qua hơn một tháng tập luyện trong điều kiện tuyệt mật, đội đặc nhiệm đã nắm vững được phương pháp đột nhập bí mật vào lãnh thổ đối phương bằng đường bộ và đường thủy, học được cách đặt mìn hẹn giờ vào vị trí các bộ phận, thiết bị quan trọng của đài radar, thực tập các tình huống có thể xảy ra, đề ra các phương pháp đối phó cụ thể.
Phía Mỹ, khi biết được kế hoạch người "anh em" Israel chuẩn bị tập kích vào hệ thống radar nằm trong lãnh thổ Ai Cập, liền đưa ra đề nghị mong rằng sẽ được Israel cung cấp cho một dàn radar hoàn chỉnh để có thể nghiên cứu biện pháp đối phó.
Thủ tướng Meir vì muốn khoe khoang khả năng của lực lượng đặc nhiệm nên đã đồng ý với yêu cầu của "ông anh cả."
Đài radar có kết cấu cồng kềnh, chỉ dàn ăng ten đã cao bằng cỡ tòa nhà hai tầng, toàn bộ các thiết bị có trọng lượng khoảng 70 tấn, nếu muốn đưa thiết bị khổng lồ này từ trận địa bảo vệ cẩn mật của đối phương chuyển về Israel đâu phải chuyện dễ.
Chỉ riêng việc lực lượng đặc nhiệm vượt khoảng cách xa xôi tấn công phá hủy trạm radar được canh phòng nghiêm ngặt là vô cùng khó khăn, còn nếu muốn vận chuyển nó về đến nơi an toàn thì khó khăn quả là khó tưởng tượng.
Trong trường hợp này, thời gian quấn luyện cho lực lượng đặc nhiệm phải dài hơn, để họ có thể nắm vững được yêu cầu nhiệm vụ.
Tháo trộm "con mắt điện tử"
Ngày 25 tháng 12 là ngày lễ giáng sinh truyền thống.
Tại Cairo của Ai Cập đang là giữa mùa đông, tiết trời lạnh lẽo, nhưng trên các đường phố lớn đều ngập tràn bầu không khí lễ hội. Thế nhưng, tại trạm radar chủ yếu ở cách xa Cairo lại rất vắng vẻ, có thể do vào ngày lễ nên đa số các chiến binh Ai Cập đều đang tập trung trong các câu lạc bộ uống rượu chúc tụng lẫn nhau.
Cả trận địa radar rất vắng vẻ, chỉ có dàn ăng ten khổng lồ đang lặng lẽ quay trong gió lạnh.
Màn đêm vừa buông xuống, hai chiếc máy bay trực thăng màu trắng không mang số hiệu gì chở theo 50 lính đặc nhiệm vào 10 chuyên gia kỹ thuật điện tử lặng lẽ cất cánh từ một sân bay bí mật nằm trong lãnh thổ Israel, lợi dụng bóng đêm, chúng bay thấp hướng về phía Tây Nam, rất nhanh sau đó chúng đã khuất dần về phía Địa Trung Hải.
Chiến dịch tấn công vào trận địa radar Ai Cập của đội "Chuột thần" đã bắt đầu. Các máy bay không dám bật đèn pha vì sợ lộ, chúng bay mò mẫm trong bóng đêm.
Đây là hành động mạo hiểm. Nếu bị radar của phía Ai Cập phát hiện, họ còn chưa kịp nhìn thấy hình thù trạm radar thì đã bị bắn hạ rồi.
Trên đường bay, các thành viên đều căng thẳng, nơm nớp lo sợ, cho dù đang là giữa mùa đông, thời tiết rất lạnh lẽo song trên trán mọi người đều lấm tấm những giọt mồ hôi.
Từ lúc lực lượng đặc nhiệm cất cánh, Thủ tướng Meir vẫn ngồi trong phòng tác chiến Bộ tổng tham mưu, bồn chồn theo dõi tin tức của cuộc tập kích.
Nếu phi vụ này thành công, mang được các thiết bị radar về Israel thì không những nhờ đó có thể tìm được cách gây nhiễu, đánh lừa hệ thống radar mà tiếp đó là có thể cho máy bay đánh phá, phá hủy các trạm radar còn lại. Nhưng nếu chuyến đi này thất bại thì hậu quả sẽ khôn lường.
