Đôi chân biến dạng cả đời của người phụ nữ cuối cùng theo tục 'bó chân gót sen' ở Trung Quốc

Bích Kiên |

Cụ bà Zhao, 92 tuổi, có thể là người phụ nữ cuối cùng của tục "bó chân gót sen" khắt khe ở Trung Quốc thời phong kiến còn sống.

Đôi chân biến dạng cả đời của người phụ nữ cuối cùng theo tục bó chân gót sen ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Bà Zhao với “đôi chân gót sen” còn hiện hữu cho tới ngày nay.

Tại thủ đô Bắc Kinh hiện đại của Trung Quốc, cụ bà Zhao là một con người xưa nay hiếm. Người phụ nữ 92 tuổi này có một đôi “chân sen” bé nhỏ - biểu tượng của vẻ đẹp thời phong kiến.

Giống như hàng trăm ngàn cô gái sống cùng thời kỳ, cụ bà Zhao sẽ quấn lớp vải mỏng quanh ngón chân mỗi ngày ngay từ lúc mới 5 tuổi cho tới 10 năm sau nhằm có một đôi chân biến dạng nhưng đáng mong đợi. 

Đó là tục “bó chân gót sen”, kéo dài khoảng 1.000 năm ở Trung Quốc và bị  chính phủ Trung Quốc xóa bỏ vào năm 1912.

Zhao sống ở một ngôi làng thuộc quận Shunyi ở ngoại ô Bắc Kinh. Bà thích hút thuốc lá bằng ống dài truyền thống của Trung Quốc và đi xe 3 bánh quanh khu phố sinh sống. 

Bà là một trong số ít phụ nữ cao tuổi cuối cùng ở Trung Quốc trải qua phong tục bó chân để chúng chỉ có kích thước bằng lòng bàn tay.

Đôi chân biến dạng cả đời của người phụ nữ cuối cùng theo tục bó chân gót sen ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Khi Zhao cởi tất ra, “bàn chân sen” của bà cho thấy các ngón bị dẹt, gập vào trong khiến ngón chân cái cao bất thường.

“Bàn chân gót sen” ấy là điều mà hàng triệu phụ nữ phong kiến mong ước có được. Một đôi chân nhỏ dài không quá 10 cm không chỉ bảo đảm phụ nữ có một cuộc hôn nhân tốt đẹp mà còn nhận được sự tôn trọng từ gia đình và xã hội.

Người Trung Quốc phong kiến tin rằng bàn chân nhỏ bé gót sen ấy có thể giúp đàn ông thỏa mãn trong chuyện phòng the.

Mặt khác, những phụ nữ không có “bàn chân gót sen” sẽ bị coi là “quá nam tính, quá mạnh mẽ và không đủ tinh tế” như một câu nói của người Trung Quốc xưa.

Một đôi chân bị bó buộc tốt nhất, được gọi là “chân sen vàng”, cần có chiều dài khoảng 10 cm, tiếp đến “chân sen bạc” là 13 cm. Những phụ nữ có đôi chân như vậy sẽ đi giày thêu họa tiết đẹp để khoe đôi chân nhỏ xíu.

Đôi chân biến dạng cả đời của người phụ nữ cuối cùng theo tục bó chân gót sen ở Trung Quốc - Ảnh 3.

Chỉ có những “đôi chân gót sen” mới đi vừa giày có kích thước đặc biệt như thế này.

Có vài giả thuyết về lý do giải thích bàn chân bị buộc chặt được gọi là “bàn chân sen” ở Trung Quốc. 

Một bàn chân bị buộc một cách  hoàn hảo sẽ trông giống như hình dạng của một bông hoa sen khép kín - với ngón chân cái của người phụ nữ hướng về phía trước và các ngón chân còn lại gập lại vào phía trong. 

Như vậy, họ có phần gót chân to rồi thon đều, nhỏ gọn về phía mũi như một cánh sen. Các cô gái trẻ sẽ phải cuốn khăn ngay từ nhỏ để đảm bảo “đôi chân sen” sẽ hình thành và giữ được hình dạng.

Ngoài mục đích thẩm mỹ, một “đôi chân sen” có thể minh chứng người phụ nữ chung thủy với chồng. 

Bởi người xưa tin rằng cô ta sẽ không thể chạy nhanh bằng đôi chân nhỏ bé của đó nên thật khó để ngoại tình hoặc trốn thoát khỏi gia đình chồng.

Đôi chân biến dạng cả đời của người phụ nữ cuối cùng theo tục bó chân gót sen ở Trung Quốc - Ảnh 4.

Bà Zhao là một trong số ít những phụ nữ có “gót chân sen” ở Trung Quốc hiện nay.

Phong tục gây tranh cãi có từ hơn 1.000 năm trước thời nhà Đường của Trung Quốc và đạt đến đỉnh cao vào thời nhà Thanh kéo dài từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20.

Nó đã bị bãi bỏ phần lớn - cùng với chế độ phong kiến ​​- sau khi Trung Hoa Dân Quốc được thành lập vào năm 1912. 

Tuy nhiên, ở các vùng nông thôn, phong tục này vẫn duy trì cho đến những năm 1940. Điều này giải thích tại sao bà Zhao, người sinh năm 1927, vẫn bị buộc phải theo hủ tục này.

Trước đây, phụ nữ Trung Quốc chỉ được phép khoe đôi chân trần với chồng. Nhưng trong những năm gần đây, ngày càng nhiều phụ nữ cao tuổi đã được phép “khoe” các đặc điểm hình thể khác thường của họ trước các nhà báo và nhiếp ảnh gia.

Từ năm 2005, Jo Farrell, một nữ nhiếp ảnh gia người Anh, đã chụp ảnh và phỏng vấn hàng chục phụ nữ có “gót chân sen” như vậy ở các tỉnh Sơn Đông, Vân Nam và Sơn Tây.

Thật khó tưởng tượng phụ nữ phải chịu một quá trình đau đớn chỉ để được xã hội chấp nhận và được yêu thương”, Jo Farrell nói với MailOnline. 

Nhưng đó là tiêu chuẩn của cái đẹp vào thời điểm đó, giống việc một số phụ nữ thích gầy hoặc có hình xăm như ngày nay”, Farrell nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại