Trong thời gian gần đây, Google cho biết đã tích hợp AI vào công cụ tìm kiếm của mình với lời hứa hẹn sẽ mang đến các trải nghiệm tìm kiếm thú vị và hấp dẫn hơn. Nhưng trái ngược với lời ca ngợi của Google, mạng xã hội đang tràn ngập các ví dụ cho thấy Google Search đang đưa ra các câu trả lời hoàn toàn vô lý trong kết quả tìm kiếm của mình. Điều này đặt ra nghi vấn của người dùng về mức độ đáng tin cậy của công nghệ này.
Một ví dụ đáng chú ý là khi tìm kiếm cách giữ phô mai không bị trượt khỏi bánh pizza. Trong khi hầu hết các gợi ý đưa ra là hợp lý như khuyên người dùng nên để bánh pizza nguội trước khi ăn, thì lời khuyên hàng đầu lại thật kỳ lạ: "Sử dụng keo dán để giữ phô mai".
Một lời khuyên quá độc hại cho người dùng khi keo dán không những không giúp phô mai dính chặt hơn mà còn gây nguy hại cho sức khỏe. Với những người có kiến thức, câu trả lời này quá vô lý, còn nếu trẻ em hoặc ai đó không biết rõ khi làm theo gợi ý trên có thể trở nên vô cùng nguy hiểm.
Một trường hợp khác đáng chú ý là khi hỏi về tổng thống Mỹ nào đã theo học tại Đại học Wisconsin-Madison. AI của Google đã đưa ra câu trả lời sốc rằng có tới 13 tổng thống đã theo học tại đây, với tổng cộng 59 bằng cấp khác nhau. Thậm chí, AI còn cho biết một số tổng thống đã tốt nghiệp trong khoảng thời gian từ 1947 đến 2012, dù họ đã qua đời lâu trước đó. Rõ ràng, trừ khi có một loại công nghệ đặc biệt biến người chết thành "zombie", câu trả lời này hoàn toàn vô lý.
Ngoài ra, AI của Google cũng đã đưa ra những câu trả lời ngây ngô như chó có thể chơi khúc côn cầu chuyên nghiệp, sở hữu khách sạn, nhảy đầm, ném bóng chày, và thậm chí lái máy bay.
Trước những sai lầm trớ trêu này, Google đã lên tiếng biện hộ rằng đó chỉ là những trường hợp cá biệt với các câu hỏi "hiếm gặp". Tuy nhiên, lập luận này dường như khá mong manh. Liệu lời biện hộ này có nghĩa là người dùng chỉ nên hỏi Google những câu đơn giản và phổ biến để nhận được câu trả lời đáng tin cậy?
Vấn đề thực sự nằm ở chỗ khi các công ty công nghệ chạy đua tung ra các công cụ AI để thu hút sự chú ý của người dùng, dường như chúng chưa được hoàn thiện. Công nghệ AI hiện tại, dù có thể tạo ra ngôn ngữ giống con người, chỉ đơn thuần là một mô hình dự đoán văn bản cao cấp hơn trước đây, chúng không có khả năng suy luận và áp dụng logic như con người.
Khi được hỏi những câu hỏi mà chúng không biết câu trả lời, các công cụ AI sẽ đơn giản là "tạo ra" những từ ngữ mà chúng cho là hợp lý, mà không hiểu ý nghĩa thực sự đằng sau câu trả lời đó. Đây chính là lý do khiến chúng đưa ra những câu trả lời ngớ ngẩn như trên.
Những câu trả lời ngớ ngẩn đó được các chuyên gia thiết kế nên những hệ thống này gọi một cách mỹ miều là "ảo giác AI". Khi con người bị mất cảm giác về thực tại, đó mới là ảo giác. Còn với các chatbot AI hiện tại, đó không phải là ảo giác bởi vì chúng không có khả năng tư duy hay suy luận logic.
Những câu trả lời ngớ ngẩn đó là lỗi lầm của những công ty phát hành chúng khi huấn luyện các mô hình ngôn ngữ đó một cách sơ sài để có thể nhanh chóng ra mắt và bắt kịp cơn sốt mà ChatGPT tạo ra. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về độ tin cậy của công nghệ AI trong việc cung cấp thông tin chính xác. Nếu người dùng phải kiểm chứng lại mọi câu trả lời từ AI, vậy thì ý nghĩa của việc sử dụng công cụ này là gì?
Trước tình hình trên, Google đã phải thừa nhận rằng họ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống AI để đưa ra những câu trả lời chính xác hơn. Tuy nhiên, liệu công nghệ AI có thực sự đáng tin cậy trong việc cung cấp thông tin? Hay đây chỉ là một chiêu trò marketing mới của các công ty công nghệ để thu hút người dùng? Thời gian sẽ là câu trả lời cho câu hỏi này.