Sau nửa tiếng vẫn không có tin tức gì báo về. Thủ tướng Meir dường như hết kiên nhẫn, đã mấy lần bà bước đến bên người sĩ quan liên lạc, định dùng điện đài liên lạc với lực lượng hành động, nhưng cuối cùng bà lại kìm được.
Đài radar P-12 của Ai Cập tại bảo tàng Không quân Israel ở Hatzerim. Ảnh: Wiki
Máy bay trực thăng tiếp tục bay sát mặt biển, thỉnh thoảng lại có những giọt nước biển bị cánh quạt máy bay thổi bắn lên thân máy bay.
Qua chặng đường bay dài trong tiếng động ồn ã của động cơ và tiếng gầm gào của sóng biển, các chiến sĩ đều có vẻ mệt mỏi. Khi sắp tiếp cận khu vực kiểm soát của trạm radar, máy bay tiếp tục hạ thấp độ cao, tăng tốc bay trên độ cao chỉ cách mặt biển vài mét, nhằm thẳng hướng mục tiêu.
Đột nhiên, đèn đỏ trong khoang máy bay nhấp nháy, chuông báo vang lên những tiếng ngắn chói tai, giục giã. Đó là tín hiệu đã tiếp cận mục tiêu, chuẩn bị hành động phát ra từ phòng điều khiển máy bay.
Các chiến sĩ đặc nhiệm nhanh chóng đội mũ sắt, chỉnh lại các trang bị, xem lại vũ khí.
Máy bay trực thăng bay vụt qua khu vực trận địa của lực lượng bảo vệ trạm radar, phi công hạ cánh điêu luyện xuống khu vực chỉ cách đài radar khoảng 100 mét.
Cửa máy bay vừa bật mở, lính đặc nhiệm trong trang phục nguy trang đã lao ra, một tổ chiếm lĩnh vị trí có lợi gần chỗ hạ cánh, làm nhiệm vụ yểm hộ, những người khác chia làm ba hướng xông vào đài radar.
Khi máy bay vừa hạ cánh, phi công đã nhanh chóng báo về bộ tổng tham mưu: "Chuột thần" đã đến mục tiêu, đang triển khai hành động theo kế hoạch".
Khi nhận được tín hiệu báo về, thủ tướng Meir hết sức vui mừng. Một mặt, bà ta chỉ thị cho lực lượng đặc nhiệm phải chú ý hiệp đồng, nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ, một mặt ra lệnh cho không quân chuẩn bị yểm trợ cho lực lượng đặc nhiệm rút ra an toàn.
Khi đột nhập được vào đài radar, lực lượng đặc nhiệm nhanh chóng dùng súng giảm thanh hạ gục lính gác. Tiếp đó, một bộ phận chiếm giữ trận địa phòng thủ của lính Ai Cập, đề phòng địch phản công.
Một bộ phận phối hợp với các chuyên gia kỹ thuật, trực tiếp lên đài radar, tháo dỡ toàn bộ thiết bị, đưa về máy bay. Trước lúc trời sáng, dưới sự yểm hộ của không quân, bộ dàn radar trị giá hàng triệu đôla này sẽ được đưa về Israel.
Do tốc độ và độ bí mật cao trong hành động, một lực lượng bảo vệ khác của quân Ai Cập đóng quân cách đó khoảng 3 km hoàn toàn không hay biết những sự kiện diễn ra trong đêm. Đến lúc trời sáng, họ mới phát hiện ra là không thấy dàn ăng ten đâu cả, họ lại cứ ngỡ rằng trận địa radar đã chuyển vị trí trong đêm qua.
Qua nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, có hệ thống các thiết bị của trạm radar thu được, các chuyên gia tình báo, chuyên viên kỹ thuật Israel đã nắm được thông tin về tần số, bước sóng, cự ly kiểm soát, đặc điểm tín hiệu và các tham số bí mật khác của hệ thống radar này.
Nhờ vào những phát hiện đó, họ đã tìm được cách đối phó, né tránh loại radar này, và đã chế tạo được thiết bị gây nhiễu hiệu quả. Cũng từ đó, không quân của Israel lại tiếp tục ngang nhiên hoành hành, tấn công vào các mục tiêu của các nước Ả-rập.
(Bài viết sử dụng tư liệu từ cuốn "Những lực lượng đặc nhiệm thế giới" - Nhà xuất bản Công an Nhân dân năm 2003)