Loài chim được mệnh danh "sát thủ rừng xanh" của Việt Nam: Có tên trong Sách Đỏ, rắn độc thấy là sợ

Nguyệt Phạm |

Loài chim này thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm, cần được bảo tồn.

Loài chim khiến rắn độc phải sợ

Tại Việt Nam, có một loài chim được mệnh danh là "sát thủ rừng xanh" có tên gọi là Diều hoa Miến Điện. Chúng là loài chim săn mồi thuộc họ Ưng (Accipitridae), tên gọi khác là Ó hoa Miến Điện (danh pháp hai phần: Spilornis cheela).

Loài chim được mệnh danh

Diều hoa Miến Điện được mệnh danh là loài chim "sát thủ rừng xanh". (Ảnh: VBCS)

Theo trang Sinh vật rừng Việt Nam, chim diều hoa Miến Điện trưởng thành có đỉnh đầu, gáy và mào lông đen, gốc các lông trắng ít nhiều lộ ra ngoài. Các lông ở gáy và đầu viền hung nâu hẹp. Mặt lưng nâu thẫm, lông bao cánh nhỏ nâu, đen nhạt, có hai điểm trắng ở mút lông, các phần khác giống màu lưng, thỉnh thoảng có viền trắng ở chim non. Lông cánh màu nâu đen nhạt, mút lông màu nhạt với một dải rộng màu nâu ở mút và hai dải hẹp hơn nâu lẫn trắng ở phía trong, phiến lông trong có vệt trắng. Lông trên đuôi có mút và vệt trắng.

Đuôi đen với mút trắng, một dải trắng hay nâu nhạt ở giữa phần gốc nâu nhạt. Mặt bụng hung hay hung nâu. Cằm, họng nâu xám, có vằn hung nâu rất hẹp. Ngực thường nâu với vài dải và đường vằn hẹp màu hung nâu ở mút lông. Phần còn lại của mặt bụng có những điểm tròn trắng có viền đen ở phía trên và dưới mỗi điểm, ở bụng các điểm này hơi kéo dài, còn ở dưới đuôi lại thành dải ngang nâu, trắng và đen xen kẽ nhau.

Loài chim được mệnh danh

Chim diều hoa Miến Điện trưởng thành có đỉnh đầu, gáy và mào lông đen, gốc các lông trắng ít nhiều lộ ra ngoài. (Ảnh: VBCS)

Những con chim non có lông ở đầu và lông mào ngắn, trắng hung với một điểm nâu ở gần mút. Mặt lưng nâu, mỗi lông có viền trắng, rộng. Các lông bao cánh phía trong viền trắng. Đuôi có sáu dải nâu thẫm và nâu nhạt, dải cuối cùng thường phớt trắng. Mặt bụng trắng phớt nâu nhạt hay nâu hung nhạt với vài vạch thẫm ở ngực và sườn. Các dải ở cánh nhiền hơn. Mắt vàng tươi. Mỏ xanh xám, sống và chóp mỏ đen. Da gốc mỏ vàng. Chân vàng nhạt.

Diều hoa Miến Điện sinh sống trong khu vực rừng khắp châu Á nhiệt đới. Theo thông tin từ An ninh thủ đô, loài chim này sinh sống khắp vùng Đông và Nam Á. Ở Việt Nam, diều hoa Miến Điện phân bố phổ biến ở khắp các khu vực rừng núi.

Loài chim được mệnh danh

Ở Việt Nam, diều hoa Miến Điện phân bố phổ biến ở khắp các khu vực rừng núi. (Ảnh: Vietnam Bird Guide)

Trong phạm vi phân bố, chúng khác nhau khá nhiều và các nhà khoa học đã phân chia nhiều phụ loài của loài này thành các loài riêng biệt. Đó là các loài như Philippine Serpent Eagle (S. holospila), Andaman Serpent Eagle (S. elgini) và South Nicobar Serpent Eagle (S. klossi)...

Chim diều hoa Miến Điện thường có chiều dài từ 55-76 cm, sải cánh dài từ 109-169 cm và trọng lượng tối đa lên đến 1,8kg. Chúng khi bay lượng và kiếm ăn thường tạo ra riếng kêu to và rõ. Con mồi của chúng thường là các loài động vật có vú nhỏ, linh trưởng cỡ nhỏ và các loài chim khác. Đặc biệt, diều hoa Miến Điện được coi là "khắc tinh" của loài rắn, bao gồm cả rắn độc.

Năm 2020, trên kênh Youtube của tài khoản có tên LeopardTrails đã chia sẻ một video săn rắn độc của diều hoa Miến Điện. Nội dung của đoạn video là hình ảnh một con rắn hổ mang Ấn Độ - một trong Tứ đại nọc độc nguy hiểm nhất ở Ấn Độ trở thành con mồi của một con diều hoa Miến Điện.

Diều hoa Miến Điện săn rắn hổ mang cực độc. (Nguồn: Youtube)

Con rắn cực độc khi đối đầu với thiên địch của mình chỉ đành bất lực chịu trận dưới cặp móng vuốt sắc nhọn của diều hoa Miến Điện mà không đánh trả lại được gì. Cuối cùng, nó bị con chim này mổ liên tục vào đầu cho đến chết.

Trang VBCS chia sẻ, diều hoa Miến Điện thường sinh sản vào cuối mùa đông, chim cái sẽ đẻ trứng trong tổ và chim đực chịu trách nhiệm tìm kiếm thức ăn. Sau khoảng 41 ngày, trứng sẽ nở thành chim con. Diều hoa Miến Điện xây tổ mới mỗi năm, vị trí dọc theo các cây ở ven sông.

Loài chim được mệnh danh

Diều hoa Miến Điện xây tổ mới mỗi năm, vị trí dọc theo các cây ở ven sông. (Ảnh: Vietnam Bird Guide)

Năm 2016, diều hoa Miến Điện đã được thêm vào Sách Đỏ IUCN, danh sách các loài bị đe dọa do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế giám sát.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại