LTS: Thời gian gần đây, dư luận trong nước dấy lên những quan điểm trái chiều về việc ví con gái là người tình kiếp trước của cha. Để cung cấp thêm những lập luận xung quanh vấn đề này, chúng tôi xin dịch lại nguyên văn bài viết thể hiện quan điểm của một tác giả người Trung Quốc, được đăng tải trên trang báo điện tử Wenxue City (Trung Quốc).
Những liên tưởng lệch lạc từ một câu so sánh hoa mỹ
Con gái được ví như "người tình kiếp trước của cha". Hình ảnh ấy được sử dụng trong không ít các tác phẩm văn học hiện đại, cũng được dùng như một câu nói phổ biến khi nhắc tới mối quan hệ khăng khít giữa cha và con gái.
Từ hình tượng so sánh này, nhiều người tiếp tục phát triển thành những câu nói hoa mĩ khác như cha là "người yêu đầu" của con gái, là mẫu "người yêu lý tưởng" mà cả đời con gái tìm kiếm.
Nam diễn viên Trung Quốc Vương Bảo Cường từng đăng trên cá nhân của mình một bức ảnh chụp con gái kèm theo lời ví cô công chúa ấy giống như "tình nhân" của cuộc đời mình.
Tác giả văn học Trung Quốc Lưu Dung trong cuốn "Cả đời có được bao nhiêu cuộc tình" cũng từng ví con gái nhà người tình kiếp trước của cha bằng câu văn: "Tình yêu của con gái thật dài, khiến nàng theo đuổi từ kiếp trước tới kiếp này…"
"Con gái là người tình kiếp trước của cha" là câu văn được sử dụng phổ biến để ví von tình cảm gắn bó của cha và con gái. (Ảnh minh họa).
Vậy nhưng hình ảnh so sánh này trên thực tế lại hết sức vô nghĩa.
Giả sử, nếu lấy hình ảnh con gái là "người tình" của cha làm chuẩn mực, như vậy mẹ là "tình nhân" của ông ngoại, còn các chị em gái trong nhà đều là "nhân tình" của cha từ kiếp trước?
Chỉ là một hình ảnh so sánh văn hoa, nhưng những liên tưởng mở rộng đi kèm với hình ảnh ấy lại khiến người khác không khỏi lắc đầu vì sự lệch lạc về vai vế.
Không thể dùng "người tình" để so sánh với giá trị của con gái
Tình cảm giữa cha và con gái là sự gắn kết của sức mạnh ruột thịt, là sự kết tinh thiêng liêng của tình phụ tử. Trong khi đó, "tình nhân", "người tình" lại là những từ ngữ thường được nhắc đến khi ám chỉ "người thứ ba", "người yêu".
Hơn nữa, những từ này dùng trong quan hệ yêu đương giữa người nam và người nữ mà không có nền tảng hôn nhân, hoàn toàn không thích hợp để lý giải nguồn gốc về tình cảm giữa cha và con gái. Điều quan trọng là giá trị của con gái không thể dùng "tình nhân" hay "người tình" để so sánh.
Trên thực tế, tình cảm giữa cha và con gái không thể dùng "tình nhân" hay những mối quan hệ yêu đương nam nữ để hình dung hay so sánh. (Ảnh minh họa).
Bình luận về điều này, nam diễn viên nổi tiếng Trung Quốc Huỳnh Lỗi cho biết:
"Con gái so với tình nhân rõ ràng quý giá hơn rất nhiều, vì vậy không nên dùng hai chữ này để hình dung mối quan hệ cha con.
Bởi lẽ, tình cảm của người cha dành cho con gái vốn dĩ vượt xa tình cảm của người đàn ông dành cho nhân tình. Con gái đem lại cho cha lòng dũng cảm, mục tiêu, trở thành động lực giúp cha cố gắng…"
Trong bức thư gửi con gái mình, cựu Tổng thống Mỹ Obama cũng từng viết:
"Bất ngờ cha nhận ra những kế hoạch to tát cha vạch ra cho chính mình không còn quan trọng nữa. Cha cảm thấy, nhìn các con có cuộc sống vui vẻ chính là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời mình".
Cựu Tổng thống Mỹ Obama và hai con gái.
Ngay tới thiếu gia nổi tiếng Bắc Kinh một thời là Vương Sóc khi nhắc tới con gái cũng không khỏi xúc động:
"Ngay ở thời khắc con sinh ra, con đã cho cha biết tới niềm vui tuyệt vời mà những năm tháng tuổi trẻ cha hao tâm tổn sức tìm kiếm nhưng vẫn không thể tìm thấy được…"
Những tình cảm ruột thịt quý giá, sâu đậm đến tận cốt tủy ấy sao có thể dùng hai từ "người tình" để so sánh?
Vì thế, câu nói "con gái là người tình kiếp trước của cha" tuy hoa mĩ, văn vẻ, nhưng lại lý giải nguồn gốc tình phụ tử bằng tình yêu nam nữ. Chính điều ấy đã vô tình làm mất đi sự trong sáng của tình cảm cha con vốn rất thiêng liêng này.
Sự gắn bó của cha và con gái giải thích trên góc độ khoa học
Xét trên góc độ tâm lý học, bác sĩ thần kinh và tâm lý người Áo nổi tiếng Sigmund Freud (1856 - 1939) đã từng đề cập đến việc con gái càng lớn càng hay mâu thuẫn với mẹ và có xu hướng thân thiết với cha.
Sự gắn bó và xu hướng thân thiết của cha và con gái hoàn toàn có thể được giải thích trên góc độ tâm lý học. (Ảnh minh họa).
Nhà tâm lý học Thụy Sĩ Carl Jung (1875-1961) cũng từng cho rằng, người cha chính là Animus của con gái.
Theo giải thích, Animus là "cực dương" của phái nữ. Đó là phần hướng ngoại, sáng tạo và được cơ cấu về phương diện xã hội; đó là cực của lý trí và của tư tưởng, là chiều kích của tương lai. Tất cả còn tùy thuộc vào tính xác thực của lực hướng ngoại sáng tạo đó.
Sự hình thành Animus tùy thuộc vào người cha, hay ít ra là vào cảm thức mà bé gái nhận thấy đối với người cha của mình.
Đối với một thiếu nữ, người cha là một biểu tượng lớn đầu tiên về người đàn ông trên đường đời của cô.
Đó là một biểu tượng trước khi trở thành một nhân vật bằng xương bằng thịt. Biểu tượng của uy lực, của tính bất khả ngộ (infaillibilite'), của tri thức, của tương lai, biểu tượng của con người xã hội và của nghệ thuật khẳng định mình.
Trường phái Phân tâm học cũng khẳng định, hình ảnh của cha ruột có sức ảnh hưởng rất lớn đối với tiêu chuẩn và quá trình lựa chọn bạn đời của con gái họ.
Bởi vậy, những lý giải trên góc độ khoa học đã cho chúng ta thấy, sự gắn bó mật thiết giữa cha và con gái không chỉ được hình thành trên mối quan hệ huyết thống, mà còn có cơ sở tin cậy để chứng minh chứ không thể chỉ dựa vào mối quan hệ trừu tượng, duy tâm như "kiếp trước", "kiếp này" để hình dung.